Đi lên từ hai bàn tay trắng, sau khi trừ các chi phí, gia đình nông dân Nguyễn Thị Thanh Thảo có thu nhập tiền tỷ mỗi năm sau quá trình lao động vất vả.
Trong những năm qua, chị Thảo đã được ghi nhận và được tặng nhiều giấy khen, bằng khen của chính quyền các cấp. Năm 2022, chị Thảo vinh dự được bình chọn là 1 trong 100 gương mặt nông dân của cả nước nhận danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc.
Nữ tỷ phú trồng sầu riêng ở Đắk Lắk là Nông dân Việt Nam xuất sắc 2022
Xuất thân từ một gia đình thuần nông có hoàn cảnh khó khăn, chị Thảo đã phải nghỉ học từ rất sớm để phụ giúp gia đình.
Kết hôn năm 2008, hai vợ chồng chị Thảo phải bươn chải, lo toan với cơm áo gạo tiền khi vợ chồng hai bàn tay trắng và 2 đứa con lần lượt chào đời. Khi ấy, vợ chồng chị Thảo phải gồng gánh nuôi dạy 2 đứa con ăn học, kinh tế gia đình lâm cảnh kiệt quệ, khốn khó.
Cái khó ló cái khôn, sau nhiều đêm trằn trọc suy nghĩ về cuộc đời, người phụ nữ này quyết tâm làm giàu. Với những đồng vốn tích góp được, năm 2009, gia đình chị Thảo đã mạnh dạn đầu tư trồng 1ha cây sầu riêng.
Vốn là người năng động, thời gian rảnh rỗi chị Thảo chạy chiếc xe máy "cà tàng" đi khắp nơi mọi chốn để mua từng quả sầu riêng, hạt cà phê.. và bất cứ thứ gì có thể mua đi bán lại để kiếm lời.
"Khi ấy vợ chồng tôi hai bàn tay trắng, phải gồng gánh nuôi con và lo cơm áo gạo tiền. Tôi phải chạy chiếc xe máy cà tàng đi khắp nơi để mua từng quả sầu riêng, hạt cà phê.. và bất cứ thứ gì có thể mua đi bán lại để kiếm lời", chị Thảo ứa nước mắt nhớ lại thời gian vất vả.
Thời gian về sau, gia đình chị Thảo đã tăng dần diện tích trồng sầu riêng từ 1ha lên 2ha, rồi 5ha.. Đến nay, với 4ha cho trái, mỗi năm chị Thảo thu được từ 70 – 100 tấn quả sầu riêng. Bên cạnh đó, với những kinh nghiệm "buôn thúng bán nia" có được và nhận thấy ở địa phương người dân trồng nhiều sầu riêng, chị Thảo đã mạnh dạn mở đại lý để thu mua sầu riêng.
Năm 2021, gia đình chị Thảo đã xây dựng cơ sở kinh doanh khang trang với diện tích 600 m2 để làm nơi thu mua sầu riêng. Chị Thảo cũng đã đi thăm quan, học hỏi các mô hình và mạnh dạn đầu tư xây dựng 2 kho cấp đông để chế biến và bảo quản sầu riêng đông lạnh.
Từ mô hình trồng sầu riêng và kinh doanh hiệu quả, và nhận thấy sầu riêng là sản phẩm có tiềm năng xuất khẩu lớn. Để đảm bảo nguồn cung lớn cho thị trường và tạo sự gắn kết giữa những hộ trồng sầu riêng, chị Thảo đã vận động các hộ dân ở địa phương và thành lập Tổ hợp tác sầu riêng Phước Lợi do chính chị Thảo làm tổ trưởng.
Tổ hợp tác có 15 thành viên liên kết với nhau, hỗ trợ các thành viên kỹ thuật sản xuất theo đúng quy trình tiêu chuẩn Vietgap, đảm bảo nguồn sầu đạt chất lượng tốt nhất, cung cấp số lượng lớn ra thị trường tiêu thụ. Đến nay, mỗi năm Tổ hợp tác sầu riêng Phước Lợi xuất ra thị trường 500 – 600 tấn sầu riêng. Nhờ đó, các thành viên trong Tổ đều có thu nhập tốt, hiệu quả kinh tế cao.
Điều đặc biệt, "sự nghiệp" trồng và kinh doanh sầu riêng của chị Thảo đã tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 6 lao động địa phương với mức thu nhập bình quân từ 6 – 7 triệu đồng, vào vụ chính sầu riêng, số lượng lao động địa phương làm việc cho chị Thảo lên đến 30 – 40 người.
Trao đổi với PV Dân Việt, chị Thảo cho biết, chị và bà con trồng sầu riêng ở địa phương rất phấn khởi khi sầu riêng được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường lớn như Trung Quốc.
"Là Tổ trưởng của Tổ hợp tác, tôi đã tuyên truyền, vận động các thành viên và người dân trồng sầu riêng thực hiện trồng, chăm sóc sầu riêng đúng quy trình để đáp ứng các tiêu chuẩn chặt chẽ mà thị trường Trung Quốc đề ra", chị Thảo cho biết.
Đi lên từ hai bàn tay trắng, sau khi trừ các chi phí, gia đình nông dân Nguyễn Thị Thanh Thảo có thu nhập tiền tỷ mỗi năm sau quá trình lao động vất vả. Trong những năm qua, chị Thảo đã được ghi nhận và được tặng nhiều giấy khen, bằng khen của chính quyền các cấp.
Và đợt này, chị Thảo vinh dự được bình chọn là 1 trong 100 gương mặt nông dân của cả nước nhận danh hiệu "Nông dân Việt Nam xuất sắc 2022".