Chiều ngày 7/7, tại cuộc họp báo của UBND tỉnh Quảng Nam thông tin về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022, trước câu hỏi của P.V Dân Việt xung quanh việc tổng nguồn vốn kế hoạch đầu tư công năm 2022 hơn 5.860 tỷ đồng, nhưng mới giải ngân chỉ có hơn 1.700 tỷ, chỉ đạt 32,4%.
Về việc này nguyên nhân do đâu, việc giải ngân vốn đầu tư công chậm có ảnh hưởng đến việc phát triển kinh tế, xã hội đia phương? Đặc biệt, việc giải ngân chậm ai là người chịu trách nhiệm?
Trước câu hỏi của P.V Dân Việt, ông Nguyễn Tấn Văn - Phó Giám đốc Sở KHĐT tỉnh Quảng Nam cho biết: Nguyên nhân của việc giải ngân chậm chính là do giải phóng mặt bằng, ngoài ra trong thời gian gần đây giá vật liệu xây dựng tăng dẫn đến một số nhà thầu "thiếu" năng lực. Riêng đối với những công trình mới về chủ trương đầu tư còn chậm.
"Theo tôi nguyên nhân chính vẫn là giá vật liệu tăng cao. Để giải quyết vấn đề trên, trong thời gian đến Tỉnh ủy đã có Chỉ thị về giải pháp trong thời gian đến là đẩy nhanh các tiến độ của dự án. Đặc biệt, cương quyết đối với giải pháp điều hành các dự án khó về công tác giải ngân. Ngoài ra, phải giải quyết những vướng mắc về dự án chậm tiến độ và rà soát những dự án còn tồn đọng.
Đặc biệt, gắn trách nhiệm hoàn thành dự án, các thủ tục giải ngân đối với các chủ đầu tư. Nếu giải ngân sớm, giải ngân kịp thời thì công trình đó hoàn thành sớm nó sẽ giúp việc phát triển kinh tế địa phương sẽ phát triển hơn…", ông Văn nói.
Ông Trần Văn Tân - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết: Việc giải ngân chậm thì Ban thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam cũng như Bí Thư Tỉnh ủy đã chỉ đạo quyết liệt việc này.
"Riêng Quảng Nam đã có Chỉ thị của Ban thường vụ Tỉnh ủy về đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và hiện nay mặt bằng giải ngân vốn đầu tư công ở Quảng Nam đạt 32,8% so với cả nước thì vẫn còn chậm, ít nhất đối với 6 tháng đầu năm thì phải được 50%, nguyên nhân giải ngân chậm là do quý I phải làm hồ sơ, thủ tục, hay là nhà thầu chưa làm hồ sơ giải ngân.
Ban thường vụ Tỉnh ủy đã có chủ trương là địa phương nào đạt tiến đạo giải ngân thấp, không tiêu "hết tiền", thì phải điều người đứng đầu di chuyển vốn gắn với di chuyển cán bộ, đây là chủ trương chung của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
Đó là quyết liệt nhằm để đảm bảo đồng vốn đưa vào phát huy hiệu quả của các công trình...", ông Tân cho biết.