Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, hết 6 tháng đầu năm, Việt Nam xuất sang Mỹ đạt kim ngạch hơn 56,6 tỷ USD, nhập khẩu đạt 7,5 tỷ USD, thặng dư thương mại trên 49 tỷ USD, hơn tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt - Hàn, đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam.
Thặng dư thương mại hàng hoá Việt Nam và Mỹ ngày một lớn có lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam. Trong giỏ hàng hoá xuất khẩu tỷ USD 6 tháng qua, nổi lên 7 ngành xuất khẩu trên 1 tỷ USD vào Mỹ, lớn nhất là các loại máy móc, thiết bị, phụ tùng với trên 9,5 tỷ USD, đứng thứ 2 là dệt may với trên 9,3 tỷ USD, điện tử và linh kiện đứng thứ 3, điện thoại và linh kiện đứng thứ 4 với 6,6 tỷ USD, giày dép đứng thứ 5 với 5 tỷ USD, gỗ và sản phẩm từ gỗ đứng thứ 6 với 4,8 tỷ USD và thuỷ sản với kim ngạch 1,3 tỷ USD.
Bình quân 7 loại hàng hoá kể trên đã đạt kim ngạch xuất khẩu trên 43 tỷ USD, chiếm gần 80% kim ngạch xuất khẩu của hàng Việt Nam vào Mỹ.
Theo chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu, việc tăng giá đồng USD do các vấn đề về lạm phát, điều tiết dòng tiền của FED, điều này ảnh hưởng đến thương mại toàn cầu và đặc biệt các đối tác lớn của Mỹ. Những đối tác xuất khẩu sẽ hưởng lợi. Tuy nhiên, ông này cũng cho rằng, việc tăng giá USD cũng gián tiếp gây tác động xấu đến kinh tế toàn cầu, khiến nhiều đồng tiền khác phá giá và đó là mối nguy hại tiềm tàng.
"Hiện nay, Yen Nhật đang mất giá kỷ lục so với 24 năm qua, rất may là Việt Nam có cân cân thương mại cân bằng với nước này. Tuy nhiên về lâu dài, việc đồng Yen của Nhật mất giá mạnh so với USD cũng ảnh hưởng đến các doanh nghiệp nhập khẩu của Việt nam. Bên cạnh đó, việc đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc cũng phá giá khá mạnh khoảng 4,2% so với đồng USD từ tháng 4/2022 cũng ảnh hưởng về lâu dài đến khả năng nhập siêu của Việt Nam từ thị trường Trung Quốc", vị chuyên gia tài chính cho hay.
Theo TS Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính ngân hàng, việc đồng USD tăng giá có thể giúp doanh nghiệp xuất khẩu hưởng lợi song trong bối cảnh nhiều nước đang hạ giá đồng tiền của họ như Hàn Quốc, Nhật, Trung Quốc, Thái Lan… việc đồng tiền Việt Nam neo giá cao có thể thiếu sức cạnh tranh vào Mỹ hoặc các thị trường khác.
Bên cạnh đó, vấn đề thao túng, phá giá đồng tiền cũng có thể bị Mỹ suy xét ở các nước có thặng dư thương mại lớn vào nước này, trong đó có Việt Nam. Chính vì vậy, rất cần chính sách điều hành tỷ giá linh hoạt nhằm cân bằng lợi ích và tránh những cú sốc do độ mở nền kinh tế đang rất lớn.
Về lợi ích của tăng giá đồng USD, theo chuyên gia từ Fulbright, tác động trước mắt là lợi thế xuất khẩu của hàng Việt, tuy nhiên về lâu dài, việc đồng USD tăng giá, kéo theo sự mất giá của nhiều đồng tiền khác như Yên Nhật cũng khiến các nước đang phát triển, dựa vào vốn đầu tư nước ngoài chịu ảnh hưởng rất lớn.
Hiện nay, các nền kinh tế châu Á đối diện với nguy cơ lạm phát, tăng lãi suất để chống chọi với tác động của đồng USD. Bên cạnh đó, việc các nền kinh tế có hệ số nợ cao bằng đồng USD từ các định chế tài chính song và đa phương khác cũng chịu cú sốc lớn, việc trả nợ cao, trong khi vốn đầu tư đình trệ cũng gây hệ luỵ cho các nền kinh tế châu Á.
Theo bảng niêm yết tỷ giá hối đoái của các ngân hàng thương mại, hiện tỷ giá USD/VND trên thị trường liên ngân hàng cũng đã chạm mức 23.400 đồng/USD, tỷ giá bán tham khảo tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước. Tính từ đầu năm đến nay, tỷ giá liên ngân hàng đã tăng vọt trên 2,85%.
Tỷ giá USD trên thị trường tự do hiện ở mức khá cao, bứt tốc mạnh hơn trong thời gian gần đây và chính thức vọt lên mốc 24.700 đồng/USD trong phiên giao dịch hôm qua (18/7).
Đầu giờ sáng nay (19/7), tỷ giá tự do vẫn đang được niêm yết phổ biến quanh mức 24.330 đồng/USD (mua vào) và 24.530 đồng/USD (bán ra).
Theo các chuyên gia, trước mắt, việc USD tăng giá có thể hình thành xu hướng găm giữ trong dân, tăng cường lợi ích xuất khẩu, song đối với nền kinh tế phụ thuộc vào đầu tư nước ngoài, xuất nhập khẩu và quan hệ đa phương, các tác động liên đới của kinh tế toàn cầu có thể để lại nhiều hệ quả trong trung và dài hạn.