Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tỷ giá USD/VND tham khảo tại Sở giao dịch NHNN chốt tuần ở 23.400 đồng/USD (bán ra). So với phiên giao dịch cuối cùng của năm 2021, tỷ giá USD/VND tham khảo tại Sở giao dịch NHNN tăng khoảng 1%.
Trong khi đó, tỷ giá trên thị trường liên ngân hàng đã tăng 2,82% và tỷ giá niêm yết cũng ghi nhận mức tăng giá mạnh nhất trong vòng 4 năm trở lại đây.
Theo đánh giá của giới phân tích, mức tăng này không quá đột biến, thậm chí nếu so với mức biến động 5 -10% của nhiều đồng tiền trên thế giới, VND vẫn đang là một trong những đồng tiền ổn định nhất.
Tuy nhiên, trong những tháng cuối năm áp lực đối với tiền đồng ngày càng lớn khi các nền kinh tế lớn như Mỹ và EU đã phát đi thông điệp thắt chặt tiền tệ mạnh tay.
Đặc biệt là việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đang hướng về một đợt tăng lãi suất mới cao nhất trong khoảng ba mươi năm qua.
Cụ thể, trong biên bản cuộc họp tháng 6 công bố mới đây, Fed dự báo dự báo lạm phát của Mỹ sẽ tăng 5,0% trong năm 2022, sau đó sẽ giảm tốc còn 2,4% vào năm 2023 và 2,0% năm 2024.
Do đó, FOMC quyết định tăng lãi suất 5 điểm cơ bản, lên 1,50 – 1,75% trong tháng 6 và thảo luận việc lựa chọn tăng 50 điểm hay 75 điểm trong cuộc họp tiếp theo ngày 26-27/07.
Trên thực tế, theo thống kê từ CME Group, tại thời điểm 11/7, 93% thị trường đã đặt cược việc Fed tăng lãi suất 75 điểm trong kỳ họp tháng 7 và thậm chí có 7% đặt cược cho việc Fed sẽ tăng 100 điểm cơ bản trong kỳ họp này.
Đáng chú ý, điểm mấu chốt cho góc nhìn chính sách tiền tệ của Fed trong giai đoạn cuối 2022 và năm 2023 nhiều khả năng là cuộc họp tháng 9, khi những thông tin về tăng trưởng kinh tế cùng thị trường lao động của Mỹ sẽ phản ánh rõ nét về áp lực lạm phát.
Những diễn biến bất lợi từ bên ngoài khiến áp lực tỷ giá tăng lên. Dù vậy, theo đánh giá của TS. Trương Văn Phước - nguyên Quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, Việt Nam vẫn có nhiều lợi thế "kìm hãm" tốc độ mất giá của tiền đồng so với đồng bạc xanh.
Chẳng hạn như lạm phát của Việt Nam ổn định hơn so với Mỹ; lãi suất cao hơn Mỹ, và hơn nữa Việt Nam đang có dự trữ ngoại hối tương đối cao - khoảng 14-15 tuần nhập khẩu.
Cùng với đó, GDP tăng trưởng khá, 6 tháng đầu năm đã đạt 6,42%, dự kiến cả năm sẽ đạt 7%-7,5%.
Ngoài ra, Việt Nam còn có lợi thế đó là tình hình chính trị, xã hội ổn định, phục hồi sau đại dịch rất tốt cùng với Nghị quyết 43 của Quốc hội và Nghị quyết 11 của Chính phủ với các gói phục hồi kinh tế, Việt Nam vẫn là nơi có thể thu hút được dòng vốn bên ngoài, bao gồm cả vốn đầu tư trực tiếp và gián tiếp.
Đó là các nhân tố căn bản làm cho cán cân thanh toán của Việt Nam được củng cố, thặng dư, nhờ đó tăng cường dự trữ ngoại hối và có thể có những can thiệp kịp thời - theo TS. Phước.
Tuy nhiên, theo ước tính của ông Phước, VND vẫn có thể "thất thủ" khoảng 3 - 4% so với USD trong năm 2022 - con số này cao hơn nhiều so với các con số dự báo được chuyên gia và các tổ chức đưa ra trước đó ( tỷ giá chỉ biến động khoảng 2% - 2,5%).
TS Lê Xuân Nghĩa – Chuyên gia kinh tế thì cho rằng, mục tiêu quan trọng hiện nay của Việt Nam là kiềm chế lạm phát. Trong khi đó, lạm phát của Việt Nam hiện nay lại là lạm phát nhập khẩu. Do đó, việc ổn định tỷ giá để kiểm soát lạm phát chi phí đẩy là cần thiết. "Nếu chúng ta đẩy tỷ giá tăng 5-6% thì lạm phát sẽ bị đẩy lên rất khủng khiếp", ông Nghĩa quan ngại.
Liên quan đến điều hành tỷ giá, tại Hội nghị Sơ kết hoạt động 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022 vừa tổ chức cuối tuần qua, NHNN đã đưa ra thông điệp "cứng rắn" trong điều hành tỷ giá.
Cụ thể, định trong 6 tháng cuối năm, xác định bối cảnh thế giới, trong nước có nhiều thách thức, ông Phạm Chí Quang, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) cho biết, NHNN sẽ theo dõi sát diễn biến thị trường trong và ngoài nước để điều hành tỷ giá biến động linh hoạt, phù hợp với điều kiện thị trường thông qua việc phối hợp đồng bộ các biện pháp và công cụ chính sách tiền tệ.
Với dự trữ ngoại hối được tích lũy nhiều năm qua, NHNN khẳng định đủ tiềm lực sẵn sàng can thiệp thị trường khi cần thiết để bình ổn thị trường và tỷ giá, góp phần kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô đồng thời hỗ trợ thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội.
Ngoài ra, nhà quản lý cũng cam kết sẽ theo dõi sát diễn biến tiền tệ trong nước, quốc tế; theo dõi lạm phát và lãi suất thị trường để linh hoạt và kịp thời điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến cân đối vĩ mô, lạm phát và mục tiêu chính sách tiền tệ. Đồng thời, khuyến khích các tổ chức tín dụng tiếp tục tiết giảm chi phí hoạt động để ổn định, phấn đấu giảm lãi suất cho vay.