Có lẽ, chưa khi nào, sâm Ngọc Linh - “Quốc bảo” của Kon Tum lại được quan tâm, nói đến nhiều và biết đến nhiều như bây giờ. Chuỗi sự kiện kế tiếp nhau như sợi dây nối dài mảnh đất và con người nơi loài thuốc “giấu” năm xưa với mọi người gần xa.
Mải mê dưới tán rừng ẩm mát, người đồng nghiệp từ đô thị mới Bình Dương say lời nhắc kể, rằng chỉ trong chưa đầy 2 tháng, bạn bè anh đã liên tiếp sang đây.
Đầu tiên là trong khuôn khổ Diễn đàn Du lịch Kon Tum “Tiềm năng và triển vọng”, điểm nhấn phiên chợ sâm Ngọc Linh và các sản phẩm đặc hữu của Tu Mơ Rông vô cùng thu hút, Chương trình Caravan Famtrip “Về miền Quốc bảo” mời gọi mọi người. Không lâu sau đó, hấp dẫn hơn với đoàn khảo sát thực tế nhằm xúc tiến cho việc hình thành tour, tuyến du lịch kết nối Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Kon Tum trên “con đường xanh” Tây Nguyên.
Sâm Ngọc Linh mùa quả non ở huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum. Ảnh: TN
Cả một vùng sâm dưới đỉnh Ngọc Linh như thêm xao động. Cả vùng rừng núi Tu Mơ Rông xa xôi lặng lẽ trở mình.
Mải mê dưới tán cây cao, bất chợt nhận ra vườn sâm mùa này đang kỳ ra nụ đơm hoa theo một chu trình mà thiên nhiên ban tặng.
Chàng trai trẻ ở làng Đăk Dơn mới dạo đó còn rụt rè mà nay đã bảy tám năm gắn bó với vườn sâm ở lưng chừng núi. “Từ lúc cây con được di thực về trồng, cho đến khi tự tay có thể lấy hạt, ươm mầm để xuống giống, trồng thêm là cả quá trình bà con của mình mất bao thời gian, công sức”.
Theo lời ông A Vát, một người con của vùng núi Măng Ri: Tính gọn trong đầy một năm, ngoại trừ thời gian ngủ đông (từ tháng 9 năm này sang tháng 1 năm sau), thì hầu như gần hết thời gian còn lại, với mỗi cây sâm Ngọc Linh ở độ tuổi “thanh niên” đều là thời gian tập trung cho thân ra nụ, đơm hoa, đậu quả. Thường bắt đầu từ tháng Tư, nên đến khi vào trung tuần tháng Sáu, mùa hoa sâm Ngọc Linh ở thời đỉnh điểm.
Cây sâm hoa chùm. Để có được mùa quả như bây giờ cho mọi người chiêm ngắm say sưa, thì cái cây bé nhỏ, mảnh mai đã phải chắt tinh trong mình bao nhiêu nhựa khí.
Chàng trai làng Ngọc La chia sẻ thêm rằng: Buổi sáng là lúc hoa sâm nở, thời điểm “đẹp” nhất khoảng từ 9 giờ đến tầm trước “ngọ” một tiếng đồng hồ. Đời hoa không dài. Chỉ sau chừng một hai ngày nở, đài hoa đã rụng, mở đường cho chu kỳ kết quả bắt đầu từ đây.
Cây sâm hoa chùm nên dĩ nhiên là quả cũng chùm và chưa chín đỏ tươi đã tượng hình hạt mọng. Dấu hiệu nhận ra quả đã thực già hay chưa vừa khi xuất hiện chấm đen ở trên đỉnh đầu. Cây sâm lớn mạnh chủ yếu trong vụ Xuân - Hè. Thời kỳ nụ - hoa chừng tám chín mươi ngày, đến mùa quả kéo dài thêm chừng 3 tháng.
Mùa nụ mùa hoa lặng thầm theo những ngày mưa rừng rả rích, để bước vào tháng Chín hằng năm, quả sâm Ngọc Linh chín già tự mình rụng xuống. Nền đất ôm lấy nó, chờ qua hết kỳ “ngủ đông” chừng hơn 4 tháng, Xuân sang, mới lại nảy mầm.
Trước đây, người dân vùng núi Ngọc Linh miệt mài “ngậm ngải tìm sâm” tận nơi non cao rừng già. Mỗi năm đi qua, một lứa cây mới mọc lên, hoàn toàn tự nhiên từ thân “cây mẹ”...
Bây giờ cũng mùa hoa sâm. Chàng trai Đăk Dơn cho dù khiêm tốn đến đâu, vẫn có thể bằng lòng với “thâm niên” đã mấy mùa ươm giống. Em bảo: Mùa quả sâm chín già, nó được hái về, phơi khô, xử lý kỹ..., sau đó mới được làm đất tỉa, gieo. Trong lúc quả non, còn được làm lồng bảo vệ. Yêu cầu trồng mới, mở rộng thêm nhiều diện tích cây sâm Ngọc Linh ở dưới tán rừng, nên cây giống được ươm bằng chính cách này, thực không thể thiếu.
“Lộ diện” một cách thật đáng tự hào, cái loài “thuốc giấu” năm xưa của đồng bào Xơ Đăng vùng núi Ngọc Linh ngày càng được nhiều người biết đến. Ra sức kiến tạo để đưa Kon Tum thành vùng dược liệu trọng điểm, nỗ lực dựng xây để sâm Ngọc Linh trở thành thương hiệu quốc gia, yêu cầu đặt ra trong giai đoạn mới càng cần thêm ngang tầm.
Trước khi bài toán nhân giống vô tính - “ươm giống sâm Ngọc Linh bằng nuôi cấy mô” thực sự trở thành hiện thực, thì những mùa quả non bấy lâu vẫn được giữ gìn...