Mô hình trồng sắn lấy hạt này đã giúp gia đình ông Nghĩa nâng cao thu nhập trên cùng 1 đơn vị diện tích sản xuất, góp phần đa dạng các loại sản phẩm nông nghiệp tại địa phương.
Những năm qua, bên cạnh cây lúa nếp, nông dân xã Phú Lâm còn đưa vào canh tác các loại cây trồng mới phù hợp với điều kiện canh tác của địa phương, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Trong đó, có mô hình trồng cây sắn lấy hạt của gia đình ông Phan Hữu Nghĩa.
Gia đình ông Nghĩa bắt đầu trồng sắn lấy hạt cách đây khoảng 3 năm, với diện tích canh tác khoảng 1.000m2. Ông Nghĩa cho biết, phần diện tích này trước đây trồng lúa nhưng hiệu quả không cao. Nguyên nhân chủ yếu là do tình hình thời tiết, sâu hại, dịch bệnh; tình trạng chuột cắn phá mùa màng thường xảy ra. Trước những khó khăn trên, ông Nghĩa muốn phát triển loại cây trồng mới mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn để thay thế. Sau nhiều lần tìm kiếm, ông Nghĩa quyết định lựa chọn mô hình trồng sắn lấy hạt để phát triển kinh tế gia đình.
Để đánh giá hiệu quả, ông Nghĩa trồng luân phiên sắn mùa và Ba Tri là 2 loại sắn phổ biến hiện nay. Qua các đợt thử nghiệm, ông Nghĩa ưu tiên chọn giống sắn Ba Tri. Nói về lý do lựa chọn giống này, ông Nghĩa chia sẻ: "Giống sắn Ba Tri có thời gian sinh trưởng ngắn, khoảng 5 tháng, trong khi sắn mùa lâu hơn, mất 6 tháng. Ngoài ra, sắn Ba Tri còn cho năng suất cao hơn so sắn mùa. Do đó, sau nhiều vụ thí điểm, đối chiếu năng suất, gia đình tôi quyết định gắn bó với giống sắn Ba Tri cho đến nay".
Để có được cây giống, ông Nghĩa lựa chọn những củ sắn đẹp, tròn, không úng… và để trong mát cho cây mọc mầm. Đến khi mầm dài khoảng 1 tấc (10cm), tiến hành đem gieo trồng. Đối với sắn Ba Tri, ông Nghĩa trồng với mật độ 40cm/cây (đối với sắn mùa, khoảng cách mỗi cây 1m).
Theo ông Nghĩa, sắn lấy hạt tuy dễ trồng nhưng muốn cho sai trái, hạt nhiều, hạt to và chất lượng tốt, người trồng phải áp dụng đúng các biện pháp kỹ thuật từ khâu làm đất, đắp mô cho đến khâu làm giàn leo, quan trọng là phân bón, nước phải đầy đủ và theo dõi sâu bệnh để kịp thời xử lý.
Sắn thích hợp với vùng đất gò cao, không chịu mưa nên phải thoát nước liền nếu không sẽ bị thối. Sau khi thu hoạch, nên bón lót để tăng độ hữu cơ cho đất. Theo ông Nghĩa, trên cây sắn cũng có nhiều loại đối tượng gây hại, như: Rệp sáp, bọ trĩ, sâu cuốn lá… Do đó, quá trình canh tác phải thăm đồng thường xuyên để phòng tránh các loại sâu bệnh gây hại, đồng thời có những phương pháp điều trị hợp lý.
Ngoài những ưu thế về điều kiện canh tác, trồng sắn lấy hạt còn phát huy hiệu quả kinh tế cao, giúp gia đình ông Nghĩa nâng cao thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống. Ông Nghĩa cho biết, mặc dù thời gian trồng khá lâu mới cho thu hoạch nhưng bù lại năng suất và giá cả hạt sắn khá cao nên lợi nhuận mang lại cao hơn nhiều so cây trồng khác tại địa phương.
"Những năm gần đây, giá bán hạt sắn luôn ổn định khá cao. Chỉ với 1 công đất, mỗi vụ đem lại lợi nhuận cho gia đình tôi trên 20 triệu đồng. Có những năm, chỉ 1 vụ sắn mà gia đình tôi đã thu về lợi nhuận trên dưới 80 triệu đồng. Đây là mức lợi nhuận rất lớn, nên gia đình tôi vô cùng phấn khởi" - ông Nghĩa chia sẻ.
Do thời gian gieo trồng sắn lấy hạt dài hơn các loại rau màu khác nên ông Nghĩa còn trồng xen canh thêm đậu bắp và đậu xanh. Phương pháp này vừa giúp tận dụng phân bón, lại vừa lấy ngắn nuôi dài, giúp gia đình ông Nghĩa tăng thêm thu nhập. Với hiệu quả trồng sắn lấy hạt mang lại, ông Nghĩa dự định sẽ mở rộng diện tích chuyển đổi 2 công đất đang trồng lúa sang trồng sắn lấy hạt.
Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Lâm Trần Bảo Vàng cho biết, toàn xã hiện có 6 hộ trồng sắn lấy hạt, trong đó, mô hình của ông Phan Hữu Nghĩa đã phát huy hiệu quả kinh tế cao, có khả năng nhân rộng. Tuy không phải là mô hình mới, nhưng việc chuyển đổi lúa nếp kém hiệu quả sang trồng sắn lấy hạt là hướng đi phù hợp với Nghị quyết của Huyện ủy Phú Tân và Đảng ủy xã Phú Lâm về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi.
Hiện nay, toàn xã Phú Lâm có trên 47,6 ha đất chuyển đổi sang trồng cây ăn trái và rau màu gồm các loại, như: Bưởi, ổi, mít, chanh, dừa, cà na, đậu phộng… Theo kế hoạch, xã Phú Lâm tiếp tục vận động nông dân có đất trồng kém hiệu quả và vườn tạp chuyển sang trồng vườn cây ăn trái, để nâng cao thu nhập, ổn định đời sống.