Theo báo cáo của nhà đầu tư, tuyến đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt có chiều dài 83,5km gồm 3 đoạn răng cương dài 16km với 12 ga và trạm khách. Trong đó tuyến đường qua địa phận tỉnh Ninh Thuận dài 49km với tổng mức đầu tư dự án khoảng 27.780 tỷ đồng.
Dự kiến phương án giải phóng mặt bằng đoạn qua Ninh Thuận khoảng 130ha, chủ yếu là đất nông nghiệp, đồng thời nâng cấp sẽ bổ sung thêm 2 ga và 3 trạm khách, xây dựng mới khoảng 64 cầu, trong đó có 2 cầu lớn là Cầu Tân Mỹ và cầu Đơn Dương. Bên cạnh đó là sửa chữa, khôi phục lại 5 hầm với chiều dài là 1094m; Nâng cấp đoạn tuyến từ ga Trại Mát đến ga Đà Lạt với chiều dài khoảng 6,7km.
Tiến độ thực hiện dự án từ nay đến năm 2030 và được chia làm 4 giai đoạn dự kiến gồm: Giai đoạn 1 chuẩn bị đầu từ từ nay đến 12/2024; giai đoạn 2 thực hiện đầu tư (từ 12/2024 đến 01/2026); giai đoạn 3 thực hiện dự án từ 6/2026 đến 6/2029 và giai đoạn 4 sẽ đưa vào vận hành khai thác từ 1/2030.
Tại buổi làm việc, ông Trần Quốc Nam - Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận đánh giá cao đồng thời ủng hộ đề xuất của nhà đầu đồng thời kỳ vọng việc khôi phục tuyến đường sắt leo núi di sản độc đáo Phan Rang-Đà Lạt sẽ tạo ra sản phẩm du lịch mới hấp dẫn, tăng tính kết nối giao thông, vận tải hành khách của khu vực và giữa 2 tỉnh Ninh Thuận-Lâm Đồng
"UBND tỉnh Ninh Thuận sẽ chỉ đạo các Sở ngành, địa phương phối hợp với nhà đầu tư để triển khai thực hiện theo tiến độ, đảm bảo giữ được nét kiến trúc độc đáo của tuyến đường cũ. Tỉnh sẽ chú trọng tính đồng bộ giữa xây dựng bổ sung các khu đô thị, du lịch, nông nghiệp công nghệ cao dọc tuyến đường sắt, góp phần phát triển du lịch và đô thị của tỉnh...", ông Trần Quốc Nam nhấn mạnh.
Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Ngọc Đông - Thứ trưởng Bộ GTVT đã đánh giá, đây là dự án lớn, có thể coi đây là "con đường di sản", độc đáo theo ý tưởng đề xuất của chủ đầu tư.
Ông Đông đề nghị UBND tỉnh Ninh Thuận tập trung phối hợp với nhà đầu tư để lấy ý kiến góp ý của các đơn vị, địa phương liên quan nhằm thống nhất phương án hướng tuyến, cấu trúc tuyến, vị trí nhà ga, đồng thời cập nhật, điều chỉnh trong các quy hoạch liên quan của địa phương.
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Ngọc Đông cũng đề nghị tỉnh Ninh Thuận bố trí quỹ đất quy hoạch các khu vực phát triển dịch vụ, đô thị gắn với khu vực ga; có các hình thức ưu đãi, thu hút đầu tư và các quy định về hỗ trợ, giải phóng mặt bằng và tái định cư khi thực hiện dự án…
Ông Nguyễn Ngọc Đông cho rằng, các bên liên quan cần tập trung hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án khôi phục tuyến đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt theo hướng bám sát mục tiêu, theo hướng phát triển bền vững vừa khôi phục di sản, gắn với vận tải, phục vụ cộng đồng, phát triển kinh tế-xã hội. Báo cáo này hoàn thiện sớm để trình xin ý kiến các Bộ, Ban, ngành Trung ương...
Trước đó, vào đầu tháng 7 vừa qua, Bộ GTVT cũng đã có văn bản số 6777 chấp thuận việc lập hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án khôi phục tuyến đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt theo phương thức PPP (đối tác công-tư). Đồng thời chấp thuận cho Công ty CP Thương mại - Dịch vụ khách sạn Bạch Đằng (Công ty Bạch Đằng, nhà đầu tư đề xuất dự án) lập hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án.
Theo tư liệu của ngành đường sắt, tuyến đường sắt răng cưa được khởi công vào năm 1908 theo lệnh của toàn quyền Paul Doumer từ Tháp Chàm đến Sông Pha (chân đèo Ngoạn Mục tỉnh Ninh Thuận). Năm 1922, thi công tiếp đoạn Sông Pha - Trạm Hành - Đà Lạt (Lâm Đồng). Năm 1928, thi công 10km khó khăn nhất xuyên núi, vượt đèo Ngoạn Mục - Eo Gió. Công trình hoàn thành với tổng kinh phí xây dựng 200 triệu Franc vào lúc bấy giờ. Năm 1932, tuyến đường sắt chính thức hoạt động.
Để đoàn tàu qua được đèo dốc, người ta phải thiết kế những bánh răng cưa lắp thêm vào trong đầu máy. Toàn tuyến có 16km đường sắt răng cưa, vượt độ cao 1.600m trên mực nước biển với độ dốc thường xuyên 12%. Tuyến đường đi qua 5 hầm, có hầm dài đến 600m, và nhiều cầu xe lửa khác. Đường sắt được vận hành bằng 11 đầu máy hơi nước hiệu Fuka của Thụy Sĩ.
Nhà ga Đà Lạt được xây dựng và hoàn thành vào năm 1938, được đánh giá đẹp nhất Đông Dương, hiện gần như còn nguyên vẹn với ba mái vút cao xuất phát từ ý tưởng của hai kiến trúc sư người Pháp là Moncet và Revéron mô phỏng ngọn núi Lang Biang. Xưa mỗi ngày có hai đôi tàu chạy tuyến Đà Lạt - Phan Rang - Nha Trang và ngược lại, với ba toa khách, một toa tàu hàng. Hành khách bao giờ cũng đông với phần lớn là người Pháp và quan chức người Việt. Tuyến đường sắt đã bị ngưng từ năm 1972 do chiến sự ác liệt ở miền Nam khiến cho nhu cầu vận chuyển đường sắt gặp khó khăn.
Giữa năm 1975, khi đất nước thống nhất, đường sắt răng cưa được vận hành trở lại nhưng sau đó lại bị ngưng. Năm 1986, Liên hiệp Đường sắt Việt Nam đã cho công nhân tháo ray và tà vẹt để phục vụ sửa chữa đường sắt Thống Nhất. Phần còn lại bị sử dụng không đúng mục đích từ những năm 1980 - 2004 (đường sắt trên cầu Tân Mỹ và cầu Dran đã bị tháo dỡ năm 2003). Hiện nay, một phần của tuyến đường sắt Đà Lạt - Trại Mát dài 7km hoạt động để phục vụ khách du lịch.