Dân Việt

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Không để chạy chọt, thay đổi quy hoạch

Thành An 21/07/2022 13:53 GMT+7
"Không thể giao cho đối tác này không làm được, đối tác khác đến lại chạy chọt, thay đổi quy hoạch", Thủ tướng nói và lưu ý vấn đề này đang xảy ra tại nhiều nơi.

Từ đất đai tạo ra công ăn việc làm chứ không ưu tiên phát triển bất động sản

Tại Hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt các nghị quyết Hội nghị T.Ư 5 khóa XIII, sáng 21/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã trình chuyên đề giới thiệu về "Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao" (Nghị quyết 18-NQ/TW, ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương).

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Không để chạy chọt, thay đổi quy hoạch - Ảnh 1.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính giới thiệu chuyên đề tại Hội nghị. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, đất đai là vấn đề hệ trọng, hết sức phức tạp, nhạy cảm, đặc biệt quan trọng, hệ trọng đối với sự ổn định và phát triển bền vững đất nước. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần nhắc lại câu nói: "Lao động là cha, đất đai là mẹ của của cải vật chất". Giải quyết tốt chính sách đất đai sẽ thúc đẩy giải phóng sức lao động, các nguồn lực cho phát triển đất nước.

Theo Thủ tướng, tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 19-NQ/TW, khóa XI về "tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai đất đai…", Bộ Chính trị đã chỉ rõ 8 kết quả đạt được nhưng có tới 11 "cái chưa được".

Cụ thể, có những vấn đề đáng quan tâm như vấn đề quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và các quy hoạch có sử dụng đất chưa bảo đảm tính tổng thể, thống nhất và đồng bộ.

Việc giao đất, cho thuê đất ở một số nơi còn nhiều bất cập, sai phạm. Việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thu hồi đất ở một số địa phương thực hiện còn chậm, chưa đúng Nghị quyết và các quy định của pháp luật, làm ảnh hưởng đến quyền lợi, đời sống sinh kế của người có đất bị thu hồi, gây thất thu ngân sách.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Không để chạy chọt, thay đổi quy hoạch - Ảnh 2.

Hội nghị được tổ chức bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Bên cạnh đó, chính sách tài chính trong lĩnh vực đất đai chưa thực sự khuyến khích sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả, bền vững. Đồng thời, chưa hạn chế được tình trạng lãng phí và vi phạm pháp luật về đất đai; cơ cấu nguồn thu từ đất chưa bền vững...

"Đất đai là một hằng số, mình sử dụng thế nào cho hiệu quả, dân số ngày càng đông", Thủ tướng nói và chỉ rõ ở nhiều địa phương chỗ nào đẹp thì đưa vào làm bất động sản là chưa phù hợp.

"Đáng lý chỗ nào phát triển tốt đưa vào sản xuất kinh doanh tạo công ăn việc làm, có người làm, đến ở, có người mua nhà thì mới phát triển bất động sản, phát triển đô thị. Chọn chỗ nào đẹp nhất phát triển bất động sản thì không phát triển được. Doanh nghiệp, địa phương đều gặp khó khăn", Thủ tướng nói, đồng thời nhấn mạnh: Quan điểm trước hết phải từ đất đai tạo ra công ăn việc làm chứ không ưu tiên phát triển bất động sản.

Thủ tướng cũng nêu rõ việc hài hòa lợi ích giữa người dân, doanh nghiệp và Nhà nước chưa hài hòa, xử lý chưa tốt, nhất là trong thu hồi, bồi thường đất.

"Điều này là đương nhiên vì đây là quá trình chuyển đổi, ta chưa có nhiều kinh nghiệm và đây vấn đề phức tạp. Đất đai là vấn đề của quá khứ, hiện tại, và cả tương lai, không phải ngày một ngày hai làm cho đầy đủ được", Thủ tướng nói.

Ngoài ra, Thủ tướng cũng cho biết thị trường bất động sản, trong đó có thị trường quyền sử dụng đất phát triển chưa ổn định, minh bạch, bền vững, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Các phương pháp định giá, đấu giá quyền sử dụng đất còn bất cập, chưa phù hợp với thực tế. Giá đất được xác định thường thấp hơn nhiều so với giá đất trên thị trường.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Không để chạy chọt, thay đổi quy hoạch - Ảnh 4.

Thay đổi quy hoạch là đã tạo ra sơ hở

Thủ tướng cũng cho biết, Nghị quyết 18 cũng đã chỉ rõ 6 nguyên nhân dẫn đến những hạn chế nói trên. Trong đó, Thủ tướng nhấn mạnh, nguyên nhân chưa có sự thống nhất cao về nhận thức đối với một số vấn đề liên quan đến quản lý và sử dụng đất trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nhất là về tầm quan trọng và ý nghĩa của sở hữu toàn dân về đất đai do Nhà nước là đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý.

Theo Thủ tướng, vừa qua vấn đề này chưa rõ lắm nên có nơi vận dụng thế này, vận dụng thế khác, có nhiều nơi chưa hoàn chỉnh. Bên cạnh đó, việc phân cấp, phân quyền quản lý, sử dụng đất chưa hợp lý, chưa đi đôi với kiểm tra, giám sát, kiểm soát.

"Quy hoạch là một vấn đề. Anh thay đổi quy hoạch là tạo ra sơ hở. Quy hoạch 5 năm, 10 năm, thậm chí 100 năm nhưng anh thay đổi liên tục. Anh làm không nghiêm dẫn đến những việc như vậy", Thủ tướng nói rõ.

Trong phần nhiệm vụ, giải pháp, liên quan tới vấn đề quy hoạch, Thủ tướng cũng nhấn mạnh, quy hoạch sử dụng đất và các quy hoạch ngành, lĩnh vực có sử dụng đất phải bảo đảm phù hợp, thống nhất, đồng bộ, gắn kết chặt chẽ, thúc đẩy lẫn nhau để phát triển.

"Không thể giao cho đối tác này không làm được, đối tác khác đến lại chạy chọt, thay đổi quy hoạch", Thủ tướng nói và lưu ý vấn đề này đang xảy ra tại nhiều nơi.

Thu hồi đất phải tuân thủ Hiến pháp và pháp luật

Tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng cho biết, khiếu kiện liên quan đến đất đai trong giai đoạn 2014-2020 thường chiếm từ 60-70% số lượng vụ việc hành chính; trong đó 60-70% là liên quan đến bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; việc chậm giải phóng mặt bằng khiến nhiều dự án lớn chậm tiến độ, đội vốn...

Đây là vấn đề rất lớn đặt ra cần giải quyết trong đổi mới chính sách pháp luật đất đai. Vì thế, nghị quyết lần này đã đề ra 5 nhóm giải pháp chính sách lớn, trong đó nhấn mạnh việc thu hồi đất phải tuân thủ Hiến pháp và pháp luật. Việc thu hồi đất chỉ được thực hiện sau khi phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được phê duyệt.

"Điểm mới đột phá của nghị quyết lần này là bỏ khung giá đất, đồng thời yêu cầu có cơ chế, phương pháp xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường, quy định chức năng, nhiệm vụ và trách nhiệm của cơ quan có nhiệm vụ xác định giá đất. Trung ương xây dựng tiêu chí và quy trình kiểm tra, giám sát các địa phương trong việc xây dựng bảng giá đất. HĐND cấp tỉnh quyết định, kiểm tra, giám sát việc thực hiện giá đất", Thủ tướng thông tin và cho biết, Nghị quyết cũng yêu cầu hoàn thiện các quy định bảo đảm công khai, minh bạch như: Công khai giá đất, bắt buộc giao dịch qua các sàn giao dịch, thanh toán qua ngân hàng, không dùng tiền mặt; xử lý nghiêm các vi phạm.