Trong tiếng Tày, bánh trứng kiến gọi là “pẻng khày mật”. Bánh trứng kiến béo ngậy thơm mùi nếp nương, mùi lá vả và đặc biệt là phần nhân làm từ thịt lợn bản và trứng kiến non hòa quyện lại với nhau làm nên một món ăn độc đáo, hấp dẫn không chỉ về hình thức mà cả hương vị.
Bánh trứng kiến có nguồn gốc xa xưa từ người Tày mạn Tuyên Quang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn... Cứ tầm tháng 4 đến tháng 5 dương lịch (mùa kiến đen rừng đẻ trứng) là bánh trứng kiến vào mùa. Chúng thường làm tổ trên các loại cây như vầu, nứa, găng, xoan.
Để lấy được những tổ kiến đen cần sức khỏe và sự khéo léo. Khâu làm sạch trứng kiến cũng cần có sự tỉ mỉ, kỳ công. Kiến thì có nhiều loại, nhưng chỉ có trứng của loại kiến đen có thân nhỏ, đuôi nhọn được cho là lành nhất.
Trứng kiến thường nhỏ hơn hạt gạo, có màu trắng đục, thân mẩy và tròn. Trứng kiến là thực phẩm sạch, nhiều đạm, có hàm lượng dinh dưỡng cao. Theo nghiên cứu, trứng kiến đen có từ 42-47% protein với hơn 31 vi chất cần thiết cho cơ thể như vitamin A, vitamin E, vitamin B1. …
Điều khiến bánh trứng kiến thơm ngon, nhớ lâu còn bởi bánh được làm từ bột gạo nếp vùng cao. Gạo nếp được ngâm khoảng 2 - 3 giờ đồng hồ thì vớt ra để ráo nước rồi xay mịn và nhào nặn với nước cho thật nhuyễn.
Đối với phần nhân bánh, khi chảo nóng già, người làm bánh cho mỡ lợn, phi hành thơm hoặc lá hẹ, cho trứng kiến đã được rửa sạch xào chung với một ít thịt lợn băm thì nhân sẽ thơm ngon hơn.
Trứng kiến xào với thịt lợn băm, hẹ tạo nên mùi vị vô cùng thơm ngon
Nhân bánh được chuẩn bị xong, lấy bột nếp nặn thành những chiếc bánh tròn, sau đó khéo léo cho phần nhân vào trong, dùng lá vả bánh tẻ (tiếng Tày gọi là lá ngõa) để gói bánh. Cuối cùng, cho bánh kiến vào nồi hoặc chõ gỗ hấp cách thủy chừng 30 - 50 phút, khi mùi hương lan tỏa là bánh chín.
Bánh được để nguyên hoặc cắt vuông cho đẹp mắt
Bánh trứng kiến thường được làm dịp Tết Thanh minh (mùng 3 tháng 3 Âm lịch), con cháu thường dùng để cúng tổ tiên trong ngày đi tảo mộ. Món bánh trứng kiến trở thành món ăn truyền thống hấp dẫn, độc đáo của người Tày Tuyên Quang.
Bánh trứng kiến cùng xôi nếp cẩm là những món ăn không thể thiếu vào dịp Tết Thanh minh của người Tày Tuyên Quang.
Đối với những người mới lần đầu thưởng thức món bánh trứng kiến cũng cần phải thử trước vài miếng nhỏ để xem mình có dị ứng với trứng kiến không.
Trứng kiến không độc, tuy nhiên những người nhạy cảm có phản ứng phụ khi ăn hải sản, nhộng…thì cần lưu ý khi ăn bánh này. Đối với những người không bị dị ứng thì có thể thưởng thức thoải mái.
Lên Tuyên Quang mùa này, du khách có nhu cầu mua về làm quà có thể đặt hàng tại các cơ sở homestay trên địa bàn huyện Na Hang, Lâm Bình.
Thời điểm này, du khách đến với Tuyên Quang sẽ có cơ hội thưởng thức món bánh trứng kiến với bột bánh mềm dẻo, hương vị béo ngậy của trứng kiến, vị thơm của hẹ, bùi của lá vả… Tất cả tạo nên hương vị tuyệt vời khiến người thưởng thức không bao giờ quên.