Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Người xưa thường nói “địa linh nhân kiệt” là vùng đất linh thiêng, phát tích những bậc anh hùng hào kiệt lập nên những chiến công hiển hách.
Gò Công (tỉnh Tiền Giang) xưa là nơi phát sinh các dòng họ Phạm, họ Nguyễn, đều là ngoại thích các triều vua cận đại.
Ông Phạm Đăng Long kết hôn với bà Phan Thị Tánh sinh ra ông Phạm Đăng Hưng, sau này trở thành đại công thần của triều Nguyễn; là thân phụ của bà Phạm Thị Hằng (bà Từ Dụ), Hoàng phi của Vua Thiệu Trị, Hoàng mẫu của Vua Tự Đức.
Giồng Sơn Quy còn có nghĩa là gò rùa, là tổ quán của Đức Thái hậu Từ Dụ. Vào giữa thế kỷ thứ XVIII, ông Phạm Đăng Long theo cha vào vùng Gò Công hoang vu. Là người giỏi Nho học, tinh thông phong thủy, địa lý, ông đi nhiều nơi tìm thế đất tốt để định cư, mong con cháu sau này phát tích, hưng vượng.
Lúc ông Phạm Đăng Long đến gò rùa, thấy thế đất ở đây rất đẹp và có giếng nước ngọt, trong khi đó toàn vùng Gò Công giếng nước ngọt rất hiếm. Do đó, ông đã quy tập mồ mả 3 đời của gia tộc về đây và xây nhà ở gò đất này.
Gia đình Phạm Đăng Long có nguồn gốc từ kinh thành Thăng Long. Vào cuối thế kỷ thứ XVI, Tiến sĩ Phạm Đăng Khoa từ đất Thăng Long tránh loạn Trịnh Tùng theo chúa Nguyễn vào Ái Tử (Quảng Trị), rồi sau đó chuyển vào Phú Xuân (Huế) và mất tại đây, được tặng chức Trung Thuận đại phu Thiềm sự phủ Thiểu thiền sự.
Một người con trai của Phạm Đăng Khoa là Phạm Đăng Tiên học giỏi, giữ chức Huấn đạo phủ Tư Nghĩa, mất tại Quảng Ngãi, được tặng chức Hàn lâm viện Thị độc Học sĩ.
Con trai của Phạm Đăng Tiên là Phạm Đăng Dinh học rộng, giỏi về nghề thuốc. Khoảng giữa thế kỷ thứ XVIII, ông đem các con vào thôn Tân Niên Đông (thuộc TX. Gò Công ngày nay) lập nghiệp. Khi ông mất, vua truy tặng hàm danh dự Bình Thạnh Bá, lập mộ tại gò Sơn Quy.
Phạm Đăng Long là con trai thứ của Phạm Đăng Dinh, theo cha vào Gò Công. Vốn thông minh, học giỏi, ông mở trường dạy học tại huyện Tân Hòa, phủ Kiến An. Học trò gần xa nghe tiếng thầy hay đến học ngày một đông, gọi ông là “Kiến Hòa Tiên sinh” để tỏ lòng kính trọng tài năng, đức độ và công lao của ông. Ông chăm lo dạy học cho học trò và dạy dỗ con cháu trong gia đình chu đáo.
Đạo học của ông vừa uyên thâm vừa hoạt bát nên môn đệ của ông nhiều người nên danh, hiển đạt, như các ông: Võ Văn Lượng, Nguyễn Văn Hiếu, Mạc Văn Tô, Nguyễn Hoài Quỳnh…Công lớn hơn hết của Phạm Đăng Long là đã dạy dỗ người con của mình là Phạm Đăng Hưng đậu thủ khoa khóa Bính Thìn (năm 1796), được vào tham mưu chúa Nguyễn Ánh.
Sau khi lên ngôi vua, Nguyễn Ánh xưng hiệu Gia Long, Phạm Đăng Hưng trở thành đại thần của triều đình Huế. Đến năm 1813, Phạm Đăng Hưng được thăng chức Thượng thư Bộ Lễ và giữ chức này cho đến khi mất (năm 1825).
Tiếp nối truyền thống giáo dục của gia đình, bà Phạm Thị Hằng (bà Từ Dụ), con của Thượng thư Bộ Lễ Phạm Đăng Hưng, vợ của Vua Thiệu Trị, là người phụ nữ mẫu mực, là bậc hiển phụ nổi tiếng Việt Nam thời đó. Bà đã có nhiều công lao dạy dỗ con trai của mình là Hoàng tử Nguyễn Phúc Hồng Nhậm nên người. Khi Hoàng Thái tử Hồng Nhậm lên ngôi, là Vua Tự Đức, bà được phong “Từ Dụ Bác Huệ Khương - Thọ Thái Thái Hoàng Thái hậu”.
Theo gia phả dòng họ Phạm Đăng, Phạm Đăng Long được tặng chức Thư Thiện đại phu Thượng thư Bộ Lại, mất năm 1808, mộ được lập tại gò Sơn Quy (xã Long Hưng, TX. Gò Công ngày nay). Phạm Đăng Long là nhà giáo đức độ, học rộng, nhà sư phạm tài ba, vừa dạy dỗ con, cháu trong gia đình mình thành đạt, vừa giáo dục nhiều môn sinh thành danh, hiển đạt.
Phạm Đăng Hưng sinh năm 1764, tại giồng Sơn Quy, thôn Tân Niên Đông, huyện Kiến Hòa, tỉnh Định Tường (nay thuộc xã Long Thuận, TX Gò Công, tỉnh Tiền Giang), là thân phụ của bà Từ Dụ, thông gia Vua Minh Mạng, cha vợ Vua Thiệu Trị, ông ngoại Vua Tự Đức.
Được cha là nhà Nho Phạm Đăng Long hết lòng dạy dỗ, nên ông học rất giỏi, thi đỗ Tam trường năm 1796, được Nguyễn Ánh bổ dụng làm Lễ sinh ở phủ, sung Cống sĩ viện, rồi thăng Tham luận ở Vệ phấn võ.
Năm 1799, được làm Tham tri Bộ Lại. Năm 1813, giữ chức Thượng thư bộ Lễ. Năm 1815, được giao thêm việc quản lý Khâm thiên giám.
Năm 1817, ông Phạm Đăng Hưng đề nghị Vua Gia Long lập Xã thương ở các địa phương trong toàn quốc, được nhà vua chuẩn y. Theo đó, các kho dự trữ thóc gạo được thành lập ở nhiều nơi để cứu đói cho dân khi không may xảy ra thiên tai, mất mùa.
Năm 1819, Vua Gia Long bị bệnh nặng, ông vâng mệnh phụng thảo di chiếu và cùng với Lê Văn Duyệt thực hiện di chiếu, lập Hoàng tử Nguyễn Phúc Đảm lên ngôi, lấy hiệu Minh Mạng. Năm 1821, ông được sung làm Phó Tổng tài của Quốc sử quán, nhưng sau đó do bị gièm pha, ông bị giáng hai cấp. Đến năm 1824, ông được phục chức, làm Thượng thư bộ Lễ như trước.
Mùa hạ năm 1825, Vua Minh Mạng đi công cán tỉnh Quảng Nam, giao quyền cai quản kinh đô Huế cho ông. Cùng năm, ông bị bệnh, mất tại Huế, thọ 61 tuổi, linh cữu được đưa về an táng ở giồng Sơn Quy (Gò Công).
Ông được Vua Minh Mạng truy tặng hàm Vinh lộc đại phu, Trụ quốc hiệp biện Đại học sĩ, thụy là Trung Nhã. Năm 1849, ông được Vua Tự Đức truy thăng hàm Vinh lộc đại phu Thái bảo, Cần chánh điện đại học sĩ, tước Đức Quốc công và được thờ ở miếu Trung Hưng công thần, tên được ghi ở đền Hiền Lương. Lăng mộ của ông tọa lạc tại giồng Sơn Quy, xã Long Thuận, TX. Gò Công. Hiện nay, tại TP. Huế vẫn còn đền thờ ông.
Do gò rùa (Quy Nguyên) là quê ngoại của nhà vua, nên vua Tự Đức thay chữ Quy Nguyên thành Sơn Quy, tức gò rùa thành ra Núi Rùa, là một trong tứ linh (Long - Lân - Quy - Phụng), ý muốn nói nơi phát tích bên ngoại được vững bền như núi, càng vững bền thêm mãi.
Tại đây, Vua Thiệu Trị, rồi Vua Tự Đức cho xây dựng ngôi Từ đường thích lý (bên ngoại của nhà vua) và cấp ruộng đất để phục vụ việc thờ phụng. Giữa giồng Sơn Quy có khu lăng Hoàng Gia, là nơi có lăng mộ và đền thờ Đức Quốc công Phạm Đăng Hưng và một số ngôi mộ khác trong họ tộc Phạm Đăng.
Bên cạnh đó, giồng Sơn Quy có liên quan đến cuộc khởi nghĩa do Trương Định lãnh đạo. Tại đây, ông cho xây dựng một chiến lũy, gọi là lũy Sơn Quy, được đắp bằng đất, cao khoảng 1 m, nằm dọc theo rạch Sơn Quy. Ngoài ra, nghĩa quân còn đắp một chiến lũy nữa, gọi là lũy Dung Giang, nằm về phía Tây giồng Sơn Quy, gồm có nhiều đoạn, bắt đầu từ xóm Mới ở cuối giồng Sơn Quy chạy dọc theo rạch Gò Công, tạo thành hình vòng cung bảo vệ giồng Sơn Quy.
Tại ngã ba rạch Sơn Quy và rạch Gò Công là điểm xung yếu, nên lũy ở đoạn này được đắp kiên cố, dài 300 m, cao khoảng 2 m. Về phía bắc giồng Sơn Quy, tại ngã ba làng Tân Niên Trung (xã Tân Trung ngày nay) còn có một lũy khác, gần đồn chính có một gò đất cao, gọi là gò Thổ Sơn, được dùng làm nơi các tướng lĩnh nghĩa quân quan sát, chỉ huy trận địa.
Khi Trương Định khởi nghĩa chống Pháp, vợ thứ của ông là bà Trần Thị Sanh, là cháu gọi Quốc công bằng cậu, nên được phép sử dụng Từ đường Thích lý làm đại bản doanh cho quân khởi nghĩa.
Sau khi Trương Định tuẫn tiết ngày 20-8-1864, Nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu sáng tác 10 bài thơ điếu Trương Định, trong đó bài điếu thứ 7 có nhắc địa danh Gò Rùa: Mây giăng Truông Cóc, đường quan vắng/ Trăng xế Gò Rùa, tiếng đẩu tan.
Ngoài khu lăng mộ Đức Quốc công Phạm Đăng Hưng và khu nhà thờ, còn có một giếng nước nằm ngay bên trong khuôn viên. Đến nay vẫn chưa ai xác định chính xác giếng nước này được đào từ năm nào, chỉ biết rằng nó được cho là báo hiệu của một điềm lành, gắn liền với dòng họ hoàng tộc danh tiếng Phạm Đăng.
Có điều lạ là, đến mùa khô, các giếng khác, kể cả ao làng sâu đều cạn hết, riêng giếng này không sâu nhưng nước lúc nào cũng có. Điều lạ nữa là, khi Hoàng Thái hậu Từ Dụ được sinh ra, nước ở giếng này càng ngọt hơn.
Cho nên cụ Nguyễn Liên Phong, trong cuốn sách cổ “Từ Dụ - Hoàng Thái hậu truyện” (in năm 1913) có viết 2 câu thơ: Lệ thủy trình tường tội/ Quy khâu vun phước cơ (có người nói là Lệ thủy trình tường ngoại / Quy khâu trúc phước cơ), nghĩa là: Nước ngọt trổ điềm lành / Gò Rùa vun đất phước), cũng có nghĩa là đất địa linh sinh ra anh hùng hào kiệt.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.