Ông Biden đề ra nhiều mục đích cho chuyến đi này nhưng không đạt được tất cả. Nước Mỹ sắp có cuộc bầu cử quốc hội giữa nhiệm kỳ mà mọi dấu hiệu hiện tại đều cho thấy phe cánh Đảng Dân chủ của ông Biden khó có thể bảo vệ được tương quan lực lượng hiện tại trong lưỡng viện lập pháp.
Trong nước Mỹ, tỷ lệ lạm phát hiện rất cao và giá xăng dầu cũng vậy mà dẫu lý do trên thực tế có phần bởi tác động và hệ luỵ của chiến sự ở Ukraine giữa Nga và Ukraine thì cử tri ở Mỹ vẫn coi là trách nhiệm của chính phủ của ông Biden.
Ở khu vực ông Biden tới thăm và ở châu Âu, Mỹ đang bị Nga thách thức mạnh mẽ về chính trị an ninh trong khi đối thủ chính của Mỹ ở khu vực lớn Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là Trung Quốc. Vấn đề hạt nhân của Iran và Triều Tiên lại đang rất thời sự đối với Mỹ và tác động trực tiếp tới tâm lý của các đồng minh chiến lược truyền thống của Mỹ ở hai khu vực.
Nhiệm kỳ tổng thống Mỹ có 4 năm mà ông Biden cầm quyền đến nay đã được một năm rưỡi. Cho nên có thể thấy ông Biden không thể trì hoãn được lâu hơn nữa chuyến công du tới khu vực Trung Đông và vùng Vịnh.
Israel là phần đơn giản nhất trong chuyến công du này của ông Biden bởi tuy ông Biden không sủng ái Israel như người tiền nhiệm nhưng không bất đồng quan điểm cơ bản với Israel và không gây áp lực buộc Israel phải đi vào đàm phán hoà bình với Palestin.
Ông Biden ủng hộ việc hình thành nhà nước Palestin nhưng không thúc đẩy tiến trình này thật sự quyết liệt và kiên định. Ông Biden không gặp khó khăn gì khi nói ra điều Israel muốn nghe là đảm bảo an ninh cho Israel và không để cho Iran có vũ khí hạt nhân. Ông Biden làm cho Israel rất hài lòng khi Ả rập Xê út đồng ý mở cửa bầu trời cho vận chuyển hàng không trực tiếp giữa Israel và Ả rập Xê út.
Ả rập Xê út mới là chặng khó khăn và nhạy cảm nhất đối với ông Biden trong chuyến công du này. Ông Biden thuộc diện những chính khách ở Mỹ và trên thế giới phê phán Ả rập Xê út nặng nề nhất trong vụ việc nhà báo Jamal Khoshaggi bị sát hại hồi năm 2018. Sau khi lên cầm quyền ở Mỹ, ông Biden đưa dân chủ, nhân quyền và nhà nước pháp quyền lên thành nguyên tắc trong chính sách đối ngoại.
Mối quan hệ giữa Mỹ và Ả rập Xê út vì thế không thể suôn sẻ. Nhưng bây giờ, ông Biden phải chủ động hoà giải với Ả rập Xê út bởi cần Ả rập Xê út giúp giải quyết một số vấn đề cấp thiết đối với nước Mỹ mà giải quyết được thì rất thuận lợi cho ông Biden và phe cánh Đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử quốc hội giữa nhiệm kỳ sắp tới ở nước Mỹ.
Điều ông Biden cầu ước ở Ả rập Xê út là vương triều này gia tăng mức độ khai thác và cung ứng dầu mỏ hàng ngày để giúp giảm giá dầu mỏ trên thị trường thế giới và ở nước Mỹ, tạo hiệu ứng góp phần làm giảm tỷ lệ lạm phát ở Mỹ và Ả rập Xê út vận động các nước Ả rập trong khu vực liên thủ với Mỹ và Israel cùng đối phó Iran và hậu thuẫn Mỹ đối địch Nga và Trung Quốc.
Ông Biden tham dự cuộc gặp với lãnh đạo các nước thành viên của tổ chức Hội đồng hợp tác vùng Vịnh, Ai cập, Iraq và Jordani ở Ả rập Xê út cũng nhằm mục tiêu này.
Những gì ông Biden gặt hái về được ở chuyến công du này là cam kết của Ả rập Xê út về gia hạn ngừng bắn ở Yemen, tung thêm 1 triệu thùng dầu (159 lít) hàng ngày ra thị trường và mở cửa không phận cho hàng không Israel.
Các nước Ả rập trong khu vực vừa không thuận theo ý ông Biden liên thủ với Mỹ và Israel cùng đối phó Iran lại vừa không hậu thuẫn Mỹ đối địch Nga như ông Biden mong đợi. Kết quả chuyến đi như thế không thể hữu ích được nhiều cho ông Biden và phe Đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử quốc hội giữa nhiệm kỳ sắp tới ở Mỹ.
Có thể lọc ra được 3 nhận thức với ý nghĩa rất đặc biệt đối với Mỹ và khu vực trong thời gian tới. Thứ nhất là ông Biden đã có điều chỉnh rất cơ bản chính sách của Mỹ đối với khu vực này, cụ thể là theo hướng quan tâm nhiều hơn tới khu vực và lại tranh thủ các nước trong khu vực.
Thứ hai là cả uy thế lẫn ảnh hưởng của Mỹ đối với các nước trong khu vực đang trên đà suy giảm. Nước Mỹ đang và sẽ còn phải tiếp tục trả giá cho việc đã sao nhãng khu vực và để cho các đối thủ như Nga, Trung Quốc và thậm chí cả Iran gây dựng, củng cố và tăng cường ảnh hưởng cũng như uy quyền ở khu vực.
Thứ ba, các nước trong khu vực đã trở bên tự tin hơn trong quan hệ với Mỹ, thực dụng hơn và bớt ảo tưởng về Mỹ. Họ thấm thía tác động của việc tân quan tân chính sách ở Mỹ và hiện chỉ cầm chừng quan hệ với ông Biden để chờ xem ai sẽ thắng cử trong cuộc bầu cử tổng thống ở Mỹ vào năm 2024.