Hội Chăn nuôi Việt Nam chỉ rõ bản chất giá lợn hơi tăng, người tiêu dùng nên "chia sẻ"

Minh Huệ (thực hiện) Thứ bảy, ngày 23/07/2022 19:24 PM (GMT+7)
Nguyên nhân giá lợn hơi bật tăng những ngày gần đây chủ yếu là do cung cầu của thị trường, đó là quy luật tất yếu và là chuyện bình thường. Người tiêu dùng nên chấp nhận và chia sẻ với người chăn nuôi vì nửa năm qua, họ đã thua lỗ rất nhiều.
Bình luận 0

Hội Chăn nuôi Việt Nam chỉ rõ bản chất giá lợn hơi tăng, người tiêu dùng nên chia sẻ

Đó là nhận định của ông Nguyễn Xuân Dương – Phó Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam khi trả lời phỏng vấn của PV Dân Việt về tình hình giá lợn hơi và giá thịt lợn hiện nay.

Sau một thời gian dài trầm lắng, những ngày gần đây giá lợn hơi trên cả nước bật tăng khá mạnh. Ông có thể cho biết vì sao giá lợn hơi tăng nhanh?

- Giá lợn hơi trên thị trường đang tăng lên hơn 70.000 đồng/kg, cao hơn nhiều so với cuối năm ngoái và đầu năm nay. Với giá này, người chăn nuôi mới bắt đầu có lãi, bởi giá thức ăn chăn nuôi đã tăng tới hơn 30%, khiến giá thành bị đẩy lên cao. Thực tế là 2 năm qua, người chăn nuôi nói chung rất khó khăn vì giá thịt lợn và giá vật nuôi nói chung đều ở mức thấp.

Hội Chăn nuôi Việt Nam chỉ rõ bản chất giá lợn hơi tăng, người tiêu dùng nên "chia sẻ" - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Xuân Dương – Phó Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam cho rằng, giá lợn hơi bật tăng những ngày gần đây chủ yếu là do cung cầu của thị trường, đó là quy luật tất yếu và là chuyện bình thường.

Vì vậy, giá lợn hơi tăng lên những ngày gần đây là tín hiệu đáng mừng cho bà con, và tôi cho rằng mức giá này phản ánh đúng quy luật cung cầu. Bởi vì những lí do sau:

Một là nguồn cung thịt lợn trong nước có giới hạn, trong khi nhu cầu về thịt lợn đang tăng trở lại sau quá trình dịch Covid phức tạp. Sắp tới, các ngành sản xuất, du lịch, dịch vụ phục hồi, nhu cầu thực phẩm sẽ tiếp tục tăng cao và kéo theo giá lợn hơi có thể sẽ tăng cao hơn nữa.

Thứ 2, nguyên liệu đầu vào cho chăn nuôi thời gian qua tăng rất cao, khiến người chăn nuôi không có lãi. Đây chính là cơ hội để bà con thu hồi vốn, tái sản xuất cho chu kì sau.

Thứ 3, giá lợn hơi hiện nay cứ cho là cao, nhưng nếu so với khu vực thì vẫn ở mức thấp. Ví dụ, nhìn sang Campuchia giá lợn hơi ở mức 70.000 –80.000 đồng/kg lâu rồi. Bên Trung Quốc, Thái Lan cũng đang 80.000 - 90.000 đồng/kg.

Chúng ta cần đánh giá rõ, mặt bằng giá nông sản trên thị trường thế giới cũng như trong nước hiện nay đều tăng cao, trong khi giá vật nuôi tăng chậm so với thị trường. Do đó đợt tăng giá này chúng ta hãy xem như một quy luật bình thường của thị trường, của cung cầu.

Tôi rất muốn người tiêu dùng hãy chia sẻ khó khăn với người chăn nuôi khi 2 năm vừa qua, bà con gần như không có lãi. Bà con bán dưới giá thành lâu rồi, chỉ cố gắng duy trì sản xuất mà thôi.

Hội Chăn nuôi Việt Nam chỉ rõ bản chất giá lợn hơi tăng, người tiêu dùng nên "chia sẻ" - Ảnh 2.

Trong ảnh: Đàn lợn giống hậu bị tại trang trại của anh Nguyễn Đắc Thép (Hưng Yên). Ảnh: NVCC

Thực tế, đây không phải lần đầu tiên giá lợn hơi tăng cao, thậm chí từng có thời điểm giá lợn hơi tăng lên 100.000 đồng/kg mà người tiêu dùng vẫn chịu được, ông nghĩ sao?

- Đúng là như vậy. Chúng ta đã từng chấp nhận mức giá 100.000 – 103.000 đồng/kg lợn hơi, trong khi bây giờ giá lợn hơi mới ở mức 70.000-75.000 đồng/kg, lại đang trong bối cảnh mặt bằng giá tiêu dùng đang tăng cao hơn rất nhiều những năm 2000. Do đó, tôi vẫn khẳng định giá lợn hơi tăng như hiện nay là chuyện bình thường.

Trong bối cảnh đó, người nông dân vẫn đang phải chịu mức chi phí thức ăn chăn nuôi rất cao. Chỉ 6 tháng đầu năm năm 2022 đã có tới 6 lần tăng giá, vậy theo ông chúng ta nên bình ổn giá thức ăn chăn nuôi như thế nào?

-Chuyện giá thức ăn chăn nuôi chúng ta đã bàn rất nhiều năm nay rồi. Tuy nhiên, có những vấn đề thuộc về khách quan, ngoài tầm kiểm soát, chúng ta phải chấp nhận. Do chúng ta phụ thuộc vào nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nên khi giá nguyên liệu thế giới tăng cao, chúng ta buộc phải mua với giá cao.

Mà giá cao này cũng là khách quan do đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu vì dịch bệnh, vì xung đột Nga – Ukraine, cũng như một phần nguyên liệu ngô, sắn được chuyển sang để sản xuất ethanol.

Trước tình hình này, tôi cho rằng chúng ta nên có những giải pháp kiểm soát chặt chẽ hơn, tìm cách giảm phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu từ nước ngoài. Nghiên cứu giúp nông dân giảm chi phí đầu vào, trong đó có giá thức ăn chăn nuôi, từ đó hạ giá thành sản xuất, chứ không phải tìm cách kéo giá thịt lợn hay giá thịt gà xuống.

Thưa ông, hiện nay tôi đang đi chợ mua thịt lợn với giá 150.000 – 160.000 đồng/kg. Như vậy có thể thấy giá thịt lợn từ chuồng trại cho đến tay người tiêu dùng chênh lệch rất cao. Như vậy có phải là khâu phân phối đang có vấn đề?

- Rõ ràng khâu phân phối đã có vấn đề từ lâu nay, bởi vì chúng ta liên kết chuỗi chưa tốt. Người chăn nuôi khi đến kỳ xuất chuồng thì gọi cho thương lái đến mua, thương lái trả giá nào biết giá ấy, không hề có liên kết, đặt hàng. Khi thị trường bất ổn, thì khâu trung gian bao giờ cũng "đi trước một bước", thậm chí có không ít người lợi dụng đẩy giá lên cao để hưởng lợi.

Cứ mỗi khâu đẩy giá một ít sẽ làm tăng thêm giá thành sản phẩm. Cuối cùng người tiêu dùng phải mua thịt lợn với giá đắt còn người chăn nuôi cũng không được hưởng lợi.

Vậy theo ông, kiểm soát giá thịt lợn cần làm chặt hơn ở khâu nào?

- Chúng ta cần sự vào cuộc của tất cả các bên liên quan, với sự tham gia tích cực của các bộ, ngành, trong đó vai trò của Bộ Công Thương phải thể hiện mạnh mẽ hơn nữa trong việc thực hiện các nhóm giải pháp bình ổn giá, bảo vệ sản xuất trong nước.

Chúng ta đã có nhiều chính sách hỗ trợ người chăn nuôi, nhưng các chính sách cũng chỉ ở mức độ tác động nhất định. Còn khó khăn luôn luôn thuộc về người chăn nuôi. Đây là thời điểm người tiêu dùng nên chia sẻ với bà con thì chúng ta mới duy trì được quy mô đàn vật nuôi tối thiểu, để đảm bảo an toàn thực phẩm cho lâu dài.

Xin cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem