Những người biểu tình đổ xuống đường phố ở thủ đô của Sri Lanka và nói rằng họ sẽ tiếp tục cuộc nổi dậy kéo dài nhiều tuần sau khi quốc hội bỏ phiếu bầu nhà lãnh đạo Ranil Wickremesinghe làm tổng thống mới của đất nước.
Hàng trăm người đã tụ tập tại địa điểm GotaGoGama ở Colombo vào hôm 20/7, nơi tuần trước họ đã tổ chức lễ từ chức tổng thống của ông Gotabaya Rajapaksa.
Trước đám đông, các nhà lãnh đạo cuộc biểu tình đã từ chối chấp nhận ông Wickremesinghe, 73 tuổi, làm tổng thống mới, đồng thời nhấn mạnh rằng ông phải chịu một phần trách nhiệm về cuộc khủng hoảng kinh tế và chính trị chưa từng có của đất nước.
"Như các bạn đã biết, hôm nay quốc hội đã bầu ra một tổng thống mới, nhưng tổng thống đó không được sự ủng hộ của nhân dân", Wasantha Mudalige, lãnh đạo của Liên đoàn Sinh viên Đại học Inter, nói với đám đông.
"Chúng tôi đã loại bỏ Gotabaya Rajapaksa, người đã giành được 6,9 triệu phiếu bầu, nhưng Ranil Wickremesinghe hiện đã giành được chiếc ghế đó", ông nói thêm. "Wickremesinghe không phải là tổng thống của chúng tôi".
Những người biểu tình cũng cáo buộc ông Wickremesinghe trước đây đã thực hiện các thỏa thuận với gia đình Rajapaksa để qua mặt các đối thủ chính trị. Việc Gotabaya Rajapaksa bổ nhiệm Wickremesinghe làm thủ tướng vào tháng 5 và sau đó làm quyền tổng thống vào tháng 7 càng khiến đám đông tức giận.
Những người biểu tình đã đốt nhà riêng của Wickremesinghe và chiếm văn phòng của ông trong các cuộc biểu tình vào tuần trước.
Tại các cuộc biểu tình hôm 20/7, rất nhiều người - bao gồm các tu sĩ Phật giáo, giáo sĩ Công giáo, sinh viên và nghệ sĩ - đã từ chối tán thành sự lựa chọn của quốc hội.
"Ranil Wickremesinghe nên biết rằng hàng triệu người trên đường phố không chấp nhận kết quả này", nghệ sĩ Jagath Manuwarna nói, nhắc đến 134 nhà lập pháp đã bỏ phiếu cho Wickremesinghe.
Tiếng pháo ăn mừng đã vang lên ở khắp nơi trên đất nước vào tuần trước khi người dân Sri Lanka nghe tin Rajapaksa từ chức. Tuy nhiên khi Wickremesinghe được bầu làm tổng thống, chỉ có vài chục người ủng hộ ông ăn mừng trên đường phố.
Suốt nhiều tuần qua, người dân Sri Lanka liên tục biểu tình phản đối trong bối cảnh kinh tế khủng hoảng chưa từng có đã đưa đất nước đến bờ vực phá sản và ngày càng không có khả năng chi trả cho thực phẩm, nhiên liệu, thuốc men.