Dân Việt

Đây là loại cây nhãn giúp nông dân huyện biên giới của Sơn La xây được nhà cao cửa rộng

Văn Ngọc - Nguyễn Vinh 22/07/2022 14:15 GMT+7
Cây nhãn đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp nhiều hộ ở bản Hải Sơn (Chiềng Khoong, Sông Mã, Sơn La) thoát nghèo, xây được nhà cửa khang trang.

Clip: Cây nhãn ở huyện biên giới Sông Mã (tỉnh Sơn La), giúp nông dân có cuộc sống ấm no.

Nông dân Sông Mã chọn cây nhãn để phát triển kinh tế

Những ngày tháng 7, chúng tôi có có dịp quay lại huyện biên giới Sông Mã nơi được mạnh danh là vùng đất trồng cây nhãn lớn nhất của tỉnh Sơn La. Cũng chính từ cây nhãn đã giúp người dân nơi đây có cuộc sống ấm no, sung túc. 

Cây nhãn ở huyện biên giới, giúp nông dân có cuộc sống ấm no - Ảnh 2.

Bà Dương Thị Hoan, bản Hải Sơn, xã Chiềng Khoong, huyện Sông Mã (Sơn La) có thu nhập cao từ mô hình trồng nhãn. Ảnh: Văn Ngọc

Sau khi được phòng NNPTNT huyện Sông Mã giới thiệu, chúng tôi tìm đến một số mô hình trồng nhãn trên địa bàn xã Chiềng Khoong. Có những vườn nhãn rộng từ 3 - 5 ha với thu nhập hàng trăm triệu đồng, thậm chí hàng tỷ đồng mỗi năm.

Chúng tôi gặp được bà Dương Thị Hoan, bản Hải Sơn, xã Chiềng Khoong, huyện Sông Mã (Sơn La) đúng lúc đang thu hái một số diện tích nhãn chín sớm bán cho thương lái, cây nào cây đây sai chịu, quả to, vỏ mỏng, cùi dây và nhiều nước…

Bà Hoan tâm sự: Bà quê ở Hưng Yên, theo gia đình lên vùng kinh tế mới từ những thập niên 60 của thế kỷ trước. Thời điểm đó vùng đất Chiềng Khoong còn hoang vu. 

Người dân nơi đây còn rất khó khăn, điều kiện sống thấp, thu nhập chủ yếu dựa vào các loại cây trồng trên nương, gia đình bà cũng không ngoại lệ, không chịu khuất phục trước những khó khăn, quyết tâm vươn lên từ vùng đất mới, gia đình bà quyết định chuyển đổi diện tích đất trồng ngô ven sông mã của gia đình sang trồng nhãn phát triển kinh tế gia định.

"Hiện nay gia đình tôi có hơn 1 ha đất vời trên 200 gốc nhãn Miền Thiết. Đa số đều ghép trên cây nhãn địa phương. Trong quá trình chăm sóc được sự quan tâm, hỗ trợ của phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, vườn nhãn của gia đình tôi đã xanh tươi tốt và cho quả to đều, được thương lái đến tận vườn thu mua, nhơ cây nhãn gia đình tôi có của ăn của để", bà Hoàn nói.

Cây nhãn ở huyện biên giới, giúp nông dân có cuộc sống ấm no - Ảnh 3.

Nhãn Sông Mã nổi tiếng với vị thơm ngon, cùi dày và được nhiều thị trường đón nhận. Ảnh: Văn Ngọc

 Bí quyết trồng cây nhãn cho hiệu quả kinh tế cao 

Chia sẻ về bí quyết trồng nhãn cho hiệu quả kinh tế cao, bà Hoan cho biết: Sau khi thu hoạch quả nhãn xong, gia đình bà tiến hành cắt tỉa cành, tạo tán, xới đất quanh gốc và bón phân cho từng gốc nhãn. Đến khi cây nhãn ra hoa, đậu quả non, gia đình tiếp tục bón thêm một lần phân để cung cấp đủ chất dinh dưỡng nuôi quả.

"Dọn bớt các cành bị lấp, kín cho quang đi. Tỉa như vậy để cây nhận được ánh sáng và các chất dinh dưỡng chỉ dồn sức, tập trung vào các cành chỉ lực phát triển thì vụ sau mới cho năng suất cao", bà Hoàn nói.

Cây nhãn ở huyện biên giới, giúp nông dân có cuộc sống ấm no - Ảnh 4.

Đến mùa thu hoạch nhãn, nhiều thương lái tìm đến tận vườn người dân thu mua. Ảnh: Văn Ngọc

Ngoài bón phân đúng thời điểm, đúng liều lượng, chủng loại, gia đình bà còn thường xuyên kiểm tra tình hình sinh trưởng, phát triển của cây nhãn. Khi phát hiện sâu bệnh hại, bà tiến hành các biện pháp diệt trừ, đảm bảo cho cây phát triển ổn định, không để lây lan ra diện rộng.Nhờ chăm sóc tốt, thực hiện đúng kỹ thuật, vườn nhãn của gia đình bà cho năng xuất cao, mẫu mã đẹp, được thương lái thu mua tận vườn.

"Môi năm gia đình tôi thu về trên 10-12 tấn quả với giá bán trung bình từ 20.000-25.000 đồng/kg, trừ tất cả chi phi gia đình tôi thu về gần 200 triệu đồng mỗi năm. So với trồng các loại cây khác, tôi thấy trồng nhãn này là hiệu quả nhất, cho thu nhập ổn định, cao gấp nhiều lần so với trồng ngô, trồng sắn". bà Hoàn nói.

Cây nhãn ở huyện biên giới, giúp nông dân có cuộc sống ấm no - Ảnh 5.

Đến huyện biên giới Sông Mã không khó để nhìn thấy những vườn nhãn phủ xanh các triền đồi.

Cây nhãn giúp người dân Hải Sơn xây được nhà cao cửa rộng

Trao đổi với phóng viên, ông Đào Ngọc Bằng, Bí thư Chi bộ bản Hải Sơn, xã Chiềng Khoong, huyện Sông Mã (Sơn La) cho biết: Cây nhãn hợp đất, hợp khí hậu Sông Mã nên đã mang lại cuộc sống ấm no hơn cho người dân nơi đây. 

Bản Hải Sơn hiện có 72 ha nhãn, sản lượng năm qua đạt 850 tấn. Người dân trong bản đã xây dựng 37 lò sấy long nhãn; trong đó, có 25 lò hơi nhiệt sạch, 12 lò sấy than. Nhờ cây nhãn đã giúp người dân trong bản có thu nhập ổn định, nhà ít thì vài trăm triệu một năm, nhà nhiều thu cả tỷ đồng.

Cây nhãn ở huyện biên giới, giúp nông dân có cuộc sống ấm no - Ảnh 6.

Để phát triển vùng nhãn, huyện Sông Mã đã có chủ trương tuyên truyền, vận động các hợp tác xã sản xuất theo chuỗi, đảm bảo an toàn. Ảnh: Văn Ngọc

"Bản Hải Sơn được thành lập từ những năm 1963, khi đó có 21 hộ dân của huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên nghe theo lời kêu gọi của Đảng, rời nơi “chôn nhau, cắt rốn” lên đây khai hoang lập nghiệp. Trải qua bao khó khăn gian khổ với biết bao mồ hôi, nước mắt đổ xuống, giờ đây với  cây nhãn, bản Hải Sơn đã đổi thay thực sự. Bản hiện có 277 hộ, với trên 1.100 khẩu và chỉ còn 6 hộ nghèo do hoàn cảnh đặc biệt", ông Bằng nói.

Cây nhãn ở huyện biên giới, giúp nông dân có cuộc sống ấm no - Ảnh 7.

Cây nhãn là loại cây đã gắn bó với người dân nhiều vùng của huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La hơn nửa thế kỷ qua, giúp người dân nơi đây có thu nhập ổn định. Ảnh: Văn Ngọc

Cuộc sống no ấm, đầy đủ hơn, người dân Hải Sơn cũng có thêm điều kiện để đóng góp xây dựng bản làng. Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, các đảng viên gương mẫu hiến đất, phá bỏ hàng rào để mở rộng làm đường bê tông. 

Đến nay, bản Hải Sơn đã đổ bê tông hơn 3,8 km đường trục chính ở bản; trong đó, người dân đóng góp trên 2 tỷ đồng tiền mặt và hàng nghìn ngày công, hiến hơn 2.000 m² đất, chặt bỏ cây để con đường rộng thêm. Những tuyến đường bê tông phẳng phiu vươn đến từng ngõ, bên những căn nhà mới, biệt thự vườn mọc lên làm cho Hải Sơn bừng sáng hơn.