Trong kết luận số 39, Thanh tra Bộ Xây dựng đã chỉ ra hàng loạt sai phạm đường Lê Văn Lương trong công tác điều chỉnh quy hoạch, quản lý trật tự xây dựng. Hàng loạt dự án cao ốc xây dựng vượt tầng so với quy hoạch, vi phạm nghiêm trọng trật tự xây dựng.
Cần làm rõ trách nhiệm cá nhân gây ra các sai phạm tuyến đường Lê Văn Lương (Video: Thái Nguyễn)
Thanh tra Bộ Xây dựng chỉ rõ dọc khu vực Lê Văn Lương - Tố Hữu - Nguyễn Thanh Bình, các chủ đầu tư của 31 công trình đã thi công sai quy hoạch được duyệt, sai tổng mặt bằng, phương án kỹ thuật được chấp thuận; không có giấy phép xây dựng, sai giấy phép, sai thiết kế được duyệt.
Đồng thời, việc thực hiện quy hoạch, đầu tư xây dựng dự án không đảm bảo đồng bộ về hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật, dịch vụ công cộng, không đúng tiến độ dẫn đến không đảm bảo về môi trường, kiến trúc cảnh quan và đời sống cư dân đô thị.
Sai phạm đường Lê Văn Lương được Thanh tra Bộ Xây dựng chỉ rõ trách nhiệm thuộc về UBND Hà Nội, Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội, Sở Xây dựng Hà Nội, Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội, UBND các quận có dự án sai phạm và chủ đầu tư các dự án.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng trách nhiệm được chỉ ra vẫn chung chung, chưa quy rõ trách nhiệm thuộc tổ chức, cá nhân nào vi phạm, cá nhân nào đứng đầu phải chịu trách nhiệm về sai phạm đường Lê Văn Lương cũng chưa được nêu ra.
Trao đổi với Dân Việt, GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên và môi trường cho rằng tình trạng điều chỉnh quy hoạch tại nhiều khu vực, nhiều tuyến đường ở Hà Nội diễn ra từ lâu. Đầu tiên phải xác định nguyên nhân, người chịu trách nhiệm ký duyệt các dự án thời điểm đó.
"Tôi cho rằng chúng ta phải rà soát từng dự án, đây là một rà soát rất lớn nhưng buộc chúng ta phải làm. Sau khi tổng kiểm tra, cơ quan Nhà nước, mà cụ thể là Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội phải đưa ra quyết định, xử lý đối với từng dự án, tổ chức, cá nhân nào phê duyệt từng dự án dẫn đến sai phạm đường Lê Văn Lương cần phải xử lý nghiêm khắc", GS Đặng Hùng Võ chia sẻ.
Trong cuộc họp báo quý 2/2022 của UBND TP. Hà Nội mới đây, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch – Kiến trúc Phạm Quốc Tuyến cho rằng quy hoạch tại tuyến đường Lê Văn Lương đã được "thống nhất chủ trương". Tuy nhiên, lại không nói rõ lãnh đạo, đơn vị nào đã thống nhất chủ trương này.
Điều mà dư luận quan tâm là sau thanh tra, đơn vị nào, cá nhân nào sẽ phải chịu trách nhiệm cho những sai phạm đường Lê Văn Lương? Theo đó, các văn bản điều chỉnh quy hoạch có thể được các phó chủ tịch ký thay hoặc chủ tịch UBND TP.Hà Nội ký, nhưng về nguyên tắc, người đứng đầu phải quán xuyến, phải chịu trách nhiệm.
Điểm lại trong 15 năm qua, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội lần lượt là các ông Nguyễn Thế Thảo (2007 - 2015); Nguyễn Đức Chung (2015 - 2020). Đáng chú ý, trong kết luận thanh tra số 39 đã nêu, từ năm 2007 - 2015, có nhiều dự án, công trình được điều chỉnh từ đất đơn chức năng thành đa chức năng, nâng tầng, tăng mật độ, chất tải lên hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội sai quy định pháp luật. Đây là thời kỳ ông Nguyễn Thế Thảo giữ chức Chủ tịch UBND TP.Hà Nội. Trong khoảng thời gian này, Giám đốc Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội lần lượt là các ông Nguyễn Văn Hải, Nguyễn Thế Hùng. Còn Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội lần lượt là các ông Đỗ Xuân Anh, Nguyễn Thế Hùng, Lê Văn Dục.
Về những sai phạm đường Lê Văn Lương, nhiều chuyên gia cho rằng điều chỉnh quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng tùy tiện dẫn đến phá vỡ quy hoạch phát triển chung và để lại những hệ lụy lâu dài cho xã hội.
Chuyên gia giao thông Bùi Danh Liên cho rằng cần làm rõ trách nhiệm của những cơ quan, cá nhân tham gia thực hiện việc điều chỉnh này và nghiêm túc xử lý sai phạm theo các quy định pháp luật hiện hành, không có vùng cấm để tránh tái diễn.
"Lãnh đạo thành phố phải có giải pháp tháo gỡ, khắc phục, không thể để chủ đầu tư bán nhà lấy lãi xong bỏ mặc người dân, đi lại ùn tắc, khổ sở. Những sai phạm trong quy hoạch cần phải giải quyết, trong đó trách nhiệm thuộc về người đứng đầu", ông Liên chia sẻ.
GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên và môi trường cho rằng những vi phạm trong công tác quy hoạch là sai lầm nghiêm trọng và khó có thể khắc phục được. Do đó, việc xử lý vi phạm không thể dừng lại ở việc rút kinh nghiệm.
"Nếu chỉ hứa và rút kinh nghiệm thì sẽ không bao giờ rút kinh nghiệm. Trên nguyên tắc của xử phạt là ai gây ra lỗi lầm trong quản lý mà gây thiệt hại cho Nhà nước bao nhiêu thì phải bồi thường lại. Điều này đã quy định trong luật hiện hành", GS Đặng Hùng Võ chia sẻ.
Bên cạnh đó, một số kiến trúc sư cho rằng quy hoạch không phải thứ để có thể tùy tiện điều chỉnh, cơ quan lập quy hoạch phải có tầm nhìn chiến lược, bám vào sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương, của vùng và phải đặt lợi ích của quốc gia, đời sống của dân lên hàng đầu.
KTS Phạm Thanh Tùng, Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam nhận định một số nước phát triển, điều chỉnh quy hoạch là vấn đề hệ trọng nên cần cơ quan quản lý cấp trên thông qua, song hiện nay ở Việt Nam, việc điều chỉnh quy hoạch lại được tiến hành vội vã, dễ dàng, không tham vấn ý kiến của các chuyên gia cũng như người dân chịu tác động.
" Để không còn tình trạng tùy tiện điều chỉnh quy hoạch, trước khi điều chỉnh phải tham vấn cộng đồng bài bản. Sau đó, quy hoạch phải được công khai để cộng đồng, các tổ chức giám sát theo dõi", KTS Tùng chia sẻ thêm.
Chưa bao giờ câu chuyện quy hoạch lại trở nên nhức nhối và được dư luận quan tâm nhiều như hiện nay. Để xảy ra tình trạng phá vỡ quy hoạch đô thị đặc biệt là hai bên tuyến đường Lê Văn Lương - Tố Hữu, việc quy trách nhiệm cần phải đánh giá cả hệ thống chính sách, pháp luật… Hơn hết, phải xem xét cụ thể trách nhiệm từng cá nhân để đưa ra biện pháp xử lý hiệu quả.