Cây sâm Ngọc Linh chết hàng loạt ở Kon Tum, nông dân trồng cây "Quốc bảo" mất ngủ vì lo

Hoàng Lộc Thứ tư, ngày 01/06/2022 14:39 PM (GMT+7)
Hàng chục ngàn cây sâm Ngọc Linh-cây dược liệu quý hiếm ví như "Quốc bảo" của người dân ở huyện Tu Mơ Rông và huyện Đăk Glei (tỉnh Kon Tum) thời gian qua bị nhiễm bệnh, chết hàng loạt do ảnh hưởng của mưa đá. Điều này đã gây thiệt hại về kinh tế không nhỏ và khiến người trồng lo lắng.
Bình luận 0

Ngày 1/6, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Kon Tum xác nhận, trên địa bàn hai huyện Đăk Glei và huyện Tu Mơ Rông xuất hiện tình trang cây sâm Ngọc Linh bị nhiễm bệnh, chết.

Cụ thể, tại huyện Tu Mơ Rông có 29.143 cây sâm Ngọc Linh bị thiệt hại do sâu bệnh, 652 cây bị chết do ảnh hưởng của mưa đá. Đây chưa con số cuối cùng về số lượng sâm bị thiệt hại bởi hiện vẫn còn các xã chưa thống kê được. Huyện Tu Mơ Rông đang tiếp tục chỉ đạo các xã thống kê số lượng cây sâm bị thiệt hại do sâu bệnh hại, mưa đá gây ra trên địa bàn.

Kon Tum: Cây sâm Ngọc Linh bị nhiễm bệnh, chết hàng loạt, người trồng sâm lao đao - Ảnh 1.

Cây sâm Ngọc Linh giống bị nhiễm bệnh, chết hàng loạt ở huyện Tu Mơ Rông, huyện Đăk Glei của tỉnh Kon Tum. Ảnh: CTV

Trong khi đó, tại huyện Đăk Glei, trong số trên 13.500 cây sâm 1 năm tuổi của các hộ dân ở 2 xã Ngọc Linh và Mường Hoong thì có 2.200 cây đã bị chết, số còn lại (11.300 cây) có tỷ lệ cây bị nhiễm bệnh khoảng 35 đến 40%.

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Kon Tum, đơn vị đã xác định được cây sâm Ngọc Linh bị bệnh chết rạp là do nấm Rhizoctonia solani và nấm Phytophthora sp gây ra. Lí do là bởi, trong thời gian từ tháng 3 đến nay, tại khu vực trồng sâm Ngọc Linh có lượng mưa nhiều, thường xuyên có sương muối, trong khi đó, trời âm u, ẩm độ cao tạo điều kiện cho các loại nấm phát sinh, phát triển mạnh.

Qua kiểm tra, bệnh gây hại cây sâm chủ yếu ở những vườn sâm che mưa bằng lưới nilon hoặc vườn có mái che bằng nilon trắng nhưng thời điểm mưa nhiều chủ vườn không kéo mái che mưa.

Kon Tum: Cây sâm Ngọc Linh bị nhiễm bệnh, chết hàng loạt, người trồng sâm lao đao - Ảnh 2.

Qua kiểm tra, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Kon Tum xác định, cây sâm Ngọc Linh bị do nấm Rhizoctonia solani và nấm Phytophthora sp gây ra. Ảnh: CTV

Trao đổi với PV Dân Việt, ông Võ Trung Mạnh, Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông cho biết, dịch bệnh này mới xảy ra tại địa phương trong năm nay. Cây sâm con bị chết đều rơi vào diện tích của dân, có giá khoảng 300.000 đồng/cây. Thiệt hại ước tính khoảng hơn 8 tỷ đồng.

"Cây sâm Ngọc Linh bị thiệt hại đã phần nào ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Nhằm giúp người dân vượt qua giai đoạn khó khăn, huyện sẽ kiến nghị các ngân hàng có chính sách giãn nợ, khoanh nợ cho các hộ dân đã vay tiền ngân hàng để trồng sâm Ngọc Linh", ông Mạnh nói.

Để bảo vệ vườn sâm Ngọc Linh, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cũng khuyến cáo người trồng sâm cần vệ sinh vườn cây để tạo độ thông thoáng, tách những cây bị bệnh ra khỏi luống và trồng vào giá thể mới để tránh bệnh lây lan. Bên cạnh đó, thường xuyên thăm vườn, phát hiện bệnh sớm báo cáo cơ quan chức năng xử lý kịp thời. Đồng thời, sửa chữa, bổ sung mái che cho luống trồng để mưa không tác động trực tiếp vào cây sâm nhằm hạn chế nấm lây lan.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem