Trợ lý Tổng thống Ukraine, ông Mykhaylo Podolya ngày 22/7 giải thích Ukraine không ký bất kỳ thỏa thuận nào với Nga mà chỉ ký thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ và Liên Hợp quốc. Tương tự Nga ký thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ và Liên Hợp quốc chứ không ký trực tiếp với Ukraine.
Thậm chí, theo Reuters, phái đoàn Nga và Ukraine ngồi riêng, lần lượt ký với các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ và Liên Hiệp Quốc những văn bản có nội dung giống nhau. Hai bên cũng không bắt tay khi xuất hiện tại buổi lễ. Giải thích việc không ký trực tiếp thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc với Nga, phía Ukraine nói, họ không muốn tên mình xuất hiện trong cùng văn bản với quan chức Nga.
"Sáng kiến về vận chuyển an toàn ngũ cốc và thực phẩm từ các cảng biển của Ukraine" đã giúp nối lại việc xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine đang bị gián đoạn do xung đột.
Theo thỏa thuận, các cảng biển Odesa, Chornomorsk và Yuzhnyi vẫn thuộc quyền kiểm soát hoàn toàn của phía Ukraine. Không cho phép cho bất kỳ tàu nào khác ngoài các tàu vận chuyển ngũ được vào cảng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc xuất khẩu ngũ cốc và các sản phẩm lương thực và phân bón liên quan.
Theo Ukraine, thỏa thuận này không làm suy yếu các biện pháp trừng phạt chống lại Nga và không cho phép tàu Nga hộ tống các tàu Ukraine vận chuyển ngũ cốc.
Một Trung tâm Điều phối Chung (JCC) sẽ được thành lập tại Istanbul dưới sự bảo trợ của Liên Hợp Quốc. Đại diện của JCC bao gồm các quan chức Ukraine, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Liên Hợp Quốc. Trung tâm sẽ giám sát việc thực hiện thỏa thuận.
Sau lễ ký kết ngày 22/7, Bộ trưởng Quốc phòng Nga, Đại tướng Sergey Shoigu tuyên bố Moscow "sẽ không tận dụng" việc các cảng này được mở trở lại cho mục đích khác và sẽ làm đúng như các cam kết ghi trong thỏa thuận.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan - người đóng vai trò quan trọng trong các cuộc đàm phán dẫn tới thỏa thuận - bày tỏ hy vọng "Sáng kiến về vận chuyển an toàn ngũ cốc và thực phẩm từ các cảng biển của Ukraine" sẽ mở đường cho hòa bình cuối cùng ở đất nước này.
Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres ví thỏa thuận "như một ngọn hải đăng của hy vọng" sẽ giúp cứu sống nhiều người và nhiều quốc gia đang bị thiếu hụt lương thực.
Mỹ và Canada tuyên bố sẽ theo dõi sát việc thực thi thỏa thuận này, đồng thời sẽ để mắt đến những hoạt động của Nga tại Biển Đen, theo Reuters. Hiện vẫn chưa rõ việc nối lại xuất khẩu ngũ cốc sẽ bắt đầu khi nào.