Tuyên bố được đưa ra trong bối cảnh Moscow và Kiev tiến hành đàm phán nhằm dỡ bỏ hàng rào cấm xuất khẩu ngũ cốc từ Ukraine qua Biển Đen. Thỏa thuận được ký kết tại Istanbul vào hôm 22/7 bởi Ukraine, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Liên Hợp Quốc.
Việc ngũ cốc bị chặn xuất khẩu khỏi Ukraine kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt đã khiến hàng triệu người có nguy cơ thiếu lương thực.
Ông Oleschuk nói: "Sau nhiều tháng chiến sự kéo dài, Tổng thống Putin cùng giới lãnh đạo Nga dường như đã nhận ra rằng họ không thể chinh phục Ukraine bằng các biện pháp quân sự. Do đó, họ hiện đang tích cực thúc đẩy ý tưởng về các cuộc đàm phán và thỏa thuận".
Sau buổi lễ ký kết ở Istanbul, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu nói với truyền thông nhà nước rằng ông dự kiến thỏa thuận sẽ bắt đầu có hiệu quả "trong vài ngày tới".
Ông cũng chỉ ra rằng Nga đã cố gắng đảm bảo một cam kết riêng với Washington và Brussels về việc dỡ bỏ tất cả các hạn chế đối với ngũ cốc của mình cũng như các mặt hàng nông sản xuất khẩu khác.
Mỹ và các nước châu Âu ca ngợi thỏa thuận, đồng thời thúc giục Moscow tuân thủ các quy tắc.
Liên minh châu Âu (EU) cũng kêu gọi "thực hiện nhanh chóng" thỏa thuận. Ngoại trưởng Anh Liz Truss cho biết London "sẽ theo dõi để đảm bảo hành động của Nga phù hợp với lời nói của họ".
Các nhà ngoại giao cho rằng ngũ cốc Ukraine sẽ được xuất khẩu hoàn toàn vào giữa tháng 8/2022. Bốn bên trước tiên phải thành lập một trung tâm chỉ huy và kiểm soát chung ở Istanbul để giám sát việc tàu bè qua lại cũng như giải quyết các tranh chấp.
Động thái mới cũng khiến nhiều người dân Ukraine suy nghĩ. "Thỏa thận mang lại một số hy vọng cho chúng tôi, nhưng chúng tôi không thể tin hoàn toàn những gì Nga nói", nông dân Mykola Zaverukha trả lời. Kho dự trữ của người đàn ông này chứa khoảng 13.000 tấn ngũ cốc.
Ông nói với AFP ở khu vực Mykolaiv, miền nam Mykolaiv: "Nga không đáng tin cậy, họ gây khó khăn cho chúng tôi suốt từ năm này qua năm khác".
Thỏa thuận ngũ cốc được ký một ngày sau khi Nga khởi động lại đường ống dẫn khí đốt tự nhiên Dòng chảy Phương Bắc, làm giảm bớt lo ngại ở châu Âu về việc thiếu hụt nguồn cung.