Tam quốc diễn nghĩa: 3 thứ không được "tùy" giúp đường đời suôn sẻ
Tam quốc diễn nghĩa: 3 thứ không được "tùy" giúp đường đời suôn sẻ
Thứ sáu, ngày 20/08/2021 18:32 PM (GMT+7)
Lời nói của một người ẩn chứa số phận của họ, cái miệng chính là phong thủy tốt nhất. Muốn sống yên ổn, hãy học cách nói lời hợp hoàn cảnh. Nói khôn ngoan thì thêm bạn, nói lời ngạo mạn chỉ thêm thù.
Khi còn nhỏ, xem "Tam quốc diễn nghĩa", chúng ta thường khâm phục tài văn thao võ lược cũng như sự dũng mãnh của những anh hùng trong truyện.
Nhưng đến lớn, đọc lại "Tam quốc", nhiều người chợt nhận ra, lòng dũng cảm chỉ có thể giúp ta thắng nhất thời. Chỉ khi bản thân hiểu rõ chính mình cần gì và nên làm gì, học được cách tự chủ trong mọi tình huống, mới có thể trở thành người chiến thắng cuối cùng.
1. Lời không được nói tùy tiện
Người xưa có câu: "Nói chuyện với người thiện lòng ấm như chăn, nói chuyện với kẻ ác lòng đau như dao cắt."
Trong cuộc sống, trình độ "nói" có thể quyết định chiều cao cuộc sống của một người.
Thời Tam Quốc, Nễ Hành có chút tài văn chương, nhưng tính tình kiêu ngạo, ăn nói khó nghe và luôn coi thường người khác.
Có lần, Tào Tháo triệu Nễ Hành đến gặp, nhưng ông ta lại tự xưng mình là người điên không muốn đến. Vì vậy, Tào Tháo đã nhân cơ hội đó để gây khó dễ với ông ta.
Đứng trên đại điện, Nễ Hành nhìn trời thở dài: "Trời đất tuy bao la, nhưng không có một ai!"
Tào Tháo nghe ra hàm ý trong lời nói của Nễ Hành, mới bất mãn hỏi: "Thuộc hạ dưới tay ta có mấy chục người, đều là anh hùng đương thời, sao có thể nói là không có ai được?"
Tào Tháo còn liệt kê những tướng lĩnh có tài văn chương, quân sự, sau đó khen ngợi họ. Nhưng Nễ Hành không phân phải trái, vẫn tiếp tục cười nhạo. Chỉ trong một thời gian ngắn, ông ta đã liệt kê hết tất cả nhược điểm của từng người, gây thù chuốc oán với vô số người.
Sau này, trong một bữa tiệc, Nễ Hành vì xúc phạm Hoàng Tổ mà bị người ta tức giận chặt đầu chết.
Kẻ ngốc thường dùng lời nói đả thương người, nhưng ăn nói không cẩn thận rất dễ gây những họa ngầm, không chỉ làm tổn thương người khác, còn tự chặt đứt con đường tương lai của chính mình.
Người trí tuệ biết lúc nào nên nói lúc nào nên dừng, hiểu cách giữ thể diện cho người khác, nhờ vậy mà giữ cho cuộc sống của mình được bình yên.
Trong "Tỉnh thế hằng ngôn" có viết: "Cái lưỡi là gốc của tai họa!"
Lời nói của một người ẩn chứa số phận của họ, cái miệng chính là phong thủy tốt nhất. Nói lời khôn ngoan thì thêm bạn, nói lời ngạo mạn chỉ thêm thù.
2. Người không được sống tùy ý
Có đôi lúc, chúng ta không sợ cạnh tranh với đối thủ mạnh, chỉ sợ cạnh tranh với trái tim mình.
Đọc "Tam quốc", ta nhận ra người hay hành xử nóng nảy nhất là Trương Phi.
Sau khi Quan Vũ bị sát hại, Trương Phi vừa đau buồn vừa tức giận. Do đó, sau khi nhận được lệnh đánh nước Ngô của Lưu Bị, Trương Phi đã lập tức hạ lệnh dựng cờ trắng, giáp trắng trong ba ngày.
Hai vị tướng dưới trướng ông nêu thắc mắc: "Chỉ còn vài ngày liệu có kịp để chuẩn bị những thứ này hay không?"
Nhưng Trương Phi đã cả giận quát lớn: "Ta muốn báo thù, còn hận ngày mai không sớm đến để đi báo thù quân Ngô. Các người dám làm loạn lòng quân, là có dụng ý gì?"
Nói xong, ông phẩy tay ra lệnh quân lính trói hai vị tướng vào cây đánh năm mươi roi.
Hai người họ biết rằng nếu không hoàn thành nhiệm vụ đúng thời hạn, nhất định sẽ bị xử lí theo quân pháp. Thế nên cả hai quyết định thay vì chết oan ức, không bằng phản kích trước.
Đêm khuya, Trương Phi say rượu nằm trong lều, hai vị tướng lẻn vào dùng lưỡi đao sắc bén lấy đầu ông.
Một danh tướng nổi tiếng, lại không chết trên chiến trường, mà chết vì phương thức tủi nhục thế này.
Trên thực tế, trong "Tam quốc diễn nghĩa", dù Trương Phi bị ám sát, Chu Du chết vì tức giận hay Vương Lãng bị mắng chết, tất cả đều thất bại vì không kiểm soát được cảm xúc của mình.
Là người nhất định sẽ có những lúc buồn, vui, giận dữ, nhưng chỉ khi chúng ta học được cách thoát khỏi nó, vượt qua được sự bốc đồng tuổi trẻ, mới có thể kiểm soát được cuộc sống của chính mình.
Chỉ những người biết tự cân bằng tâm trạng mới có thể giải quyết vấn đề. Vượt qua được chính mình rồi, mới đủ năng lực chiến thắng cuộc sống!
3. Việc không được làm "tùy tâm"
Là vị tướng dũng mãnh nhất thời Tam Quốc, Lữ Bố tinh thông bắn cung, cưỡi ngựa, là người gan dạ, dũng mãnh.
Lúc đầu, Lữ Bố chỉ là người vô danh, vì chiến loạn mà tìm được chỗ đứng, còn nhận Đinh Nguyên làm cha.
Sau khi Đổng Trác lên nắm quyền, Lữ Bố nhìn thấy lợi mà quên nghĩa, thấy Đinh Nguyên thất thế liền vứt bỏ, tìm cách trở thành con nuôi của Đổng Trác. Nhưng sau đó vì để chiếm được Điêu Thuyền, lại lén lút hợp tác với người khác để ám sát Đổng Trác.
Trong lúc không còn đường thoát, dù Lữ Bố và Lưu Bị là anh em kết nghĩa, nhưng lại lợi dụng lúc Lưu Bị xuất chinh để chiếm Từ Châu...
Thế nên, Lữ Bố bị Trương Phi mắng là "gia nô ba họ". Trên thực tế, Lữ Bố cũng đã đổi chủ tận 7 lần.
Khi Lữ Bố bị Tào Tháo bắt được, cũng đã thuyết phục Tào Tháo dùng mình. Tào Tháo tuy yêu quý nhân tài, nhưng nghĩ đến kết cục của Đinh Nguyên, Đổng Trác cùng những người khác, nên đã quyết định xử tử Lữ Bố.
Người xưa có câu: "Quân tử thua vì nghĩa, tiểu nhân thua vì lợi." Câu này quả không sai.
Năng lực thực sự rất quan trọng, nhưng nhân phẩm mới là thứ chính yếu để người khác quyết định có nên kết giao với bạn hay không.
Đừng làm việc tùy tâm trạng, đã nhận việc gì nhất định phải có trách nhiệm đến cùng, đã làm việc với ai nhất định phải giữ lòng trung thực.
Nếu không, dù năng lực bạn có mạnh đến đâu, vẫn sẽ không có chỗ đứng trên thế giới này.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.