Dân Việt

10 năm nay, doanh nghiệp mới "lo" về kinh tế vĩ mô

An Linh 15/07/2022 12:28 GMT+7
Theo chuyên gia kinh tế độc lập Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Việt Nam, tiếp xúc với doanh nghiệp họ nói 5-10 năm gần đây, ít khi nào quan tâm tới kinh tế vĩ mô như năm 2022.

Lo ngại lạm phát, cung tiền, lãi suất

Tại Hội thảo "Kinh tế vĩ mô 6 tháng đầu năm 2022" do Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế trung ương (CIEM) tổ chức ngày 15/7, các chuyên gia kinh tế, học giả trong nước cho rằng dù kinh tế Việt Nam đứng vững trước 2 năm dịch bệnh và diễn biến khó lường của kinh tế, chính trị thế giới, song những thách thức nội sinh vẫn còn, đặc biệt là vấn đề kinh tế vĩ mô. 

Theo ông Lê Duy Bình, trong 2 năm qua do "bầm dập" vì Covid-19, nhiều khó khăn về sản xuất, thị trường nên doanh nghiệp Việt ở mọi cấp độ vẫn rất sốt sắng về các chính sách kinh tế vĩ mô như tăng trưởng, lạm phát, tín dụng, lãi suất… Điều này tác động trực tiếp đến cơ hội phát triển của họ.

10 năm nay, doanh nghiệp mới "lo" về kinh tế vĩ mô - Ảnh 1.

TS. Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Việt Nam.

Câu hỏi của họ không chỉ ở vấn đề mà nền kinh tế đối diện hôm nay mà còn dự báo trong thời gian tới thế nào? Nhiều doanh nghiệp quan tâm vấn đề dự báo được tương lai trong trung, dài hạn: "Sắp tới lạm phát ra sao? ảnh hưởng tới tỷ giá hối đoái, lãi suất thế nào, tăng lãi suất của FED thế nào?", ông Bình cho biết. 

Theo đại diện của Economica Việt Nam, vấn đề tỷ giá hối đoái, so với đồng đô la Mỹ, đồng Việt Nam giảm giá mạnh mẽ, nhưng vẫn tăng so với đồng EU. Do đó doanh nghiệp ký hợp đồng với thị trường EU có tác động rõ ràng hơn.

Theo PGS.TS. Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, kinh tế của Việt Nam mở cửa, hội nhập cao lên đến 200% vì vậy những biến động của nền kinh tế thế giới sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới chúng ta. Chưa bao giờ kinh tế thế giới ảnh hưởng đến Việt Nam nhiều thế!

Nếu đặt ra vấn đề kinh tế đã phục hồi sau đại dịch và vượt qua được biến động kinh tế thế giới, cái đáng lo cho kinh tế Việt Nam là lạm phát.

10 năm nay, doanh nghiệp mới "lo" về kinh tế vĩ mô - Ảnh 2.

TS. Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam.

"Tăng trưởng khá tốt, nhưng giai đoạn tới kinh tế Việt Nam có thể phải chịu những thách thức như kinh tế của thế giới, Trung Quốc tăng trưởng trở lại", ông Tuấn nói. 

Theo Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, lạm phát do chi phí đẩy rất rõ, đồng USD lên giá cũng tác động đến toàn cầu. Ở Việt Nam, dư địa chính sách tiền tệ ở đâu? và nguồn lực cho tăng trưởng nữa. Ngoài cung tiền, còn lãi suất phải làm sao để đảm bảo ổn định, doanh nghiệp hấp thụ được.

Theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện CIEM: Chiến tranh lạnh có nguy cơ quay lại do xung đột Nga- Ukraine, các biện pháp trừng phạt kinh tế Nga liên tục tăng lên; EU công bố đòn trừng phạt lần thứ 7 với kinh tế Nga, toàn cầu hóa đang bị chững lại và có chuyển hướng...

Chuỗi giá trị bị đứt gãy, ảnh hưởng rõ rệt tới kinh tế Việt Nam và các nước đối tác. Việt Nam vừa là nước xuất khẩu lớn, nhưng cũng là nước nhập khẩu nên việc đứt gãy chuỗi giá trị toàn cầu ảnh hưởng lớn đến việc làm và tăng trưởng.

10 năm nay, doanh nghiệp mới "lo" về kinh tế vĩ mô - Ảnh 3.

TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện CIEM.

"Chúng ta phải nắm bắt được tình hình kinh tế thế giới và có quyết sách phù hợp với tình hình có thay đổi trong thời gian qua. Bên cạnh đó, cần tăng cường kết nối kinh tế số, nếu không sẽ rất khó khăn. Việt Nam có đa dạng hoá đa phương hoá kinh tế, tránh phụ thuộc vào nền kinh tế nào", chuyên gia Lê Đăng Doanh cho hay.