Dân Việt

Tổng thống Putin củng cố mối quan hệ với Iran sau đàm phán tại Tehran

Lê Phương (Reuters) 20/07/2022 07:57 GMT+7
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có cuộc hội đàm với Lãnh tụ tối cao Ayatollah Ali Khamenei tại Iran hôm 19/7, đây là chuyến công du đầu tiên của nhà lãnh đạo Điện Kremlin bên ngoài Liên Xô cũ kể từ khi Nga bắt đầu triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào ngày 24/2.
Tổng thống Putin củng cố mối quan hệ với Iran sau đàm phán tại Tehran - Ảnh 1.

Tổng thống Nga Vladimir Putin tham dự một cuộc họp báo sau hội nghị thượng đỉnh về Tiến trình Astana ở Tehran, Iran ngày 19 tháng 7 năm 2022. Ảnh: Reuters

Tại Tehran, ông Putin cũng tổ chức cuộc gặp trực tiếp đầu tiên kể từ khi chiến sự bắt đầu với một nhà lãnh đạo NATO, đó là Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan, để thảo luận về một thỏa thuận nối lại hoạt động xuất khẩu ngũ cốc Ukraine ở Biển Đen cũng như cuộc xung đột ở miền bắc Syria.

Chuyến đi của ông Putin diễn ra chỉ vài ngày sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden thăm Israel và Ả Rập Xê-út. Động thái của nhà lãnh đạo Nga gửi một thông điệp mạnh mẽ rằng Moscow sẽ tăng cường quan hệ chiến lược chặt chẽ hơn với Iran, Trung Quốc và Ấn Độ trong bối cảnh đối mặt với các lệnh trừng phạt từ phương Tây.

Khamenei kêu gọi hợp tác lâu dài giữa Iran và Nga, ông nói với Tổng thống Putin rằng hai nước cần cảnh giác trước "thái độ của phương Tây", kênh truyền hình nhà nước Iran đưa tin. Ông lưu ý thêm rằng Tổng thống Putin đã đảm bảo Nga sẽ "duy trì sự độc lập" với Mỹ và các nước nên bắt đầu sử dụng đồng tiền quốc gia của mình khi giao dịch.

Bất chấp những thiệt hại mà người dân phải chịu đựng trong chiến sự, Khamenei nói rằng Moscow có rất ít lựa chọn thay thế ở Ukraine. "Nếu Nga không chủ động, phương Tây sẽ tự mình gây ra một cuộc chiến", ông nói với ông Putin.

Các lệnh trừng phạt

Iran cũng đang đối mặt với các lệnh trừng phạt kinh tế của phương Tây và có những xích mích với Mỹ về chương trình hạt nhân cùng một loạt các vấn đề khác, vì vậy chuyến thăm của ông Putin được đánh giá là rất đúng lúc.

Các nhà lãnh đạo của Cộng hòa Hồi giáo muốn tăng cường quan hệ chiến lược với Nga chống lại một khối Ả Rập-Israel vùng Vịnh mới nổi, được Mỹ hậu thuẫn có thể khiến cán cân quyền lực Trung Đông xa rời Iran hơn.

Bị thúc đẩy bởi giá dầu cao kể từ sau cuộc chiến Ukraine, Iran đang đánh cược rằng với sự hỗ trợ của Nga, Iran có thể gây áp lực buộc Washington phải nhượng bộ để khôi phục thỏa thuận hạt nhân năm 2015 với các cường quốc trên thế giới.

Tuy nhiên, việc Nga nghiêng về Bắc Kinh đã làm giảm đáng kể xuất khẩu dầu thô của Iran sang Trung Quốc - nguồn thu nhập chính của Tehran kể từ khi cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump áp dụng lại các lệnh trừng phạt vào năm 2018.

Hồi tháng 5, Reuters đưa tin xuất khẩu dầu thô của Iran sang Trung Quốc đã giảm mạnh do Bắc Kinh ưu ái nhập dầu của Nga, khiến gần 40 triệu thùng dầu của Iran phải lưu trữ trên các tàu chở dầu trên biển châu Á và đang tìm kiếm người mua.

Trước khi Tổng thống Putin đến, Công ty Dầu khí Quốc gia Iran (NIOC) và nhà sản xuất khí đốt Nga Gazprom (GAZP.MM) đã ký một biên bản ghi nhớ trị giá khoảng 40 tỷ USD. 

Tình hình Syria, Ukraine

Ông Putin, ông Erdogan và Tổng thống Iran Ebrahim Raisi cũng cân nhắc nỗ lực giảm thiểu bạo lực ở Syria, nơi Thổ Nhĩ Kỳ đe dọa sẽ tiến hành nhiều hoạt động quân sự hơn để mở rộng các "vùng an toàn" sâu 30 km dọc theo biên giới. Moscow và Tehran phản đối bất kỳ hành động nào như vậy của Thổ Nhĩ Kỳ.

"Duy trì sự toàn vẹn lãnh thổ của Syria là rất quan trọng và bất kỳ cuộc tấn công quân sự nào ở miền bắc Syria chắc chắn sẽ gây tổn hại cho Thổ Nhĩ Kỳ, Syria cũng như toàn bộ khu vực, đồng thời tạo lợi thế cho những kẻ khủng bố", ông Khamenei nói với ông Erdogan trước cuộc họp ba bên.

Nga và Iran là những người ủng hộ mạnh mẽ nhất của Tổng thống Syria Bashar al-Assad, trong khi Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ lực lượng nổi dậy chống Assad.

Phát biểu kết thúc cuộc hội đàm, ông Putin cho biết ba tổng thống nhất trí tiếp tục tham vấn về vấn đề Syria và cam kết duy trì nỗ lực "bình thường hóa" tình hình tại đây sau một thập kỷ xung đột.

Nga, Ukraine, Thổ Nhĩ Kỳ và Liên Hợp Quốc dự kiến sẽ ký một thỏa thuận vào cuối tuần này nhằm nối lại việc vận chuyển ngũ cốc từ Ukraine qua Biển Đen. 

"Với sự hòa giải của các bạn, chúng tôi đã tiến lên phía trước", ông Putin nói với Erdogan sau cuộc gặp song phương. "Không phải tất cả các vấn đề đều được giải quyết, nhưng tình hình đang trở nên khả quan hơn".