Triển lãm "Khúc ca thiên nhiên" của họa sĩ Nguyễn Dương diễn ra từ ngày 22/7 đến 31/7 tại Hakio Let's Art, 38 Trần Cao Vân, phường 6, quận 3, TP.HCM.
Đâu đó là đại dương cồn cào về đêm với gam lạnh tăm tối, là những quầng mây dự cảm mùa bão tích tụ điện, sét, sấm chớp và cơn giông, là sông Hồng vươn dậy đón bình minh, là những con sóng tỉ tê ôm bờ bãi lúc dịu êm lúc cuồng nộ, là sự chuyển dời không gian và thời gian từ chạng vạng đến ngày mới… Đằng sau đó là một lực hút mê đắm, là sự pha trộn các chất liệu, là một nội tâm day dứt và không ngừng biến động...
"Vẽ, với tôi là làm theo những gì mình thích. Còn nếu vẽ tranh biển xanh, cát vàng thì đơn giản thôi. Có nhiều đơn đặt hàng ngon lành cho một họa sĩ trẻ mới ra trường như tôi thời đó, nhưng tôi không chọn. Bởi cuộc sống nay ngắn lắm, mà nhu cầu sống biết bao cho đủ. Tôi chỉ cần tách cà phê là có thể ngồi vẽ suốt ngày.
Khi ở quê, mỗi lần thời tiết biến chuyển, giông bão nổi lên, mọi người thì cứ trốn đi, còn tôi thì ra ngắm trước và sau cơn bão. Khi vẽ, tôi không hề có dự định từ trước. Trong quá trình làm việc bật ra tư duy và cảm xúc và rất khác, chẳng giống ai. Vẫn ngôn ngữ trừu tượng, sự thoải mái trong tư duy, cứ thế tung tẩy qua các cung bậc. Mỗi người xem riêng sẽ có một cảm nhận riêng, sự tương tác giữa họ và họa sĩ cũng rất khác nhau", Nguyễn Dương mở đầu câu chuyện.
Nguyễn Dương thường quan sát rất kĩ hiện thực xung quanh, rồi đặt ra câu hỏi: Nó đang diễn ra và bị chi phối như thế nào? Với anh, có lẽ một bức tranh trừu tượng được hoàn thành là khi nó giữ nguyên được cảm xúc của bản thân về tinh thần của sự vật, hiện tượng lúc ấy. Còn về bề mặt tác phẩm, nó phải có được chiều sâu của không gian, rõ nét về nhịp điệu và cấu trúc, rõ nét về những va đập của màu sắc hoặc vật chất... Rõ nét, nhưng không cần tính toán một cách rõ ràng, duy lý.
Nguyễn Dương cho rằng sự giống nhau giữa nghệ thuật biểu hình và trừu tượng là vẫn luôn cố gắng giải quyết những vấn đề thuộc cấu trúc của không gian một cách hợp lý, để tạo ra trạng thái cho bức tranh. Nhưng với tranh trừu tượng, có lẽ họa sĩ được tự do nhiều hơn trong diễn đạt, trong việc ghép nối các không gian và cấu trúc khác nhau để tạo ra một hiệu ứng thị giác mạnh, khác lạ.
Chúng khơi gợi, ám ảnh mà không cần đến sự xuất hiện rõ ràng của hình thể, của ý tưởng hoặc câu chuyện. Trong nhiều tranh, Nguyễn Dương đã nắm bắt được cái tinh thần của sự vật, hiện tượng, thay vì mô tả hoặc kể chuyện về nó.
Họa sĩ chia sẻ: "Gần 40 tác phẩm này là thành quả của một quá trình dài sáng tác nghệ thuật đầy nỗ lực, nhưng không hề gò bó, mọi thứ được sắp đặt rất tự nhiên và chứa đựng nhiều câu chuyện xung quanh cuộc sống".
Nguyễn Dương có gần 20 năm theo đuổi, đôi khi kết hợp giữa biểu hiện và trừu tượng (abstract expressionism), gần đây chất trừu tượng trữ tình (lyrical abstraction) được anh khai thác nhiều hơn. Tốc độ vẽ nhanh và sự tĩnh tâm, lược bỏ phác thảo và bỏ qua sự chuẩn bị ý tưởng, các tác phẩm như được giải phóng khỏi ý thức để tự tại định hình.
Chính chất trữ tình cũng giúp anh kết nối được các hoài niệm về quê nhà, thi vị hóa thiên nhiên, đồng thời giúp anh tự do tung tẩy, nhanh chóng nắm bắt được tinh thần của sự vật, hiện tượng, khi nó hiển hiện. Những điều này có thể tìm thấy được trong nhiều bức tranh ở triển lãm cá nhân Khúc ca thiên nhiên của Nguyễn Dương, diễn ra vào nửa cuối tháng 7 tại Sài Gòn.
Theo họa sĩ Nguyễn Xuân Hoàng, xem tranh của Nguyễn Dương có thể nhận ra những khát khao khám phá mới mà cũng vừa dằn vặt, đau đáu...
"Nhiều ẩn dấu trong hành trình hội họa của Nguyễn Dương, tương tự như con người của anh ấy, sinh ra và lớn lên ở biển, những ám ảnh về biển, vẻ đẹp huy hoàng hay những cơn bão đêm, ngay cả trong giấc mơ cũng thấy như đại dương muốn nuốt mình xuống đáy, vừa đáng sợ vừa kỳ thú. Tất cả những điều đó vẫn theo Dương tới tận bây giờ", anh nhìn nhận.