Cả làng ở Tuyên Quang miệt mài trồng thứ cây gì mà thiên hạ cứ đồn là có "kho báu lộ thiên" hàng chục tỷ?

Chủ nhật, ngày 22/05/2022 06:02 AM (GMT+7)
Người quê Tuân Lộ (Sơn Dương) truyền tai nhau rằng, làng Đồng Chùa có cả “kho báu lộ thiên”. Kho báu đấy là rừng cây sưa đỏ, giá trị cả mấy chục tỷ bạc…
Bình luận 0

Thôn trồng cây sưa đỏ có 1 không 2

Thôn Đồng Chùa nằm bên Quốc lộ 2C, nơi này thật thơ mộng bởi có dòng sông Phó Đáy chảy qua, lòng sông là những ngọn núi, nhìn như “vịnh Hạ Long” vậy. Đường vào thôn rợp bóng những hàng sưa, làm dịu đi cái nắng hè như đổ lửa. 

Người Đồng Chùa trồng cây gỗ sưa ở cả bờ ao, bờ ruộng, ven đường, các triền núi đá, đất vườn nhà… Nói chung là, đất trống chỗ nào, chỗ đó được người làng trồng sưa. 

Ở diện tích đất phẳng phiu, người làng Đồng Chùa trồng cây sưa thành hàng lối thẳng tăm tắp, rộng cả hec-ta. 

Làng có 60 hộ, nhà nào cũng trồng sưa, nhà ít có 20 cây, nhà nhiều 200 - 300 cây. Tổng diện tích trồng gỗ sưa đỏ của làng khoảng 6 ha, với tuổi đời trung bình hơn 10 năm. 

Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Đồng Chùa Hà Văn Sơn khoe, từ trồng cây sưa đỏ mà người làng Đồng Chùa khấm khá hẳn. 

"Con đường dẫn vào làng dài 1.200 m đã được người dân tự nguyện đóng góp mỗi nhân khẩu 1,5 triệu đồng bê tông hóa từ năm 2015 rồi đấy...", trưởng thôn Sơn khoe. 

Ở nông thôn mà mỗi nhân khẩu đóng ngần đấy tiền là không dễ đâu, nhiều nơi họp lên họp xuống vẫn “tắc” lắm, còn  ở làng này triển khai là mọi người đều đồng thuận ngay.

Cả làng ở Tuyên Quang miệt mài trồng thứ cây gì mà thiên hạ cứ đồn là có "kho báu lộ thiên" hàng chục tỷ? - Ảnh 2.

Vườn hơn 100 cây sưa đỏ 15 năm tuổi của hộ bà Nguyễn Thị Vịnh, thôn Đồng Chùa, xã Tuân Lộ (huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang).

Ông Sơn cho biết, trước đây cuộc sống người làng khá khó khăn, bởi cả làng chỉ có 4 mẫu ruộng và 21 ha đất soi bãi trồng mía và hoa màu là nguồn thu nhập chính của người dân. 

Để tận dụng đất vườn đồi, trước đây người làng từng trồng thử nghiệm cây ăn quả triền núi đá nhưng đều thất bại, phải bỏ hoang do đất đá cằn cỗi. Năm 2004, cây gỗ sưa “sốt” giá, thương lái đánh xe về làng lùng sục hỏi mua. 

Lúc ấy trong làng gia đình bà Nguyễn Thị Vịnh có 2 cây sưa đỏ hơn 10 năm tuổi được thương lái trả giá đắt như vàng khiến người làng không khỏi sửng sốt. Từ đấy, nhà nào cũng trồng sưa đỏ. Cây sưa đỏ có giá trị như cây lim, cây lát, giờ tỏa bóng mát người dân có lợi lắm, tuy giá hiện giờ không được như thời điểm đầu nhưng gỗ sưa vẫn thuộc giống cây “quý tộc”, được nhiều thương lái săn tìm mua theo kg. 

Những vườn sưa đỏ năm nào giờ cho hàng trăm khối gỗ, giá vài triệu đồng/kg, cả vườn sưa của người Đồng Chùa trị giá vài chục tỷ đồng. 

Anh Hà Văn Quyết đang sở hữu cây sưa to nhất thôn, có đường kính gốc 45 cm, đường kính thân 35 cm.  Anh cho biết, anh trồng cây sưa đỏ năm 1994 trước sân nhà lấy bóng mát, cũng chẳng nghĩ cây có giá trị cao như bây giờ. 

Nhiều thương lái vào hỏi mua cây gỗ sưa đỏ này, có người trả giá cả nửa tỷ đồng nhưng anh chưa bán mà muốn giữ thêm nhiều năm nữa để có giá trị cao hơn.

Bén duyên với cây sưa đỏ

Bà Nguyễn Thị Vịnh là người trồng 2 cây sưa đầu tiên từ năm 1994. Bà Vịnh kể, một lần về thăm quê tại Tam Dương (Vĩnh Phúc), thấy người em họ bán 2 cây gỗ quý đủ tiền mua xe máy trị giá 18 triệu đồng. Thế là bà xin cây giống về trồng thử. 

Sưa đỏ có sức sống tốt, trồng trên đất cằn nhưng vẫn phát triển tốt, được 10 năm thân cây to bằng nồi cơm điện, hàng năm cây ra hoa và đậu quả, quả rơi xuống đất mọc lên nhiều cây con, gia đình bà đánh ra trồng khắp vườn. 

Ngày đó trong thôn cũng chẳng ai biết đó là cây gì. Năm 2004, có người ở tận Bắc Ninh lên hỏi mua 1 cây sưa đỏ với giá 15 triệu đồng, số tiền lớn nên gia đình đồng ý bán ngay. 

Từ cánh thương lái mà người làng mới biết đó là cây sưa đỏ. Dạo đấy, bán một cây gỗ sưa bà Vịnh có thể mua được 2 suất đất mặt đường Quốc lộ 2C. 

Một thời gian sau, gia đình bà tiếp tục bán cây sưa còn lại với giá 14 triệu đồng, nhiều người trong làng truyền tai nhau về giá trị “khủng” của cây sưa đỏ nên nhà nào cũng tận dụng đất vườn, đất đồi, đất ven đường, hàng rào để trồng sưa đỏ.

Cả làng ở Tuyên Quang miệt mài trồng thứ cây gì mà thiên hạ cứ đồn là có "kho báu lộ thiên" hàng chục tỷ? - Ảnh 5.

Cây sưa đỏ được người dân thôn Đồng Chùa, xã Tuân Lộ, huyện Sơn Dương (tỉnh Tuyên Quang) đẽo lấy lõi bán cho thương lái.

Rồi bà Vịnh ươm cây sưa giống bán khắp nơi trong xã, giờ ở Tuân Lộ nhiều làng trồng sưa, nhưng nhiều nhất, cây già nhất phải là ở Đồng Chùa. 

Ông Hà Văn Luyện, thôn Đồng Chùa khoe: “Giữa năm 2018, do cần tiền cho con xây nhà, gia đình tôi bán một cây sưa đỏ 15 năm tuổi trong vườn thu được  310 triệu đồng”. 

Gần đó là gia đình anh Nguyễn Văn Hảo cũng chỉ bán đi một cây gỗ sưa mà có được 230 triệu đồng để đầu tư mua máy xúc phát triển kinh tế gia đình.

Nhờ vào cây sưa đỏ, cuộc sống của người dân Đồng Chùa thực sự đã thay đổi. Người dân không khai thác ồ ạt mà chỉ bán tỉa thôi. 

Cây sưa đỏ càng để lâu năm càng già lõi, giá trị càng cao. Một cây sưa đỏ được ngả xuống bán cho thương lái là ngay lập tức người làng Đồng Chùa trồng thế ngay cây khác, thế nên làng quê này rợp bóng cây sưa. 

Người Đồng Chùa nói với nhau rằng, trồng sưa như khoản tiền gửi ngân hàng, lãi sẽ tăng theo thời gian.

Ông Hà Văn Sơn, Bí thư chi bộ, Trưởng thôn Đồng Chùa (xã Tuân Lộ, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang) cho biết, hiện thôn chỉ còn 3 hộ nghèo. Vườn sưa đỏ đã mang đến cuộc sống ấm no cho người dân, chỉ nay mai đây, Đồng Chùa sẽ hết nghèo, trở thành làng quê trù phú từ “kho báu” rừng sưa.

Cao Huy (Báo Tuyên Quang)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem