Thị trường bay nội địa hồi phục thần tốc, ngành hàng không vẫn "gồng mình" trước "núi áp lực"
Thị trường bay nội địa hồi phục thần tốc, ngành hàng không vẫn "gồng mình" trước "núi áp lực"
Hồng Trâm
Thứ năm, ngày 30/06/2022 13:20 PM (GMT+7)
Mặc dù sản lượng vận chuyển nội địa khởi sắc nhưng ngành hàng không Việt Nam vẫn đối diện nhiều khó khăn, dẫn đến việc khó có thể khôi phục toàn thị trường.
Sau 2 năm tê liệt vì dịch Covid-19, chính sách mở cửa thị trường đã giúp ngành hàng không có nhiều tín hiệu khởi sắc, đặc biệt là thị trường nội địa.
Ông Đinh Việt Thắng - Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho biết trong 6 tháng đầu năm 2022 hoạt động tại các cảng hàng không đã nhộn nhịp. Cụ thể, trong quý 2/2022, sản lượng vận chuyển khách nội địa liên tục tăng từ 10-15% qua từng tháng cũng như tăng gần 30% so với cùng thời điểm các tháng hè 2019. 6 tháng qua, sản lượng chuyến bay tại các cảng hàng không Việt Nam đạt 205.000 chuyến. Trong đó, bay quá cảnh đạt khoảng 66.700 chuyến, tăng 28% so với cùng kỳ năm 2021.
Sản lượng hành khách thông qua các cảng hàng không đạt 43,4 triệu khách, tăng 65,5%. Riêng sản lượng khách do các hãng hàng không Việt Nam vận chuyển đạt khoảng 21,4 triệu hành khách, tăng 62,4%. Trong đó, sản lượng khách nội địa là 20,8 triệu khách, tăng 57,3%.
Thực tế, thị trường hàng không nội địa đang hồi phục mạnh mẽ sau dịch Covid-19. Giá vé máy bay đến các điểm nóng du lịch dịp cao điểm hè tăng nhanh chóng và các hãng hàng không đều đã lên kế hoạch tăng chuyến.
Lãnh đạo Vietnam Airlines cho biết, tổng khách nội địa mà hãng vận chuyển 5 tháng đạt 5,93 triệu lượt, tăng xấp xỉ 7,7% so với năm 2019. Có những ngày, Vietnam Airlines thực hiện bay tới hơn 350-400 chuyến bay với hệ số sử dụng ghế đều trên 80%.
Lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam đánh giá thị trường bay nội địa có tốc độ hồi phục nhanh chóng. Kỳ vọng lượng khách nội địa sẽ gần như phục hồi hoàn toàn, đạt gần về mức năm 2019, thời điểm trước khi xảy ra dịch.
TS Bùi Doãn Nề - Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp hàng không đánh giá triển vọng phát triển hàng không Việt trong năm nay và thời gian tới khá rõ nét, nhiều khả năng sẽ là lĩnh vực dẫn đầu sóng phục hồi trở lại sau dịch với hàng loạt đường bay được khôi phục và mở rộng. Các chuyến bay khai thác nội địa đã có sự bứt phá, các chuyến bay quốc tế đưa khách nước ngoài cũng sôi động trở lại. Tuy nhiên, thị trường quốc tế sẽ cần thời gian dài hơn để phục hồi.
Giá nhiên liệu tăng tạo áp lực chi phí
Mặc dù thị phần nội địa ghi nhận sự khởi sắc, song, lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam cho hay giai đoạn này vẫn có nhiều khó khăn, thách thức đối với ngành hàng không dẫn đến việc khó có thể khôi phục toàn thị trường.
Theo đó, các khó khăn bao gồm việc thị trường đã có dấu hiệu hồi phục nhưng mới chỉ ở thị trường nội địa. Trong khi đó, thị trường quốc tế, nơi mang lại hơn 60% doanh thu cho các hãng hàng không Việt Nam vẫn còn gặp nhiều khó khăn để có thể đạt được như mức trước dịch. Lượng khách quốc tế vẫn chủ yếu là khách công vụ, thăm thân, kinh doanh trong khi khách du lịch là nguồn khách chính của ngành hàng không vẫn còn rất hạn chế.
Quan trọng, các thị trường du lịch lớn của Việt Nam như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, châu Âu vẫn chưa tạo điều kiện cho du lịch quốc tế. Trong khi đó, thị trường khách Nga bị đóng băng, chưa biết thời điểm có thể mở trở lại. Tình hình xung đột Nga-Ukraine đã khiến cho hoạt động khai thác hàng không quốc tế bị ảnh hưởng. Các hãng hàng không Việt Nam khi phải bay vòng, phát sinh thêm chi phí.
Ngoài ra, vấn đề tài chính do hậu quả của 2 năm chống chọi với đại dịch làm rào cản đà phục hồi ngành hàng không. Theo đó, các đơn vị trong ngành hàng không, đặc biệt là các hãng hàng không Việt Nam đều chật vật, xoay xở để có nguồn tài chính, dòng tiền trong việc duy trì hoạt động. Việc đảm bảo nguồn nhân lực trong điều kiện khai thác cầm chừng đã có sự xáo trộn, thay đổi về nhân lực của các hãng hàng không Việt Nam.
Theo lãnh đạo Cục, khó khăn đáng lo ngại trong thời gian qua là vấn đề giá nhiên liệu bay sau một giai đoạn giữ ổn định ở mức thấp thì giá xăng dầu hàng không liên tục tăng trong giai đoạn vừa qua và chưa có tín hiệu giảm nhiệt. Việc giá nhiên liệu Jet A1 trên 170 USD/thùng (tăng gần 30% so dự kiến) và chiếm trên 40% chi phí khai thác của các hãng hàng không. Áp lực chi phí lên hoạt động các hãng hàng không đang rất nặng nề.
Trước những khó khăn, thách thức trên, lãnh đạo Cục Hàng không cho biết để vận tải hàng không phục hồi và phát triển giai đoạn hậu Covid-19, cần sự nỗ lực và triển khai đồng bộ nhiều giải pháp.
Bao gồm việc điều chỉnh chính sách vận tải hàng không để hỗ trợ các hãng hàng không Việt Nam trong việc duy trì, phục hồi sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Tăng cường công tác quản lý lực lượng vận tải hàng không Việt Nam. Tăng cường việc ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến trong công tác quản lý nhà nước về hàng không (ứng dụng công nghệ trong công tác điều phối giờ hạ cất cánh (slot) tại cảng hàng không, sân bay; giám sát hoạt động khai thác của các hãng hàng không, chậm hủy chuyến...).
Ngoài ra, đẩy nhanh tiến độ áp dụng mô hình tối ưu hóa việc ra quyết định tại cảng hàng không và hoàn thiện hệ thống quản lý luồng không lưu. Tiếp tục hoàn thiện công tác điều phối slot theo hướng tăng cường kiểm tra, giám sát để sử dụng hiệu quả slot tại các cảng hàng không. Từ đó, giảm tắc nghẽn, chậm chuyến đảm bảo chất lượng dịch vụ vận tải hàng không.
Đồng thời, ông Đinh Việt Thắng cũng kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải xem xét, kiến nghị Chính phủ giảm thuế môi trường, xăng dầu hỗ trợ chi phí hoạt động cho các hãng. Từng bước nới lỏng giá trần để các hãng linh hoạt giá vé hơn trong thời gian tới để hỗ trợ các hãng hàng không.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.