Ngày 23/7, tiếp tục chương trình công tác tại tỉnh Nghệ An, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính - Ủy viên Bộ Chính trị và đoàn công tác đến thăm, khảo sát một số dự án nông nghiệp công nghệ cao tại tỉnh Nghệ An.
Cùng đi có ông Phan Đình Trạc - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương; các Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng: Hồ Đức Phớc - Bộ trưởng Bộ Tài chính; Lê Minh Hoan - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Nguyễn Văn Hùng - Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch; Thượng tướng Đoàn Xuân Chiến - Ủy viên Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; cùng lãnh đạo một số bộ, ngành.
Về phía tỉnh Nghệ An có ông: Thái Thanh Quý - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, Chủ tịch HĐND tỉnh; ông Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Hoàng Nghĩa Hiếu - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy và lãnh đạo một số sở, ngành, địa phương của tỉnh này.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, chuyến khảo sát để có thêm niềm tin, thông tin, dữ liệu nhằm khẳng định sự đúng đắn trong đường lối, chủ trương của Đảng ta về phát triển kinh tế tư nhân, đồng thời tổng kết thực tiễn để tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách.
Thủ tướng dành thời gian hệ thống lại những quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước và Chủ tịch Hồ Chí Minh về kinh tế tư nhân, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh đất nước trong mỗi thời kỳ cách mạng. Đặc biệt từ Đại hội lần thứ VI của Đảng, cả nước thực hiện công cuộc đổi mới với 3 trụ cột: xóa quan liêu bao cấp, thực hiện kinh tế nhiều thành phần, hội nhập kinh tế quốc tế; xác định kinh tế tư nhân là một thành phần kinh tế, động lực quan trọng của nền kinh tế.
Kế thừa các đại hội trước, Đại hội XIII của Đảng tiếp tục làm rõ và sâu sắc hơn nhiều vấn đề mới về phát triển kinh tế tư nhân. Đại hội khẳng định, phát triển mạnh mẽ khu vực kinh tế tư nhân cả về số lượng, chất lượng, hiệu quả, bền vững, "thực sự trở thành một động lực quan trọng trong phát triển kinh tế. Xóa bỏ mọi rào cản, định kiến, tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế tư nhân". Thủ tướng nhắc lại quan điểm không phân biệt đối xử kinh tế tư nhân, cả trong ý thức, trong hành động, trong xây dựng cơ chế, chính sách.
"Hiện nay, chúng ta đang tập trung xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ; chủ động, tích cực hội nhập kinh tế sâu rộng, hiệu quả, lấy nội lực (gồm con người, tài nguyên thiên nhiên và truyền thống lịch sử, văn hóa) là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định. Trong đó, xác định con người vừa là trung tâm, chủ thể, là mục tiêu và là động lực của sự phát triển; không hy sinh tiến bộ, công bằng, môi trường, an sinh xã hội lấy tăng trưởng kinh tế đơn thuần. Trong nền kinh tế độc lập, tự chủ thì phải phát triển cả doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân" - Thủ tướng nhấn mạnh.
Để kinh tế tư nhân tiếp tục phát triển, Thủ tướng nêu rõ, Chính phủ, các bộ, ngành, cơ quan Trung ương tiếp tục triển khai nghiêm túc đường lối của Đảng về phát triển kinh tế tư nhân, thể chế hóa thành pháp luật của Nhà nước để phát triển kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng của nước nhà. Phát huy tối đa năng lực, phẩm chất, trí tuệ con người Việt Nam trong khu vực kinh tế tư nhân. Xây dựng và phát huy văn hóa kinh doanh lành mạnh, trong sáng, văn minh, chuyên nghiệp, bình đẳng, đề cao tiến bộ công bằng xã hội, đặt lợi ích của dân tộc, đất nước lên trên hết, trước hết, đồng thời bảo đảm hài hòa lợi ích Nhà nước, người dân, doanh nghiệp. Đẩy mạnh hợp tác công tư, huy động các nguồn lực phát triển đất nước, nhất là thu hút nguồn lực tư nhân vào đổi mới khoa học, công nghệ, chuyển đổi số, xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức.
Thủ tướng mong muốn các doanh nghiệp cần mạnh dạn, dám nghĩ, dám làm, năng động, sáng tạo, đồng thời phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong khối kinh tế tư nhân. Các nhà quản lý, nhà khoa học cần tiếp tục nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn để phát triển kinh tế tư nhân.
Với các dự án của Tập đoàn TH tại Nghệ An, những năm qua, Tập đoàn TH đã đầu tư hơn 20 dự án tại Nghệ An. Hầu hết các dự án đều nằm ven đường Hồ Chí Minh phía Tây Nghệ An nơi vốn là những vùng đất rất khó khăn.
Các dự án của Tập đoàn TH phần lớn thuộc lĩnh vực nông nghiệp như: Dự án Chăn nuôi và Chế biến sữa quy mô công nghiệp tập trung, vốn đầu tư 1,2 tỷ USD; Dự án Trồng rau và hoa trong nhà kính, vốn đầu tư 2.423 tỷ đồng, quy mô diện tích 520 ha (FVF); Dự án Nhà máy gỗ Nghệ An (MDF), vốn đầu tư 1.896 tỷ đồng; Dự án Bảo tồn và Phát triển nguồn dược liệu chất lượng cao gắn với phát triển rừng bền vững tại Nghệ An, vốn đầu tư giai đoạn 1 là 2.743 tỷ đồng (tổng vốn đầu tư các giai đoạn tiếp theo dự kiến 19.512 tỷ đồng); Vùng nguyên liệu cho Nhà máy chế biến gỗ, vốn đầu tư 1.211 tỷ đồng; Nhà máy nước tinh khiết, thảo dược và hoa quả Núi Tiên, vốn đầu tư 1.176 tỷ đồng; Dự án Nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi công nghệ cao, vốn đầu tư 326,4 tỷ đồng…
Các dự án này giúp làm thay da, đổi thịt vùng đất miền Tây Nghệ An với cách làm điển hình về ứng dụng công nghệ cao, tạo thành chuỗi dự án từ sản xuất, chế biến đến thị trường tiêu thụ theo mô hình kinh tế tuần hoàn; thúc đẩy xanh hóa nền kinh tế nông nghiệp trên địa bàn huyện Nghĩa Đàn nói riêng và tỉnh Nghệ An nói chung. Qua đó, tạo nhiều việc làm và nâng cao đời sống cho lao động địa phương, đóng góp thu ngân sách tỉnh, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế - xã hội địa phương, đồng thời, làm tiền đề thu hút nhiều dự án khác vào đầu tư trên địa bàn tỉnh.
Thăm cánh đồng ứng dụng công nghệ cao của Tập đoàn TH, sau khi nghe giới thiệu về quy trình sản xuất, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: "Muốn làm nông nghiệp đạt hiệu quả cao phải có doanh nghiệp, có khoa học công nghệ, có giống, cùng với quỹ ruộng đất lớn. Bên cạnh đó, cần chú trọng đến việc kết hợp giữa người nông dân và doanh nghiệp, giữa doanh nghiệp và nhà khoa học, giữa doanh nghiệp - nông dân và thị trường, giữa trồng trọt và chăn nuôi, giữa sản xuất nhỏ và nâng lên thành sản xuất lớn.
Dịp này, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc thay mặt đoàn công tác trao tặng 1 tỷ đồng hỗ trợ xây dựng nhà tình nghĩa cho 20 gia đình thương binh, liệt sĩ và 1,5 tỷ đồng hỗ trợ xây dựng nhà văn hóa cho 30 xã vùng miền núi Phủ Quỳ.