Clip: Người dân thôn Vịnh Sơn (huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình) chia sẻ nguyện vọng sau khi nhường đất cho siêu dự án Nhiệt điện Quảng Trạch
Như Dân Việt đã phản ánh, nhiều người dân nhường đất cho dự án Nhiệt điện Quảng Trạch nhưng mãi chưa nhận được tiền đền bù cho đến hồi tháng 5 vừa qua phải chặn xe mới được nhận tiền. Chia sẻ với phóng viên Dân Việt, bà Lê Kim Liên (47 tuổi, ở chòm 2, thôn Vịnh Sơn, Quảng Đông, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình) nói: "Khi nghe Ban quản lý nói dự án Nhiệt điện Quảng Trạch sẽ triển khai trên địa bàn thôn Vịnh Sơn và hứa sẽ giúp cuộc sống của bà con tốt hơn thì ai cũng phấn khởi. Nào ngờ, giờ cái gì cũng làm chậm trễ, người dân thì đợi gần nửa năm trời mới có được ít tiền đền bù, mất đất sản xuất, không có việc làm, bấp bênh sống qua ngày".
"Bây giờ ra trước cửa, nhìn cánh đồng bao nhiêu năm nay canh tác phải bỏ hoang, cỏ mọc um tùm mà đau thắt lại. Họ thu hồi đất từ cuối năm 2021, không cho dân canh tác và mãi đến tháng 5, người dân chúng tôi hết tiền phải ra chặn đường vào dự án thì Ban quản lý điện 2 mới trả tiền đền bù", bà Lê Kim Liên nói.
Trường hợp của bà Tưởng Thị Thủy (64 tuổi, ở khu tái định cư thôn Vịnh Sơn, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình) cũng không khá khẩm hơn. "Nhường đất cho dự án Nhiệt điện Quảng Trạch I, tôi lên khu tái định cư sinh sống 2 năm nay. Nhưng lên đây ở làm gì có việc làm, đất trồng lúa hay hoa màu", bà Thuỷ cho hay.
Cùng nỗi bức xúc, bà Nguyễn Thị Phương (42 tuổi, ở chòm 2 thôn Vịnh Sơn, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình) nói: "Cách đây ít tháng, người dân chúng tôi ra chặn đường không cho xe thi công vào dự án vì họ chậm đền bù đất nông nghiệp, sau đó, họ mới trả tiền cho bà con. Người dân cần tiếp đất xen ghép (ở chung với bố mẹ). Phía Ban Quản lý dự án cần giải quyết sớm, chứ đừng hứa hẹn".
Ông Nguyễn Điến (83 tuổi, ở khu tái định cư thôn Vịnh Sơn), chia sẻ: "Khi còn ở thôn Vịnh Sơn đã quen với cả đời ở đấy, tôi còn có đất để canh tác, còn ra biển cạy hàu, hái rong biển. Mấy năm lên ở khu tái định cư, vợ chồng tôi có việc gì làm ra tiền đâu. Tôi đành phải đi nhặt ve chai".
"Chúng tôi đã nhường đất cho dự án Nhiệt điện Quảng Trạch thì họ phải lo cho đời sống của bà con chúng tôi chứ. Bà con nơi đây đều không có việc làm, phía Ban Quản lý dự án Nhiệt điện Quảng Trạch chỉ nói hươu, nói vượn thế thôi. Có trường hợp phía Nhiệt điện Quảng Trạch nhận vào làm được một thời gian rồi cho nghỉ, có người nghe lời hứa từ Nhiệt điện nói sẽ tạo việc làm rồi chờ mãi mà đến bây giờ đã có việc gì đâu", ông Nguyễn Điến nói.
Hứa thật nhiều, thất hứa thì cũng rất nhiều
Trò chuyện với PV Dân Việt, bà Nguyễn Thị Phương (42 tuổi, ở chòm 2 thôn Vịnh Sơn, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình), chia sẻ: "Cuộc sống của bà con thôn Vịnh Sơn vất vả lắm! Đất nhường hết cho dự án Nhiệt điện Quảng Trạch rồi nên chúng tôi không có tư liệu sản xuất, việc làm cũng không có".
"Ngày trước, khi dự án Nhiệt điện Quảng Trạch giải phóng mặt bằng, họ hứa hẹn với người dân nhiều lắm, nào là lo cho người dân tái định cư sớm, đền bù đất nông nghiệp thỏa đáng và người dân sẽ được bố trí làm nhân viên trong dự án. Thế nhưng, bây giờ họ toàn đưa người quen ở đâu về, có nhận chúng tôi vào làm đâu".
Trao đổi với PV Dân Việt, ông Nguyễn Đức Hiền - Chủ tịch UBND xã Quảng Đông (huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình), cho hay: "Vừa qua, có 206 hộ dân trên địa bàn xã nhận được tiền đền bù đất nông nghiệp từ Dự án Nhiệt điện Quảng Trạch với tổng số tiền là 46 tỉ đồng. Mong rằng, thời gian tới sẽ không còn xảy ra tình trạng đó nữa. Chúng tôi cũng đang khẩn trương phối hợp với các đơn vị có liên quan để làm tái định cư cho các hộ dân thuộc diện xen ghép (sống chung với bố mẹ)".
Có thể thấy, những nguyện vọng giản đơn của nông dân vùng siêu dự án hàng chục nghìn tỉ Nhiệt điện Quảng Trạch là hoàn toàn chính đáng. Phía chủ đầu tư, ban quản lý dự án cũng như chính quyền địa phương vùng triển khai dự án cần lắng nghe nguyện vọng chính đáng của người dân!
Báo điện tử Dân Việt sẽ tiếp tục thông tin về nội dung sự việc này...
Dự án Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch I thuộc Trung tâm Điện lực Quảng Trạch. Tổng mức đầu tư dự án lên tới 41.130 tỷ đồng. Tổng diện tích khoảng 48,6 ha tại xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình, dự án bao gồm 2 tổ máy với tổng công suất lắp đặt 1.200MW, dự kiến khi đi vào vận hành nhà máy sẽ cung cấp cho hệ thống điện quốc gia sản lượng điện mỗi năm khoảng 8,4 tỷ kWh. Dự kiến 3 năm nữa, tới 2025, dự án cần hoàn thành mới đảm bảo đúng tiến độ, kịp đảm bảo an ninh năng lượng Quốc gia thế nhưng hiện tại nhiều công đoạn, hạng mục có dấu hiệu chậm.