Theo số liệu của Hải quan Việt Nam, xuất khẩu tôm của Việt Nam sang Nhật Bản 5 tháng đầu năm nay đạt 265 triệu USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong 5 tháng đầu của năm 2022, xuất khẩu tôm sang thị trường này tăng trưởng dao động từ 6-23%. Xuất khẩu tôm sang thị trường này khá ổn định mặc dù tốc độ tăng trưởng không cao.
Theo bà Kim Thu, chuyên gia thị trường tôm của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), tính tới tháng 5 năm nay, Nhật Bản là thị trường xuất khẩu của 97 doanh nghiệp tôm Việt Nam với các doanh nghiệp xuất khẩu nhiều nhất như Công ty CP Tập đoàn TS Minh Phú, Công ty CP Thực phẩm Sao Ta, Công ty CP TS Minh Phú-Hậu Giang, Công ty CP Hải Việt, Công ty CP XNK Thủy sản miền Trung…
Các sản phẩm tôm chính xuất khẩu sang Nhật Bản như: tôm phủ bột đông lạnh, tôm sú hấp đông lạnh, tôm tẩm bột xù, tôm tẩm bột xù chiên, tôm thẻ PDTO Nobashi đông lạnh, tôm sú hấp đông lạnh, tôm chân trắng còn đuôi luộc đông lạnh, tôm thẻ bóc vỏ bỏ đầu bỏ đuôi hấp đông lạnh, tôm thẻ hấp đông lạnh, tôm thẻ chân trắng tẩm bột đông lạnh…
Theo số liệu của Trung tâm Thương mại Thế giới (ITC), 4 tháng đầu năm nay, Nhật Bản nhập khẩu tôm từ 42 nguồn cung trên thế giới với tổng giá trị nhập khẩu đạt 679 triệu USD, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm 2021.
Việt Nam vẫn là nguồn cung tôm lớn nhất cho Nhật Bản, chiếm 26% tổng giá trị nhập khẩu tôm của Nhật Bản.
Chuyên gia tôm của VASEP nhận định, dự kiến nhu cầu nhập khẩu tôm vào Nhật Bản từ Việt Nam trong quý 3 năm nay vẫn ổn định như 2 quý đầu năm và dự kiến nhu cầu nhập khẩu trong quý cuối năm nay sẽ tăng trưởng tích cực hơn so với các quý trước đó.
Theo số liệu thống kê từ Cơ quan Hải quan Nhật Bản, nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ của Nhật Bản trong 4 tháng năm 2022 đạt 264.800 tấn, trị giá 96,4 tỷ Yên (tương đương 756,8 triệu USD), giảm 9,1% về lượng nhưng tăng 7,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Trong đó, Việt Nam là thị trường cung cấp đồ nội thất bằng gỗ lớn thứ 2 cho Nhật Bản. Cụ thể, trong 4 tháng đầu năm 2022, Nhật Bản nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ từ thị trường Việt Nam đạt 67.000 tấn, trị giá 23,1 tỷ Yên (tương đương 181,4 triệu USD), giảm 11,6% về lượng và tăng 7,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021, chiếm 25,3% tổng lượng nhập khẩu.
Theo báo cáo của Bộ NNPTNT, Nhật Bản là thị trừng xuất khẩu nông lâm thủy sản lớn thứ 3 của Việt Nam, sau Mỹ và Trung Quốc. Hiện, Việt Nam đang nỗ lực xúc tiến xuất khẩu nhãn, bưởi, chanh leo, xuất khẩu gia cầm đã qua xử lý nhiệt sang Nhật Bản.
Nhu cầu nhập khẩu và tiêu thụ đồ nội thất bằng gỗ của Nhật Bản dự kiến tăng trưởng khả quan trong thời gian tới, nhờ nhu cầu chuẩn bị sửa sang thay thế các sản phẩm nội thất trong nhà hàng, khách sạn… tăng mạnh do việc mở cửa du lịch trở lại sau dịch Covid-19.
Bên cạnh đó, thị trường nhà ở tại Nhật Bản trong 3 tháng đầu năm 2022 tăng 6% so với cùng kỳ năm 2021; trong tháng 5/2022, chỉ số tiêu dùng cá nhân trong khởi sắc, tiêu dùng cá nhân nhiều khả năng sẽ tiếp tục phục hồi, đặc biệt khi người dân có thể tự do đi lại sau khi các quy định phòng dịch được dỡ bỏ vào hoàn toàn; tỷ lệ thất nghiệp giảm, nhu cầu tuyển dụng trong các lĩnh vực sản xuất, nhà hàng… ngày càng tăng.
Nhật Bản nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ nhiều nhất từ thị trường Trung Quốc trong 4 tháng đầu năm 2022, đạt 119.100 tấn, trị giá 45,6 tỷ Yên (tương đương 358 triệu USD), giảm 8,9% về lượng nhưng tăng 7.5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021, chiếm 45% tổng lượng đồ nội thất bằng gỗ nhập khẩu của Nhật Bản.