Vì công việc nghiên cứu nên vài năm gần đây, tôi thường xuyên có nhiều chuyến bay từ Sài Gòn ra Hà Nội. Cũng do sự gắn bó đặc biệt ấy nên tôi thường bị bạn bè trêu ghẹo là đang "tương tư" một ai đó ở phương Bắc.
Những lần bị trêu chọc như thế, tôi chỉ khẽ mỉm cười. Cũng đúng, vì tôi vẫn luôn tương tư, nhưng là tương tư…Hà Nội. Và một trong những nỗi "tương tư" không thể thiếu khi ra Hà Nội, đó là việc mua vài cơm nắm, ngồi nhẩn nha ăn dưới tiết trời trong xanh.
Những buổi sáng mùa hạ, trước khi vào thư viện của Viện Văn hóa ở phố Trần Xuân Soạn, tôi hay rẽ sang nhà sách Khoa học xã hội mua sách, thong thả dạo bước vỉa hè mua ít cơm nắm ở chợ Hôm, tìm một quán cà phê nhỏ vào gọi một ly, mở cơm nắm ra nhấm nháp, mắt dõi vào trang sách. Chỉ một vài khoảnh khắc bình lặng thế thôi mà thấy biết bao hạnh phúc.
Hoặc những ngày sang thu dịu nhẹ tiết trời, hanh hao nắng nhạt, tôi chậm rãi đến Thư viện Quốc gia tìm tư liệu cho luận án tiến sĩ của mình. Bao giờ cũng thế, tôi giữ thói quen ngồi lặng lẽ cả ngày ở thư viện, mải mê với những chồng tài liệu cổ, vừa tranh thủ đọc vừa ghi chép vô số thông tin.
Thi thoảng, mỏi mệt tôi tranh thủ tản bộ dưới những gốc cây xanh um tỏa bóng mát lặng lẽ ở thư viện. Đến giờ ăn trưa, ngày nào cũng vậy, khoảng 11 giờ tôi ra trước cổng Thư viện.
Cổng có một mẹt hàng rong bán cơm nắm, bánh dày, bánh rán. Người bán là một bà lão, tuổi đã cao, tóc đã luống bạc, từ quê ra. Những quà bánh đó là tự tay bà làm, đi bán rong khắp phố phường Hà Nội.
Bao giờ buổi trưa bà cũng dừng chân trước cửa thư viện, bán mấy thức quà bánh đơn sơ cho những độc giả nhẹ túi tiền nhưng giàu chữ nghĩa. Gian hàng của bà rất khiêm tốn với một chiếc thúng, vài cái mẹt con với vài chiếc ghế nhựa nhỏ, nhưng lại là một khoảng trời kí ức với nhiều người.
Cơm nắm, chỉ đơn giản là gạo vo sạch cho vào nồi nấu thành cơm, rồi được vo tròn. Món ăn tưởng chừng là dễ ấy nhưng không phải ai cũng làm được thật khéo léo và ngon lành. Để thứ cơm ấy có thể dễ nắm, dính và quyện vào nhau thì phải tinh ý lúc đong nước, sao cho không quá khô, cũng không được quá nhão.
Nước được dùng để nấu cơm thường là nước mưa để ngoài bể lâu ngày. Hơn nữa, cơm phải được nắm lúc còn nóng thì các hạt mới có độ quyện thành một khối. Cứ đều đều mỗi muôi cơm thành một nắm.
Lúc nắm, phải chắc tay, day đều để cơm dần mềm ra và để cho nó nguội mới đem gói vào giấy. Một nắm cơm đạt tiêu chuẩn là phải nhìn rõ nhưng hạt cơm trong trẻo, trắng tinh, tỏa hương lúa mới.
Những lúc vắng khách, bà lại tỉ tê kể chuyện ngày xưa bà buôn bán là vì kinh tế, nhưng giờ bà cũng có tuổi rồi, các con đều lớn cả, nên buôn bán là vì buồn chân, buồn tay và nhớ nghề. Bà bảo, có thể bây giờ bọn trẻ con lớn lên hiếm ai biết được vị cơm nắm muối vừng ra sao.
Ngày xưa, cơm nắm là một thực phẩm quen thuộc của người nông dân khi ra đồng, cũng là món ăn "đi đường" cho những người con đi xa trên các chuyến xe, tàu xuôi ngược Bắc, Nam. Bởi nó vừa ngon, tiện lợi, hợp túi tiền mà ăn vào lại no lâu.
Ngày nay, khi cuộc sống phát triển, món ăn đơn thuần, mộc mạc này chỉ còn trong kí ức của những thế hệ trước. Bà lão hiền hậu mỉm cười, kể rằng: "Đến cả các cháu tôi ở nhà, dù tôi bán cơm nắm, chúng nó cũng không thích ăn, cô ạ. Cô từ miền Nam ra, lại thích ăn món này, đúng là hiếm có".
Tôi khẽ cười, chú tâm nhìn bà lão cầm con dao nhỏ, xắt nhẹ từng miếng trên nắm cơm, sau đó phủ một lớp muối vừng tạo nên một hương vị thật đặc biệt. Nếm thử chút muối vừng, thấy mằn mặn kết hợp chút bùi bùi nơi đầu lưỡi, thứ dư vị gợi nhớ biết bao hồi ức đẹp về những ngày còn thơ.
Do sống cùng ông bà nội tôi đều là người Hà Nội, đặc biệt thích nấu lại những món ăn mộc mạc, để vơi bớt niềm mong nhớ quê nhà, nên "căn tính ẩm thực" của tôi cơ bản vẫn là người miền Bắc.
Một trong những món ăn bà nội tôi thường chuẩn bị cho tôi mỗi sáng khi đến trường là cơm nắm muối vừng. Bà bảo đó là món ăn ông bà thường dùng khi còn là sinh viên ở Hà Nội. Để rồi chiến tranh loạn lạc, ông bà tôi đã rời khỏi Thủ đô, di cư vào một ngôi làng nhỏ ở miền Nam.
Bà nội tôi khi ấy hay có thói quen chờ những vụ mùa thu hoạch lạc (hay còn là đậu phộng), vừng ở làng để mua lại một ít, trước khi họ bán hết cho thương lái. Sau khi phơi khô, chọn lựa kỹ, bà tôi mang về và bọc kín, dùng đến đâu sẽ chế biến đến đấy.
Không rõ những gia đình khác chế biến muối vừng thế nào, nhưng với bà tôi, muối vừng sẽ có một bí quyết riêng, muối phải được rang với vừng và lạc, để có thể bảo quản được lâu mà không bị ỉu, lại thơm ngon.
Cứ như thế, những nắm cơm trắng thơm mùi gạo mới, kết hợp với vị bùi béo của muối vừng của bà nội đã nuôi lớn tôi suốt những năm tháng tuổi thơ khốn khó ở quê nhà.
Thi thoảng, giữa những gắt gao mạch đời, bản thân cứ hoài mong nhớ hương vị ấy, để rồi mỗi khi có dịp ghé thăm Hà Nội, tôi lại cố gắng tìm kiếm và nếm lại món ăn đầy hoài niệm này.
Có cảm tưởng tôi không hề đi xa mà chỉ là đang trở về Hà Nội, vùng đất gắn liền với biết bao kí ức và nỗi mong nhớ khôn nguôi của ông bà suốt những năm tháng ở miền Nam. Sợi dây gắn kết giữa bao thế hệ vẫn mãi được tiếp nối, mặc cho những biến đổi vô thường của cuộc đời.
Cơm nắm muối vừng, thức quà quê mùa đặt bên cạnh những phở bò, bún cá, miến cua… chỉ thấy đơn sơ, giản dị, chân thành. Nhưng với nhiều thực khách "trở về" từ phương xa như tôi lại trở thành một món ngon lạ kỳ, đậm đà hương vị tuổi thơ.
Bài viết Tương tư món cơm nắm ở vỉa hè Hà Nội dự thi Cuộc thi viết Ký ức Hà Nội trên Chuyên mục Hà Nội Hôm nay (Báo Điện tử Dân Việt). Kính mời độc giả gửi bài viết dự thi về địa chỉ email cuocthikyuchanoi@gmail.com hoặc gửi thư đến địa chỉ Ban Bạn đọc, Báo Nông thôn Ngày nay/Điện tử Dân Việt, 68 Dương Đình Nghệ, Cầu Giấy, Hà Nội.
Tác phẩm gửi về Báo NTNN/Điện tử Dân Việt phải ghi rõ họ tên tác giả, bút danh (nếu có), năm sinh, nghề nghiệp, giới tính, địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại. Mỗi tác giả có thể gửi nhiều tác phẩm nhưng phải thống nhất một bút danh.
Cơ cấu giải thưởng: 01 giải nhất trị giá 10 triệu đồng kèm Giấy chứng nhận; 01 Giải nhì trị giá 7 triệu đồng kèm Giấy chứng nhận; 02 Giải ba mỗi giải trị giá 5 triệu đồng kèm Giấy chứng nhận và 05 Giải khuyến khích, mỗi giải trị giá 2 triệu đồng kèm Giấy chứng nhận.