Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản gom lượng lớn, 9 loại nông sản của Việt Nam tăng giá xuất khẩu
Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản gom lượng lớn, 9 loại nông sản của Việt Nam tăng ngay giá xuất khẩu
K.Nguyên
Thứ hai, ngày 30/05/2022 18:28 PM (GMT+7)
Theo báo cáo của Bộ NNPTNT, xuất khẩu nông lâm thủy sản trong 5 tháng đầu năm 2022 tiếp tục lập kỷ lục khi có 9 nhóm sản phẩm đạt giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ USD nhờ Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản mua nhiều.
Việt Nam đã thu 23,2 tỷ USD xuất khẩu nông sản nhờ Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản mua lượng lớn
Theo báo cáo của Bộ NNPTNT, xuất khẩu nông lâm thủy sản trong 5 tháng đầu năm 2022 tiếp tục lập kỷ lục nhờ Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản mua nhiều.
Cụ thể, thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong 5 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu nông lâm thủy sản ước đạt gần 23,2 tỷ USD, tăng 16,8% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, xuất khẩu nhóm nông sản chính đạt trên 9,4 tỷ USD, tăng 10,4%; lâm sản chính đạt gần 7,7 tỷ USD, tăng 7,6%; thủy sản ước đạt gần 4,8 tỷ USD, tăng 46,3%; chăn nuôi ước đạt 138,9 triệu USD, giảm 16,2%; xuất khẩu đầu vào sản xuất khoảng 1,1 tỷ USD, tăng 59,3%.
5 tháng đầu năm, đã có 9 sản phẩm/nhóm sản phẩm có giá trị xuất khẩu đạt trên 01 tỷ USD (cà phê, cao su, gạo, điều, nhóm rau quả, cá tra, tôm, sản phẩm gỗ và nhóm đầu vào phục vụ sản xuất).
Một số mặt hàng đạt giá trị xuất khẩu cao hơn so với cùng kỳ, như: Giá trị xuất khẩu cà phê đạt gần 2,0 tỷ USD (tăng 54,0%); cao su đạt trên 1,0 tỷ USD (tăng 12,0%); hồ tiêu khoảng 476 triệu USD (tăng 25,7%); sắn và sản phẩm sắn đạt 636 triệu USD (tăng 20,3%), cá tra đạt khoảng 1,2 triệu USD (tăng 91,2%), tôm đạt trên 1,9 tỷ USD (tăng 42,7%), gỗ và sản phẩm gỗ đạt gần 7,2 tỷ USD (tăng 6,9%); mây, tre, cói thảm đạt 426 triệu USD (tăng 19,1%).
Mỹ hiện là thị trường xuất khẩu nông lâm thủy sản lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt gần 6,5 tỷ USD (chiếm 28,0% thị phần), trong đó kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng gỗ và sản phẩm gỗ chiếm tới 67,5% tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam tại thị trường này.
Đứng thứ 2 là thị trường Trung Quốc trên 4,1 tỷ USD (chiếm 17,8% thị phần) với kim ngạch xuất khẩu nhóm rau quả chiếm 20,8%.
Thứ 3 là thị trường Nhật Bản với giá trị xuất khẩu đạt trên 1,6 tỷ USD (chiếm 7,0%) và xuất khẩu nhóm sản phẩm gỗ nhiều nhất (chiếm 43,8%).
Thứ 4 là thị trường Hàn Quốc với giá trị xuất khẩu đạt trên 1,1 tỷ USD (chiếm 4,8%) và xuất khẩu nhóm sản phẩm gỗ chiếm 44,2%.
Nỗ lực xúc tiến thương mại, xuất khẩu nông sản sang Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc
Cũng theo báo cáo của Bộ NNPTNT, để đẩy mạnh xuất khẩu nông sản, trong thời gian qua, Bộ NNPTNT đã tổ chức/phối hợp tổ chức và tham gia hỗ trợ các địa phương/ngành hàng trong công tác xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp; giới thiệu, quảng bá, tiêu thụ các sản phẩm nông sản vùng miền tại Đăk Lak, Gia Lai, Sơn La,... Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động hợp tác song phương, đa phương, mở cửa thị trường.
Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan đã tham dự Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN - Mỹ tại Mỹ; đã thống nhất với Mỹ thúc đẩy triển khai một số hoạt động: Hợp tác với WEF xây dựng Trung tâm đổi mới sáng tạo về lương thực, thực phẩm (FIH) tại khu vực Đông Nam Á; kết nối nông sản Việt Nam với chuỗi đại siêu thị toàn cầu.
Đặc biệt, tại buổi tọa đàm kết nối doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam – Mỹ, 4 thỏa thuận hợp tác đã được ký kết.
Ngoài ra, Bộ NNPTNT cũng tập trung đàm phán, thúc đẩy xuất khẩu chanh leo và bưởi sang Úc; chôm chôm, vú sữa, na, bưởi, sắn lát, đường, sữa sang Thái Lan; chanh, bưởi sang Newzealand, yến sào, sản phẩm lông vũ, bột cá sang Trung Quốc.
Ký Công hàm gửi Tổng cục Hải quan Trung Quốc để kiểm tra và đưa vào danh sách được phép xuất khẩu vào Trung Quốc.
Tiếp tục hướng dẫn các đơn vị, doanh nghiệp thực hiện quy định Lệnh 248, 249 của Tổng cục Hải quan Trung Quốc.
Tập trung hướng dẫn địa phương, cơ sở sản xuất kinh doanh thực hiện nghiêm các quy định về quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm; phát triển các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn. Đẩy mạnh giám sát, cấp mã số vùng trồng, vùng nuôi.
Trong tháng 5, Bộ NNPTNT đã cấp 144 mã số vùng trồng xoài, thanh long, chanh không hạt, sầu riêng, ớt, thạch đen; 03 mã số cơ sở đóng gói đối với các loại quả, chuối, vải đi các thị trường Trung Quốc.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.