Tại sao Cục Trồng trọt khuyến cáo nông dân hạn chế xuống giống lúa nếp trong vụ thu đông?
Cục Trồng trọt khuyến cáo nông dân hạn chế xuống giống lúa nếp, lúa chất lượng trung bình trong vụ thu đông
Khánh Nguyên
Thứ ba, ngày 12/07/2022 06:00 AM (GMT+7)
Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) đề nghị các tỉnh ĐBSCL ưu tiên các giống lúa thơm trong vụ thu đông 2022, hạn chế xuống giống lúa nếp, giống lúa có chất lượng trung bình.
Theo báo cáo của Cục Trồng trọt, tổng diện tích xuống giống toàn vùng Nam bộ vụ hè thu 2022 là 1,575 triệu ha, giảm 20.000ha; năng suất ước đạt 57,12 tạ/ha, tăng 0,64 tạ/ha; sản lượng ước đạt 9,0 triệu tấn, giảm 13.000 tấn so với hè thu 2021. Trong đó, vùng ĐBSCL xuống giống 1,493 triệu ha, năng suất ước đạt 57,14 tạ/ha.
Ông Lê Thanh Tùng - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) cho biết, Cục đã đề nghị các địa phương thực hiện triệt để phương châm xuống giống đồng loạt, tập trung, nhanh gọn theo từng vùng trên cơ sở nguồn nước cung cấp cho sản xuất và dự báo né rầy của cơ quan bảo vệ thực vật vùng và cơ quan BVTV địa phương.
Đồng thời các địa phương căn cứ vào dự báo tình hình nguồn nước, chất lượng nước cung cấp cho sản xuất, dự báo tình hình tiêu thụ lúa gạo đã có sự sắp xếp và chủ động điều chỉnh diện tích các vụ lúa trong năm cho phù hợp và thích ứng với diễn biến của thời tiết và yêu cầu thị trường.
Tăng quản lý sản xuất, kinh doanh, sử dụng lúa giống
Theo Cục Trồng trọt, việc kiểm soát và quản lý chặt chẽ sản xuất kinh doanh giống lúa trong địa bàn là cơ sở cho công tác chỉ đạo sản xuất lúa được ổn định, chủ động trong công tác phòng trừ dịch hại và điều hành sản xuất, tiêu thụ lúa, từng bước đưa sản xuất, thâm canh, tiêu thụ lúa ở ĐBSCL đạt hiệu quả cao và bền vững.
Ngoài ra, cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra sản xuất kinh doanh lúa giống, cây giống các loại; khắc phục và hạn chế việc phát tán các giống lúa chưa được phép sản xuất kinh doanh, những giống lúa chưa được công nhận là giống cây trồng mới… Quản lý chặt chẽ việc phát tán giống lúa từ các điểm trình diễn, các điểm so sánh giống, các chương trình nghiên cứu, thử nghiệm trên địa bàn…
Đáng chú ý, tình hình sử dụng giống xác nhận trong vụ hè thu 2022 theo báo cáo sơ bộ từ các tỉnh cho thấy ngày càng có kết quả khả quan, tỷ lệ sử dụng giống nguyên chủng là 0,25%; tỷ lệ sử dụng giống xác nhận 77,3% và sử dụng lúa trao đổi làm giống là 22,45%.
Giống lúa thơm, đặc sản đạt 15,24%, tăng so với cùng kỳ do nông dân chuyển sang trồng lúa chất lượng cao.
Giống lúa chất lượng cao đạt 68,33%, tăng 20,33%, so với cùng kỳ.
"Cơ cấu giống lúa sản xuất từng mùa vụ đang có xu hướng chuyển dịch dần sang các giống lúa chất lượng cao. Do tình hình giá cả vật tư nông nghiệp tăng cao mà trồng giống lúa chất lượng cao năng suất thường thấp hơn giống chất lượng cao, mặt khác giá thu mua lúa tươi của giống thơm đặc sản cao hơn giống chất lượng cao, không có sự khác biệt nên chưa khuyến khích nông dân đẩy mạnh sản xuất giống lúa thơm, đặc sản" - ông Tùng nhận định.
Tuy nhiên, báo cáo của Cục Trồng trọt cũng cho thấy, lượng giống gieo sạ dưới 100kg/ha trong vụ hè thu 2022 cao hơn vụ hè thu 2021 là 0,29% và tăng ở tỷ lệ gieo sạ từ trên 100 - 150kg/ha là 0,97%. Riêng diện tích gieo sạ trên 150kg/ha giảm 1,26%.
"Mặc dù, mỗi địa phương đều vận động giảm giá thành sản xuất, trong đó có khuyến cáo giảm lượng giống gieo sạ, tuy nhiên việc chuyển biến tỷ lệ gieo sạ dưới 100kg/ha và giảm lượng giống trên 150kg/ha vẫn còn chậm do người nông dân vẫn lo sợ chuột gây hại và không có công lao động dặm lúa nếu sạ thưa" - đại diện Cục Trồng trọt nhận định.
Do lượng giống gieo sạ còn cao nên vụ hè thu 2022, mức giá thành sản xuất thóc kế hoạch tại các tỉnh, thành ĐBSCL khoảng từ 3.229 - 5.647 đồng/kg và mức giá thành sản xuất thóc kế hoạch bình quân tại các tỉnh, thành ĐBSCL 4.016 đồng/kg.
Khuyến cáo hạn chế xuống giống lúa nếp trong vụ thu đông
Vụ thu đông và vụ mùa 2022, vùng Nam Bộ tập trung chỉ đạo giữ vững diện tích, năng suất, sản lượng đáp ứng yêu cầu tăng trưởng của từng tỉnh và toàn vùng về lương thực, đảm bảo an ninh lương thực trong mọi tình huống thiên tai, bất lợi diễn ra trong và ngoài nước.
Căn cứ tình hình thời tiết, thủy văn, thời vụ thu đông phân theo vùng ngập sâu, ngập nông và vùng ven biển được khuyến cáo bố trí như sau:
Vùng ngập sâu: vùng Đồng Tháp Mười và một phần Tứ giác Long Xuyên gồm: An Giang, Đồng Tháp, Long An, Kiên Giang, thời vụ xuống giống vụ thu đông trong cơ cấu 3 vụ sẽ xuống giống vào cuối tháng 6 nửa đầu tháng 7, kết thúc xuống giống vào 20/8, diện tích xuống giống đạt 415.000ha.
Vùng ngập nông: vùng phù sa ngọt sông Tiền, sông Hậu gồm: Cần Thơ, Vĩnh Long, Hậu Giang, Tiền Giang, đây là vùng tương đối thuận lợi cho sản xuất 3 vụ, không bị ảnh hưởng của ngập lũ, do vậy cần tập trung chỉ đạo đúng lịch thời vụ sản xuất và lưu ý theo dõi mực nước lũ, triều cường; thời vụ xuống giống vụ thu đông xuống giống vào đầu tháng 7 kết thúc xuống giống vào 10/8, diện tích xuống giống đạt 154.000ha.
Vùng ven biển gồm: Trà Vinh, Bến Tre, Sóc Trăng, Bạc Liêu, thời vụ xuống giống vụ thu đông vào cuối tháng 7 đầu tháng 8 kết thúc xuống giống vào 30/8, diện tích xuống giống đạt 131.000ha.
Cục Trồng trọt đề nghị các địa phương ưu tiên sử dụng một số giống lúa thơm chiếm tỷ lệ 30% trong cơ cấu giống: Jasmine 85, nhóm giống ST, Nàng hoa 9, VD20, Đài thơm 8...
Giống lúa chủ lực xuất khẩu cần chiếm tỷ lệ 50-60%: OM5451, OM6976, OM18, OM 7347, OM4900... Hạn chế xuống giống lúa nếp và nhóm giống chất lượng trung bình IR 50404, OM 576.
Thứ trưởng Bộ NNPTNT Lê Quốc Doanh đề nghị các địa phương tăng cường kiểm soát tình hình sản xuất lúa hè thu để có kế hoạch cụ thể cho vụ thu đông. Ngoài ra cũng lưu ý đến chuẩn bị sản xuất vụ đông xuân 2022- 2023 và dự kiến sản xuất lúa niên vụ 2023.
Khi bố trí thời vụ cho lúa thu đông cần lưu ý đến thời điểm xuống giống chính vụ lúa đông xuân 2022- 2023, chú ý kết thúc xuống giống lúa thu đông vào ngày 20/8, tối đa là 30/8/2022.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.