Dân Việt

6 tháng đầu năm 2022 ngành trồng trọt xuất khẩu 11,3 tỷ USD, xuất khẩu gạo 1,7 tỷ USD

Bình Minh 12/07/2022 11:43 GMT+7
6 tháng đầu năm 2022, tỷ trọng ngành trồng trọt đạt 43,27% trong tổng giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản, xuất khẩu 11,37 tỷ USD, chiếm 40,8% giá trị xuất khẩu toàn ngành. Xuất khẩu gạo 6 tháng đầu năm ước đạt 3,52 triệu tấn, tăng 16,2%, kim ngạch 1,72 tỷ USD.

Con số trên được Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) công bố tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ những tháng cuối năm, ngày 11/7.

Kim ngạch xuất khẩu gạo đạt 1,72 tỷ USD

Theo báo cáo của Cục Trồng trọt, xuất khẩu gạo 6 tháng đầu năm 2022 ước 3,52 triệu tấn, tăng 16,2%, kim ngạch 1,72 tỷ USD, tăng 4,6% so với cùng kỳ 2021. Gạo là một trong 28 mặt hàng có giá trị xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD trong 6 tháng năm 2022.

6 tháng đầu năm ngành trồng trọt xuất khẩu 11,3 tỷ USD, xuất khẩu gạo 1,7 tỷ USD - Ảnh 1.

Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) tổ chức Hội nghị Sơ kết 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ những tháng cuối năm 2022, ngày 11/7. Ảnh: Bình Minh

Tại cuộc họp đánh giá tình hình xuất khẩu gạo 6 tháng đầu năm 2022, ngày 6/7, Bộ Công Thương cho biết, mặc dù đối mặt với nhiều thách thức trong 6 tháng đầu năm song xuất khẩu gạo của Việt Nam vẫn tăng 12,3% về lượng và 0,7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021.

Về giá gạo, trong nửa đầu năm nay cũng có xu hướng tăng và hiện ở mức 420 USD/tấn đối với gạo 5% tấm - do nhu cầu lương thực tăng và cuộc xung đột Nga - Ukraine khiến khách hàng chuyển sang mua gạo của các nước châu Á. Tuy vậy, Cục Xuất nhập khẩu cũng nhìn nhận rằng, mức giá này vẫn thấp hơn so với cùng kỳ năm 2021, khi cùng kỳ đạt 470 USD/tấn.

Về thị trường xuất khẩu, Philippines tiếp tục là thị trường dẫn đầu, chiếm 49,89% tổng lượng gạo xuất khẩu cả nước. Bên cạnh đó, việc Bộ Nông nghiệp Philippines chính thức cấp lại giấy phép kiểm dịch thực vật SPS-IC cho các thương nhân nhập khẩu gạo trong tháng 5 vừa qua đã giúp khôi phục kết quả xuất khẩu gạo vào thị trường này.

Ngoài Philippines thì nhu cầu ổn định từ thị trường Trung Quốc, Châu Phi và Cuba cũng góp phần mang lại kết quả xuất khẩu quý II và 6 tháng đầu năm 2022 đầy lạc quan.

6 tháng đầu năm ngành trồng trọt xuất khẩu 11,3 tỷ USD, xuất khẩu gạo 1,7 tỷ USD - Ảnh 2.

Xuất khẩu gạo 6 tháng đầu năm 2022 ước đạt 3,52 triệu tấn, tăng 16,2%, kim ngạch 1,72 tỷ USD, tăng 4,6% so với cùng kỳ 2021. Ảnh: TTXVN

Các doanh nghiệp xuất khẩu gạo nhận định, nhu cầu thị trường trong 6 tháng cuối năm vẫn tốt. Thêm vào đó, giá xuất khẩu sẽ tiếp tục giữ vững ở mức cao, thậm chí có thể còn tăng do ảnh hưởng xung đột với Nga nên Ukraine không xuất khẩu lúa mì, kéo theo giá các loại ngũ cốc và lương thực cao. Những yếu tố này được đánh giá có lợi cho việc xuất khẩu gạo của Việt Nam.

Bên cạnh đó, tín hiệu lạc quan xuất khẩu các mặt hàng của ngành trồng trọt trong 6 tháng đầu năm, như trái tranh leo, sầu riêng của Việt Nam đã được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc.

Chủ động sản xuất những tháng cuối năm 

Theo nhận định của Cục Trồng trọt, dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, tình hình xung đột giữa Nga và Ukraine đẩy chi phí logicstic, giá xăng, dầu, giá phân bón và nguyên liệu vật tư đầu vào lên cao, các chuỗi cung ứng bị đứt gãy gây áp lực lên ngành trồng trọt...

Vì vậy, trong thời gian tới cần có những giải pháp đẩy mạnh sản xuất trong nước các nguyên liệu đầu vào cho ngành trồng trọt để chủ động được sản xuất, hạn chế thiệt hại; tiếp tục tập trung tái cơ cấu nâng cao chất lượng, giảm chi phí sản xuất thông qua việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và chuyển đổi số; tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng vật tư đầu vào tiết kiệm, hiệu quả.

6 tháng đầu năm ngành trồng trọt xuất khẩu 11,3 tỷ USD, xuất khẩu gạo 1,7 tỷ USD - Ảnh 3.

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Lê Quốc Doanh phát biểu tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ những tháng cuối năm, ngày 11/7. Ảnh: Bình Minh

"Chúng ta cần chủ động sản xuất, giảm thiểu các tác động tiêu cực ngành, cần nhận diện rõ những khó khăn về diễn biến thời tiết bất thường, giá vật tư đầu vào tăng cao; chuỗi cung ứng bị đứt gãy do dịch Covid-19 và xung đột giữa Nga và Ukraine", Thứ trưởng Bộ NNPTNT Lê Quốc Doanh nhấn mạnh.

Theo Thứ trưởng Lê Quốc Doanh, ngành trồng trọt phải nhận diện rõ khó khăn và nguy cơ từ nay đến cuối năm để có kế hoạch cụ thể chủ động trong sản xuất cho từng vùng, từng vụ, từng thời điểm. Các địa phương trong chỉ đạo, điều hành phải đảm bảo đúng kế hoạch đề ra, nhất là trong thời điểm hiện nay sản xuất lương thực được ngành ưu tiên hàng đầu.

"Thời tiết diễn biến khó lường, khó dự báo đặt ra những thách thức đối với các vùng sản xuất trên cả nước, vì vậy phải nhận diện được khó khăn để chủ động xây dựng kế hoạch cụ thể cho sản xuất từng vùng. Tổ chức hội nghị rồi nhưng phải thành lập các đoàn công tác đến từng địa phương để đôn đốc chỉ đạo sản xuất đảm bảo đúng kế hoạch. Trong giai đoạn tới phải ưu tiên các gói kỹ thuật để tiết giảm chi phí. Quan trọng nhất hiện nay là tập trung nâng cao chất lượng nhưng phải giảm giá thành để tăng tính cạnh tranh", ông Doanh lưu ý.