Thi sĩ thời Đường Đỗ Mục từng có thơ - "Đông phong bất dữ Chu lang tiện. Đồng Tước xuân thâm tỏa nhị Kiều".
Ý Đỗ Mục muốn nói, nếu trận Xích Bích năm xưa, Chu Du không nhờ gió Đông đánh bại Tào Ngụy, thì 2 đại mỹ nhân Giang Đông - Đại Kiều và Tiểu Kiều - đã bị Tào Tháo bắt về Đồng Tước Đài.
Sản phẩm điện ảnh hiện đại "Xích Bích" của đạo diễn Ngô Vũ Sâm cũng nêu ra tình tiết Tào Tháo xua quân Nam hạ thôn tính Giang Đông nhằm phục hận mối thù bị Chu Du "hớt tay trên" Tiểu Kiều.
Trên thực tế, Tào Tháo chưa từng gặp mặt Tiểu Kiều, giữa 2 người cũng không hề có bất cứ quan hệ đặc thù nào. Tuy nhiên, câu chuyện "vô trung sinh hữu" mượn danh nghĩa Tào Tháo và Kiều đích thực có tồn tại.
"Giang Đông hữu nhị Kiều. Hà Bắc Chân Phù xảo" - Thời đại Tam Quốc có 3 đại mỹ nhân nổi danh nhất, chính là Đại Kiều, Tiểu Kiều và "Lạc Thần" Chân Lạc.
Về nhan sắc của nhị Kiều, sử liệu Trung Quốc có rất ít thông tin.
"Tam Quốc Chí" của Trần Thọ có mô tả 2 nàng "đều là bậc quốc sắc", hay "Giang Biểu truyện" viết "mạo lưu ly (dung mạo rực rỡ)", đủ thấy dưới con mắt đương thời, Đại Kiều và Tiểu Kiều đích thực xứng danh "quốc sắc thiên hương".
Tam Quốc là thời đại đàn ông chiếm địa vị tuyệt đối trong xã hội, vì vậy thông tin về những người phụ nữ có ít ỏi cũng là điều dễ hiểu. Nếu không nhờ đời sau "thêm mắm thêm muối", có lẽ sự tích lưu truyền còn ít hơn.
Phụ thân của nhị Kiều là Kiều Công, làm quan trong triều Hán Hiến Đế. Sau khi vợ mất, Kiều Công cáo lão hồi hương, đem theo chị em Đại, Tiểu Kiều về ở ẩn tại Hoán Thành, An Huy.
Năm Kiến An thứ 4 (199), Tôn Sách và Chu Du dẫn quân Đông Ngô công hạ Hoán Thành.
Tiếng đồn về nhan sắc tuyệt trần của Giang Đông nhị Kiều sớm đã được người dân "trong tỏ ngoài tường". Sách và Du sau khi thắng trận đã "bắt" 2 mỹ nhân về làm của riêng.
Tôn Sách lấy Đại Kiều, Chu Du lấy Tiểu Kiều. Chị em họ Kiều thực chất chính là "chiến lợi phẩm" của Sách, Du.
Thi sĩ Đỗ Mục không phải là người duy nhất hư cấu chuyện Tào Tháo và nhị Kiều. Tác giả La Quán Trung cũng đã đưa tình tiết liên quan đến 2 mỹ nhân này vào tác phẩm "Tam Quốc diễn nghĩa" của mình thông qua... Gia Cát Lượng.
Sau khi Tào Tháo đánh Lưu Bị "không còn manh giáp" ở Tân Dã, đã hướng tầm mắt về Đông Ngô. Gia Cát Lượng phụng mệnh Lưu Bị đi Giang Đông làm "thuyết khách", lôi kéo Tôn Quyền liên minh kháng Tào.
Tôn Sách mất sớm, Tôn Quyền kế vị anh trai nắm quyền Đông Ngô, còn Chu Du làm Đô đốc, là nhân vật có tiếng nói vô cùng quan trọng trong triều đình.
Trong "Tam Quốc diễn nghĩa" có mô tả bối cảnh Gia Cát Lượng "khích tướng" Chu Du.
Khổng Minh nói - "Lượng khi còn ở Long Trung từng nghe tin Tào Tháo xây Đồng Tước Đài, vô cùng tráng lệ. Tào tuyển chọn mỹ nữ khắp thiên hạ về nhốt trong đó.
Tào Tháo vốn là kẻ háo sắc, nghe danh nhi nữ nhà Kiều Công Giang Đông có dung mạo trầm ngư lạc nhạn, bế nguyệt tu hoa.
Tào từng thề rằng: 'Ta thề một là bình định Tứ Hải, hoàn thành đế nghiệp; hai là bắt Giang Đông nhị Kiều, đưa về Đồng Tước Đài an hưởng tuổi già, chết không còn gì hối tiếc'
Nay Tào Tháo đã lĩnh trăm vạn hùng binh đổ về Giang Nam, kỳ thực là nhòm ngó nhị Kiều đó thôi.
Tướng quân chỉ cần đem ngàn vàng mua lấy hai người đó, đem tặng Tào Tháo. Tào được mỹ nhân ắt thỏa mãn mà rút quân về".
Đương nhiên, Khổng Minh cũng "cẩn thận" dẫn chứng bài "Đồng Tước Đài phú" mà con trai Tào Tháo là Tào Thực làm, trong đó có câu "Lãm nhị Kiều vu Đông Nam kim. Lạc triều tịch dữ chi cộng", được Lượng lý giải là Ngụy Vương đã để mắt nhị Kiều.
Chu Du nghe xong tức giận quát lớn - "Lão tặc (Tào Tháo) ức hiếp người khác quá đáng".
Gia Cát Lượng thấy vậy cũng "giả vờ" can ngăn - "Năm xưa Hoàng đế Hán triều cũng nhờ công chúa mà hòa hoãn Hung Nô.
Nay dùng 2 dân nữ để lui địch, có gì đáng tiếc?"
Lúc này Chu Du đã trúng kế của Lượng - "Tiên sinh có điều không biết, Đại Kiều là phu nhân của Tôn Bá Phù (Tôn Sách), còn Tiểu Kiều là phu nhân của Công Cẩn ta.
Chu Du thề không đội trời chung với Tào tặc, nhất định sẽ giúp tiên sinh một tay".
Như vậy, chỉ một phen "uốn lưỡi" của Gia Cát Lượng đã kiếm về cho Lưu Bị "mối lương duyên" với Đông Ngô, từ đó làm nên sự nghiệp lẫy lừng của Thục Hán trong "Tam Quốc diễn nghĩa".
Thực tế, nhị kiều (桥) trong "Đồng Tước Đài phú" nói tới... 2 chiếc cầu trong Đồng Tước Đài, hoàn toàn không liên quan tới Giang Đông nhị Kiều (乔), chỉ là La Quán Trung đã cao tay hư cấu mà thôi.
Tiểu thuyết "Tam Quốc diễn nghĩa" hoàn toàn thể hiện chủ quan của La Quán Trung, đề cao vị thế của tập đoàn Lưu - Quan - Trương, vì vậy mới có chuyện Gia Cát Lượng "thông minh" lợi dụng thơ từ để lừa Chu Du "ngọt" như vậy.
Cũng chỉ trong tiểu thuyết, Đại đô đốc hùng tài vĩ lược của Đông Ngô mới trở thành "ngụy quân tử", để Khổng Minh chọc tức đến 3 lần mà thốt lên "Đã sinh Du, sao còn sinh Lượng".
Ngoài những tác phẩm văn học, thơ từ nói về nhan sắc nhị Kiều như trên, sử liệu Trung Quốc hầu như không hề lưu lại bất cứ thông tin nào cho thấy sự liên quan giữa Giang Đông nhị Kiều và Tào Tháo dẫn đến đại chiến Xích Bích.
Theo các nhà nghiên cứu hiện đại, việc Tào Tháo xua quân Nam hạ sau khi thống nhất miền Bắc là điều tất yếu và mục tiêu của Tào chắc chắn đặt ở vấn đề địa - chính trị chứ hoàn toàn không thi vị như tiểu thuyết mô tả.
Cũng như việc Đại Kiều, Tiểu Kiều là "tù binh" của Tôn Sách và Chu Du sau thắng lợi Hoán Thành, nếu Tào Tháo có thực sự thôn tính được Giang Đông, thì số phận 2 mỹ nhân Tam Quốc cũng không khác hơn là những "chiến lợi phẩm".