Hiệu quả kinh tế thấy rõ của dự án
Được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 2888/QĐ-UBND, ngày 30/10/2018, Dự án Hồ chứa nước Yên Ngựa được giao cho Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk làm chủ đầu tư, với tổng mức đầu tư là 305,5 tỷ đồng.
Theo đó, dự án sẽ có 2 công trình hồ chứa nước với dung tích hơn 3,1 triệu m3, gồm hồ Yên Ngựa (xã Cư Êwi, huyện Cư Kuin) và hồ Buôn Biếp (xã Yang Tao và Bông Krang, huyện Lắk). Tổng diện tích thu hồi toàn dự án khoảng 121 ha. Trong đó hồ Yên Ngựa, xã Cư Êwi cần thu hồi 67,2 ha.
Đánh giá về hiệu quả của dự án, Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk cho biết: Theo quy hoạch và định hướng phát triển nông nghiệp của huyện Lắk và huyện Cư Kuin, công trình lợi hồ Buôn Biếp và hồ Yên Ngựa sau khi dược xây dựng sẽ là cơ sở hạ tầng quan trọng, góp phần đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sản xuất nông nghiệp theo hướng chuyên canh và thâm canh cao, nâng cao năng suất và hiệu quả nông sản, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân vùng hưởng lợi.
Mặt khác đây cũng là cơ sở quan trọng thúc đẩy công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp địa phương phát triển nhờ có được nguồn cấp nước sạch và ổn định. Dự án cũng mang lại một môi trường sinh thái trong lành hơn trong tương lai.
Gặp khó do chi phí bồi thường, hỗ trợ tăng cao
Sau gần 2 năm, hiện công tác thống kê, kiểm đếm tại hồ Yên Ngựa đã thực hiện được khoảng 61,9 ha đạt khoảng 92,1%; đã có quyết định thu hồi khoảng 38 ha đất, tổng số tiền đã chi trả cho người dân là khoảng 35 tỷ đồng.
Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk cho biết, khi triển khai giai đoạn 1 gồm các hạng mục đầu mối và hệ thống kênh hồ Yên Ngựa, việc thi công gặp khó khăn do thiếu kinh phí chi trả cho người dân. Điều này dẫn đến việc người dân không đồng ý cho các nhà thầu thi công, ảnh hưởng rất lớn đến dự án.
"UBND huyện đã phê duyệt nhiều phương án nhưng chưa trả tiền kịp thời cho dân nên người dân bức xúc kéo nhau lên UBND huyện và Ban nhiều lần. Từ khi thông báo thu hồi đất đến nay người dân không canh tác nên cuộc sống của người dân cũng đã và đang gặp nhiều khó khăn", báo cáo của Ban Quản lý nêu rõ.
Giải thích về vấn đề thiếu vốn cho việc đền bù, giải phóng mặt bằng, ông Phạm Văn Hạ - Giám đốc Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk, theo duy định về cơ cấu thực hiện dự án, số vốn của Chương trình Hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu thuộc dự án gồm 104.384 triệu đồng không được dùng cho chi phí đền bù giải phóng mặt bằng.
Để giải quyết dứt điểm những khó khăn và đáp ứng những nguyện vọng của nhân dân vùng dự án, Ban Quản lý đã có đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh: Sớm tham mưu với UBND tỉnh giao bổ sung kế hoạch vốn năm 2022 nguồn ngân sách địa phương cho dự án là 6.769 triệu đồng để chi trả cho công tác giải phóng mặt bằng. Ngoài ra, tiếp tục cân đối, tham mưu UBND tỉnh bố trí bổ sung chi phí đền bù giải phóng mặt bằng còn thiếu để thực hiện các hạng mục của giai đoạn 1; Điều chỉnh cơ cấu vốn giai đoạn 1 và giai đoạn 2 phù hợp với thực tế triển khai dự án hiện tại.
Bên cạnh đó, Ban Quản lý dự án cũng cho rằng Dự án hồ chứa nước Yên Ngựa cần được sớm điều chỉnh chủ trương đầu tư theo hướng tăng tổng mức đầu tư từ 305.500 triệu đồng lên 468.000 triệu đồng để phù hợp với tình hình tăng giá cả hiện tại…
Ngoài ra, Sở Kế hoạch và Đầu tư sớm tham mưu UBND tỉnh báo cáo Chính phủ xem xét, tiếp tục hỗ trợ nguồn vốn ngân sách trung ương để thực hiện dự án, đồng thời bổ sung kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021-2025 để có cơ sở thực hiện, đồng thời bổ sung kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021-2025 để có cơ sở thực hiện.