Thời gian gần đây, tại một số bệnh viện tiếp nhận nhiều trường hợp mắc cúm A phải nhập viện điều trị. Trao đổi với PV Dân Việt, bác sĩ Nguyễn Thị Thu Hường, Trưởng Khoa Bệnh Nghề nghiệp, Bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội) cho biết, những ngày gần đây, trung bình một ngày đơn vị tiếp nhận 10 bệnh nhân cúm A, khác nhiều so với các tuần trước chia lẻ tẻ vài ca nhập viện.
Hầu hết các bệnh nhân vào viện trong tình trạng sốt cao, mệt mỏi, đau nhức cơ thể. Cá biệt có trường hợp viêm phổi suy hô hấp nhưng đã được can thiệp kịp thời, sức khoẻ bệnh nhân hiện đã ổn định.
Ngồi trên giường bệnh, bệnh nhân Nguyễn Thị Th. (60 tuổi, ở phường Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, nhập viện đêm 2/7 trong tình trạng sốt cao, đau đầu, đau người, một mình không đi nổi, phải có người phụ kèm.
Bà Th. cho biết, hai ngày đầu bản thân có dấu hiệu nặng, sang ngày thứ 3 thì tiến triển tốt hơn và đến hôm nay là cắt được cơn sốt. "Tôi chưa từng mắc Covid-19, cũng chưa bao giờ bị sốt như này. Các dấu hiệu đến khá nhanh, buổi chiều vẫn làm việc bình thường, tối thấy mệt, đến 23h30 đêm thì trở nặng. Tôi rất bất ngờ khi xét nghiệm ra cúm A vì tôi không đến chỗ đông người, các thành viên trong nhà cũng không ai bị cúm", bà Th. chia sẻ.
Tương tự, chị Nguyễn Bích H. (ở quận Hoàng Mai, Hà Nội) vào viện ngày 3/7. Chị H. cho hay, ngủ dậy thấy sốt đi mua thuốc uống nhưng cơn sốt không hạ. Chị được người nhà đưa vào viện kiểm tra thì được biết bị cúm A.
Chị H. nói: "Lúc thấy bị sốt tôi cứ nghĩ mình bị Covid-19 lần 2 nhưng test chỉ lên một vạch. Các dấu hiệu của cúm A mà tôi mắc phải diễn ra khá nhanh. Sau khi sốt tôi lên cơn rét, đau đầu, đau nhức khắp cơ thể, thậm chí đi còn không vững. Tôi thấy cúm A rất nguy hiểm, bệnh lây truyền qua đường hô hấp, cũng có những ảnh hưởng và biến chứng vào phổi".
Cùng phòng điều trị với chị H. là anh P.N.M. (23 tuổi, sống tại Minh Khai, Hà Nội). Anh phán đoán, mình bị lây cúm A từ một người bạn sau khi cả 2 cùng uống chung một cốc cà phê.
Anh P.N.M. phán đoán, mình bị lây cúm A từ một người bạn sau khi cả 2 cùng uống chung một cốc cà phê. Clip: Gia Khiêm
"Sau cuộc gặp, tôi đoán mình có khả năng bị lây bệnh nên đã tự cách ly một phần với gia đình, không ăn chung đồ với cả nhà nên may mắn trong gia đình chưa ai mắc bệnh. Thứ 7 vừa qua tôi bắt đầu lên cơn sốt, đến chủ nhật đã phải nhập viện cấp cứu vì khi điều trị tại nhà tình trạng không thuyên giảm.
Lúc đầu chỉ thấy mệt và đau đầu, đau người sau đó dần sốt cao. Đến chủ nhật tôi sốt gần 40 độ và phải vào viện trong trạng thái mê man, mất tập trung. Khi nhập viện, tôi được các bác sĩ truyền nước, điều trị bằng thuốc và nhanh chóng hồi phục", anh M. nói.
Bác sĩ Hường thông tin thêm, thông thường như năm ngoái thì dịch sốt xuất huyết trước rồi sẽ đến cúm A nhưng năm nay quy trình bị đảo ngược. Hiện tại, ca cúm A tại bệnh viện lấn át ca bệnh sốt xuất huyết.
Còn tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, TS.BS Đặng Thị Thúy - Trưởng khoa Nhi cho biết, vài tuần trở lại đây, khoa tiếp nhận số lượng bệnh nhân cúm A tăng bất thường so với cùng thời điểm ở các năm trước.
Cụ thể trong hàng trăm trường hợp đến thăm khám mỗi ngày tại đây, có đến 1/4 - 1/5 số bệnh nhân bị cúm A. Tại Bệnh viện Trung ương quân đội 108, từ đầu tháng 6 đến nay, tỷ lệ trẻ em mắc cúm A nhập viện tại khoa Nhi ngày càng gia tăng, đáng nói có nhiều cháu có diễn biến nặng.
Không chỉ ở Hà Nội, tại Bệnh viện Hùng Vương (Phú Thọ), bác sĩ Trần Thị Cườm – Phó trưởng khoa Nhi cho biết, trong số 200 bệnh nhi đến viện khám mỗi ngày thì có đến 30% trẻ mắc cúm và nhiễm virus hợp bào hô hấp RSV nhập viện.
Nhiều người cho rằng, cúm A gia tăng đột biến trong thời gian gần đây có thể là do diễn biến bất thường của thời tiết, tuy nhiên TS.BS Đặng Thị Thúy cho rằng, hiện chưa thể khẳng định được nguyên nhân trên.
Bác sĩ khuyến cáo, cúm A cũng là bệnh lây nhiễm qua đường hô hấp, giống như Covid-19, nguy cơ gây ra biến chứng viêm phổi, suy hô hấp, thậm chí tử vong vì vậy người dân vẫn nên đeo khẩu trang, giữ khoảng cách, hạn chế tiếp xúc đông người, nhất là những hội họp đám đông.