Từ đầu tháng 7, giá heo hơi xuất chuồng có xu hướng tăng liên tục, lên 61.000 - 73.000 đồng/kg, đáng chú ý có thời điểm vọt lên mốc 75.000 đồng/kg. Như vậy, từ mốc 46.000 - 48.000 đồng/kg vào thời điểm đầu năm, tính đến nay, heo hơi đã tăng lên mức 69.000 - 73.000 đồng/kg, tùy địa phương.
Nhìn chung, trong 6 tháng đầu năm, giá heo hơi đã tăng khoảng 23.000 - 29.000 đồng/kg, tương đương tăng 30 - 38%.
Từ đầu tháng 7 đến nay, trong khi giá cổ phiếu các doanh nghiệp lĩnh vực bất động sản, ngân hàng, chứng khoán… có các phiên tăng, giảm đan xen, thì cổ phiếu của các công ty hoạt động trong ngành chăn nuôi lại liên tục hồi phục mạnh mẽ.
Cụ thể, kể từ vùng đáy gần nhất vào cuối tháng 6/2022, nhiều mã cổ phiếu ngành chăn nuôi đã tăng gần 20%, thậm chí có mã tăng 50% - 60%. Chẳng hạn, cổ phiếu HAG của Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai (HAGL), từ mức giá 6.980 đồng/CP (phiên 17/6), hiện đã tăng lên mức 10.950 đồng/CP (tăng 56,8%).
Tương tự, cổ phiếu DBC của Công ty CP Tập đoàn Dabaco Việt Nam đã tăng 66,4% tính từ vùng đáy tháng 6 đến nay, từ mức giá 16.430 đồng/CP lên mức giá hiện tại 27.350 đồng/CP.
Hay giá cổ phiếu BAF của Công ty CP Nông nghiệp BAF Việt Nam cũng tăng trên 16% từ vùng đáy tháng 6, hiện đang ở vùng giá 34.850 đồng/CP.
Trên sàn UPCoM, cổ phiếu MLS của Công ty CP Chăn nuôi - Mitraco cũng tăng gần 63%, từ vùng đáy 14.500 đồng/CP hồi tháng 6, lên mức 23.600 đồng/CP hiện tại. Tương tự, VLC của Tổng Công ty Chăn Nuôi Việt Nam cũng tăng khoảng 30,3%.
Có thể thấy, thịt heo liên tục tăng giá những ngày gần đây, cùng với dự báo mặt hàng thực phẩm này tiếp tục lên giá trong thời gian tới đã mở ra kỳ vọng về bức tranh kinh doanh tươi sáng của các doanh nghiệp trong ngành.
Trong thông báo mới đây của HAGL, doanh nghiệp này ước đạt 531 tỷ đồng lãi sau thuế trong 6 tháng đầu năm 2022, thực hiện được 47% kế hoạch lợi nhuận cả năm.
Doanh nghiệp của bầu Đức cũng "bật mí" thêm, từ nay đến cuối năm, khi giá bán heo tiếp tục tăng cao như hiện nay (đang tăng 20% so với mức giá lập kế hoạch) và sản lượng heo xuất bán dự kiến tăng gấp đôi so với sản lượng tiêu thụ trong 6 tháng đầu năm, công ty dự kiến sẽ sớm đạt được kế hoạch đề ra cho cả năm 2022 và thậm chí vượt kế hoạch từ 20 - 30%.
Tương tự, với Công ty CP Tập đoàn Dabaco Việt Nam, dù chưa công bố báo cáo tài chính nhưng theo dữ liệu từ SSI Research, với giả định giá heo hơi bình quân sẽ đạt 60.400 đồng/kg trong năm 2022, ước tính lợi nhuận sau thuế của Dabaco đạt 698 tỷ đồng (-16% so với cùng kỳ), vì năm 2020 và 2021 đều ghi nhận mức nền cao.
Sang tới năm 2023, ước tính lợi nhuận sau thuế của DBC đạt 900 tỷ đồng (tăng 29% so với cùng kỳ), dựa trên giả định giá heo hơi bình quân sẽ đạt 61.600 đồng/kg.
Trong báo cáo triển vọng về ngành thực phẩm mới công bố, SSI Research cho rằng, tại Việt Nam kể từ khi nền kinh tế mở cửa trở lại, nhu cầu về thịt vẫn chưa tăng mạnh.
Cụ thể, trích dẫn dữ liệu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), SSI Research cho hay, mức tiêu thụ thịt heo trên đầu người của Việt Nam đã giảm trước dịch Covid-19, từ 31,4 kg/người năm 2018 xuống còn 26,8 kg/người trong năm 2022. Trong khi đó, với tổng số 28,2 triệu con heo dự kiến sản xuất được 4 triệu tấn heo hơi trong năm nay, nguồn cung heo hơi khó có thể thiếu hụt.
"Giá heo hơi sẽ khó tăng đột biến, kể cả trong dịp Tết. Ước tính giá heo hơi sẽ đạt khoảng 65.000 - 70.000 đồng/kg trong nửa cuối năm 2022, tăng 30% so với cùng kỳ (vì nửa cuối năm 2021 có mức nền thấp)", chuyên gia phân tích của SSI Research dự báo.
Theo dự báo của Cục Chăn nuôi, giá heo hơi có thể chỉ tăng thêm 3.000 - 6.000 đồng/kg, tương đương từ 5 - 10% trong quý III năm nay.
Thời gian tới, khả năng giá heo hơi sẽ tiếp tục tăng khi giá thành chăn nuôi, giá xăng dầu ở mức cao… nhưng khó có thể tăng đột biến.
Về phía nguồn cung, giá nguyên liệu thô như ngô, lúa mì và đậu nành đã giảm lần lượt 7%, 30% và 8% so với mức đỉnh. Vì vậy, ước tính chi phí thức ăn chăn nuôi sẽ đi ngang và bắt đầu giảm trong quý IV/2022.
"Chi phí chăn nuôi sẽ giảm trong nửa cuối năm 2022, trong khi giá heo hơi dự kiến sẽ tăng chậm đến cuối năm. Chúng tôi kỳ vọng các công ty chăn nuôi sẽ bắt đầu phục hồi trong nửa cuối năm 2022", SSI Research nhận định.
Trong khi đó, Công ty Chứng khoán VNDirect lại đưa ra nhận định, năm 2022 vẫn sẽ là năm đầy thách thức với các doanh nghiệp sản xuất thịt.
Theo Chứng khoán VNDirect, hiện giá thức ăn chăn nuôi chiếm khoảng 65 - 70% giá thành sản xuất thịt lợn. Trong khi giá nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi chiếm tới 80-85% giá thành sản xuất thức ăn chăn nuôi. Do đó, chi phí nguyên liệu cao sẽ dẫn đến chi phí chăn nuôi cao hơn trong năm 2022.
Trong khi đó, giá lợn hơi được dự báo giảm 5,8% so với cùng kỳ do mức giá nền cao trong 6 tháng năm 2021, điều này dẫn đến biên lợi nhuận của các doanh nghiệp sản xuất thịt sẽ giảm trong năm 2022.
"Có thể nói, triển vọng tăng trưởng lợi nhuận ròng của các doanh nghiệp chăn nuôi đã được phản ánh vào giá và các công ty này dự kiến sẽ ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận ròng âm trong 2022. Do vậy, các nhà đầu tư nên thận trọng trong các quyết định đầu tư liên quan đến cổ phiếu ngành thịt trong giai đoạn này…", chuyên gia của chứng khoán VNDirect khuyến nghị.
Để hỗ trợ ngành chăn nuôi trong nước, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 110, điều chỉnh mức thuế suất thuế xuất khẩu và thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với một số nhóm hàng, trong đó thuế suất nhập khẩu lúa mì giảm từ 3% xuống 0% và ngô từ 5% xuống 2%.
Mức thuế mới này kỳ vọng sẽ có tác động tích cực giúp hạ giá thành thức ăn chăn nuôi, từ đó giảm áp lực chi phí đầu vào cho các công ty chăn nuôi…