Năm 1992, nghè Đồn đã được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng di tích quốc gia. Nghè Đồn nằm giữa trung tâm thôn Đồn trên một khuôn viên rộng rãi. Theo truyền ngôn, vị trí xây dựng ngôi nghè hiện nay là vùng đất có từ đầu công nguyên.
Sở dĩ có tên như vậy vì dưới thời Hai Bà Trưng, nơi đây là trận địa có nhiều đồn trấn; nơi mà đường bộ, đường thủy rất thuận lợi cho việc tiến lui của nghĩa quân ở vùng đông bắc của đất nước. Vào cuối thế kỷ XV, Nguyễn Thẩm Lộc đỗ Tiến sĩ khoa Đinh Mùi (1487) làm quan trong triều đã tách làng Đồn Bối thành hai thôn: Đồn và Bối. Thôn Đồn còn được gọi là thôn Đụn, thôn Bối còn được gọi là thôn Vối.
Sau nhiều trận chiến đấu oanh liệt, các ông đều anh dũng hy sinh. Hai Bà Trưng ban cho nhân dân thôn Đồn Bối 300 quan tiền để cúng tế và tặng phong cho 5 anh em hai chữ “Đại vương”. 5 vị võ ướng trong cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng đã trở thành thành hoàng Đồn Bối. Hằng năm từ ngày 10 - 15. 2, nhân dân hai làng lại tổ chức lễ hội tưởng nhớ công ơn các ngài.
Ngoài thờ thành hoàng Đào Công Dung, nghè Đồn còn phối thờ các vị tiến sĩ của làng đỗ dưới thời Lê.
Ngày 11.10.1940, Tỉnh ủy Hải Dương họp tại nghè Đồn đề ra chủ trương vận động nhân dân ủng hộ khởi nghĩa Bắc Sơn.
Một ngày sau, ngày 12.10.1940, tại địa điểm đống Mả sau nghè, đồng chí Nguyễn Mạnh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy lâm thời đã nói chuyện với nhân dân trong xã Nam Hồng và các xã phụ cận về tình hình cách mạng cả nước và phát động nhân dân ủng hộ khởi nghĩa Bắc Sơn. Từ đó, phong trào cách mạng của nhân dân ngày càng lên cao...
Nghè Đồn là địa điểm để cán bộ Việt Minh của huyện, tỉnh bắt mối liên lạc, cất giấu các tài liệu quan trọng của Đảng trong suốt thời kỳ kháng chiến.
Cách mạng Tháng 8 thành công, nghè trở thành nơi tập trung nhân dân mít tinh mừng đất nước. Đồng thời, đây cũng là địa điểm tuyên truyền mọi đường lối chính sách của Đảng và Chính phủ với nhân dân địa phương.
Ngày 19.12.1946, cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ, thôn Đồn đã có nhiều công trình tôn giáo, tín ngưỡng phải tiêu thổ, hủy hoại. Nhưng, nghè Đồn vẫn được bảo tồn để làm sở chỉ huy chống lại các cuộc càn quét của giặc. Trong những năm 1949-1951, ngôi nghè là địa điểm hội họp của huyện, xã để chỉ đạo phong trào kháng chiến của địa phương.
Năm 1953, bộ đội chủ lực và bộ đội địa phương đã giành được nhiều chiến công lớn ở huyện Nam Sách, gây ra cho địch nhiều tổn thất nặng nề. Nghè được chọn là nơi đặt trạm cứu thương của bộ đội chủ lực, nơi xây dựng trận địa của du kích và bộ đội địa phương để tổ chức bắn tỉa, uy hiếp quân giặc.
Kết hợp với hoạt động quân sự, nghè Đồn còn là điểm phục kích, bao vây kinh tế không cho thuyền chở lương thực, thực phẩm của địch qua sông cung cấp cho thị trấn Nam Sách.
Trong suốt cuộc kháng chiến chống Pháp, kẻ thù không một ngày nào đặt chân được lên đất Đồn Bối. Ngôi nghè là một hậu cứ quan trọng trong việc tiến hành kháng chiến trường kỳ của địa phương tại mặt trận đường 5.
Hòa bình lập lại, chính quyền và nhân dân địa phương đã bắt tay vào tu sửa tôn tạo di tích nhằm giáo dục truyền thống đánh giặc ngoại xâm cho các thế hệ trẻ.
Trải qua thời gian và chiến tranh, các hiện vật cổ của nghè cũng bị mất mát và hư hại nhiều, tại nghè hiện nay còn lưu giữ 1 tượng thờ thành hoàng, 1 cỗ ngai, bài vị, 1 bát hương và 1 hòm sắc.
Ngoài ra, còn có tấm bia đá cổ “Đồn thôn tiên hiền thụy hiệu tế tự bi ký”, niên hiệu tháng 10 mùa đông năm Đinh Tỵ, Lê triều Vĩnh Hựu 3 (1737). Bia đá cao 125 cm, rộng 67 cm, dầy 23 cm, khắc khoảng 500 chữ, có đặc điểm đỉnh chóp trái đào, mái trơn, chữ tên bia trong ô vuông. Nội dung văn bia ghi về các bậc đại khoa đỗ đạt hiển danh của làng Đồn Bối.
Ông Nguyễn Hữu Tuấn, Bí thư chi bộ, Trưởng thôn Đồn cho biết, tấm bia “Đồn thôn tiên hiền thụy hiệu tế tự bi ký” trước đây để ở hiên nghè. Sau đó, nhân dân địa phương đã di chuyển vào trong nội tự nghè, dựng tại gian hồi bên phải tòa tiền tế. Ngôi nghè và tấm bia cổ được người dân địa phương gìn giữ, xem như báu vật của làng.