Nuôi cá lạ có tên Hồng Mỹ, bắt lên hàng tấn, cả làng ở Thanh Hóa kéo đến xem
Nuôi hàng tấn cá Hồng Mỹ, nông dân Thanh Hóa bán 90.000-100.000 đồng/kg
Lê Hồng Thuận (TTKN/Sở NNPTNT Thanh Hóa)
Chủ nhật, ngày 24/07/2022 19:03 PM (GMT+7)
Nhằm đa dạng hóa đối tượng nuôi thủy sản mặn lợ, giúp người nuôi giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong quá trình nuôi tôm gây ra. Năm 2021 Trung tâm Khuyến nông Thanh Hóa xây dựng mô hình nuôi cá Hồng Mỹ trong ao hồ gắn với tiêu thụ sản phẩm tại xã Hoằng Phong, huyện Hoằng Hóa,
Ngay sau khi được Trung tâm Khuyến nông Thanh Hóa tập huấn về kỹ thuật nuôi cá Hồng Mỹ cho các hộ trên địa bàn xã: Trong đó hộ ông Trương Văn Huy là người có kinh nghiệm trong nghề trong nuôi trồng thủy sản và xét thấy gia đình có điều kiện nên ông đã quyết định đầu tư nuôi thử nghiệm.
Tháng 3/2021, ông đã liên hệ với công ty cổ phần đầu tư và phát triển nông nghiệp Thanh Hóa là đơn vị cung cấp con giống cho mô hình đặt mua 4.000 con cá Hồng Mỹ giống kích cỡ 10 cm/con đưa về thả nuôi trên diện tích 4.000 m2.
Trong suốt quá trình nuôi ông được cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Khuyến nông Thanh Hóa tư vấn, hướng dẫn. Sau 9 tháng nuôi tỷ lệ sống đàn cá Hồng Mỹ đạt hơn 80%, kích cỡ cá đạt 800-850g/con, sản lượng thu được 2.700 kg, năng suất ước đạt 10.9 tấn/ha, giá xuất vào thời điểm cuối năm là từ 90.000 đồng – 100.000 đồng/kg. Tổng mô hình thu được 250 triệu, sau khi trừ chi phí hộ ông Trương Văn Huy với diện tích 4.000 m2 thu được 110 triệu.
Hộ gia đình ông Trương Văn Huy, xã Hoằng Phong, huyện Hoằng Hóa (tỉnh Thanh Hóa) kiểm tra đàn cá Hồng Mỹ trước khi thu hoạch.
Chia sẻ về kinh nghiệm nuôi cá Hồng Mỹ sau 1 năm nuôi, ông Huy cho hay, do cá Hồng Mỹ cần nhiều ôxy nên trong ao cần phải lắp đặt sẵn máy quạt nước, những ngày thời tiết thay đổi ông thường bật quạt từ lúc 1h giờ đến 8 giờ sáng.
Đây là thời điểm lượng ôxy thấp, cần bổ sung hàm lượng ô xy để đàn cá sinh trưởng phát triển tốt hay khi thấy cá có hiện tượng nổi đầu cần phải cho máy chạy ngay để tránh thiệt hại.
Trong quá trình nuôi, định kỳ 1 tháng 1 lần cần xử đáy ao bằng Zeolite để xử lý mùn bã hữu cơ cũng như thức ăn dư thừa lắng xuống đáy ao. Thức ăn cho cá Hồng Mỹ là thức ăn công nghiệp với hàm lượng độ đạm trên 40%.
Do cá Hồng Mỹ là loài cá dữ nên cần phải cung cấp đầy đủ thức ăn cho cá, tránh hiện tượng ăn lẫn nhau. Lượng cho ăn trong 2 tháng đầu từ 5 - 7% trọng lượng thân, từ tháng thứ 3 trở đi cho ăn từ 2 – 3% trọng lượng thân.
Khi cho ăn cố định chỗ cho ăn và giờ cho ăn, hàm lượng đạm và cỡ thức ăn thay đổi theo từng giai đoạn sinh trưởng. Định kỳ hàng tháng kiểm tra trọng lượng cá và điều chỉnh lượng thức ăn cho các lần kế tiếp. Định kỳ 1 tháng/2 lần bổ sung vitamin C để tăng khả năng hấp thụ thức ăn, tăng sức đề kháng cho đàn cá.
Từ hiệu quả kinh tế mô hình nuôi cá Hồng Mỹ đem lại, kết hợp những tác động tích cực về môi trường, xã hội, cho thấy mô hình nuôi cá Hồng Mỹ đã mở ra một hướng đi mới cho các hộ vùng triều ven biển.
Thu hoạch cá Hồng Mỹ sau 9 tháng nuôi tại mô hình nuôi cá Hồng Mỹ ở xã Hoằng Phong, huyện Hoằng Hóa (tỉnh Thanh Hóa).
Mô hình thành công sẽ nhân rộng ra các vùng nuôi cá biển thương phẩm tập trung giúp các hộ nuôi trồng thủy sản vùng triều làm chủ được quy trình nuôi, nâng cao về sản lượng và chất lượng sản phẩm, sản phẩm đạt an toàn vệ sinh thực phẩm. Tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người nuôi. Đồng thời hướng tới phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững.
Anh Trương Văn Miên, giám đốc HTX dịch vụ nuôi trồng thủy sản Hoằng Phong cho biết thêm, cá Hồng Mỹ là đối tượng nuôi mới, lần đầu tiên được đưa vào nuôi trên địa bàn xã nhưng đã cho thấy được sự thích nghi tốt, hầu như không có dịch bệnh, tỷ lệ sống cao, dễ chăm sóc.
Đây là đối tượng thủy sản có giá trị dinh dưỡng cao, thịt thơm ngon, được thị trường ưa chuộng. Ông Miên cho biết với tổng diện tích nuôi tôm của xã là gần 300ha nuôi tôm sú đều lâm vào tình trạng thua lỗ. nguyên nhân làm cho dịch bệnh xảy ra liên tục do môi trường ao nuôi bị suy thoái, mầm bệnh của tôm sú luôn tồn tại trong ao từ vụ này sang vụ khác, nếu nuôi tôm sú liên tục, không có biện pháp luân canh thì đều thất bại do dịch bệnh.
Vì vậy, thành công từ mô hình nuôi cá Hồng Mỹ của ông Trương Văn Huy sẽ giúp đa dạng đối tượng nuôi, nâng cao hiệu quả sử dụng trên một đơn vị diện tích mặt nước, đáp ứng nhu cầu thị trường, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân, đảm bảo an toàn thực phẩm.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.