Châu Âu sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu nguồn cung khí đốt từ hôm 27/7, khi công ty Gazprom (GAZP.MM) của Nga cho biết họ sẽ cắt giảm dòng chảy qua đường ống Nord Stream 1 đến Đức xuống còn 20% công suất.
Đứng trước tình hình này, Brussels kêu gọi các nước thành viên tiết kiệm khí đốt và dự trữ cho mùa đông do lo ngại Nga sẽ cắt đứt hoàn toàn dòng chảy để trả đũa các lệnh trừng phạt đối với chiến sự Ukraine.
Cụ thể, các bộ trưởng năng lượng đã thông qua đề xuất cho tất cả các nước EU tự nguyện cắt giảm 15% lượng khí đốt sử dụng trong giai đoạn từ tháng 8/2022 đến tháng 3/2023, so với mức trung bình từ năm 2017-2021.
Việc cắt giảm có thể trở nên bắt buộc trong trường hợp khẩn cấp về nguồn cung, với điều kiện đa số các nước EU tán thành. Bên cạnh đó, các nước thành viên đã đồng ý miễn cho một số ngành công nghiệp khỏi mức cắt giảm 15%.
Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck lưu ý thỏa thuận sẽ cho Tổng thống Nga Vladimir Putin thấy rằng châu Âu vẫn đoàn kết. "Ông ấy sẽ không thể chia rẽ chúng tôi," Habeck nói.
Hai quan chức EU cho biết Hungary là quốc gia duy nhất phản đối thỏa thuận này.
Hôm 26/7, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuyên bố động thái cắt giảm nguồn cung của Nga là nhằm áp đặt "khủng bố giá cả" đối với châu Âu.
"Sử dụng Gazprom, Moscow đang làm tất cả những gì có thể để khiến mùa đông tới đây trở nên khắc nghiệt nhất có thể đối với các nước châu Âu. Các quan chức châu Âu cần có biện pháp đáp trả", ông nói trong một bài phát biểu của mình.
Gazprom thông báo động thái cắt giảm mới nhất của họ là do cần phải tạm dừng hoạt động của một tuabin. Giám đốc năng lượng EU Kadri Simson bác bỏ lý do, gọi hành động này là mang "động cơ chính trị".
Nga đã cung cấp 40% khí đốt của EU trước khi triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào ngày 24/2.
Thỏa thuận của EU sẽ miễn trừ cho Ireland, Malta và Síp khỏi việc cắt giảm 15% khí đốt. Các quốc gia này sẽ không được kết nối với mạng lưới khí đốt của các quốc gia thành viên khác và không thể chia sẻ khí đốt dự phòng nếu cần.
Các quốc gia có khả năng xuất khẩu khí đốt sang các nước EU khác có thể đàm phán điều kiện có lợi hơn, miễn là họ tiếp tục xuất khẩu. Trong đó bao gồm Tây Ban Nha, quốc gia không phụ thuộc vào khí đốt của Nga và ban đầu phản đối kế hoạch này.
"Mọi người đều hiểu rằng khi tình hình trở nên cấp bách, chúng ta phải giúp đỡ", Bộ trưởng Năng lượng Tây Ban Nha Teresa Ribera nói.
Một số quốc gia có thể được miễn cắt giảm trong các ngành công nghiệp quan trọng, chẳng hạn như sản xuất thép sử dụng nhiều năng lượng.
Bộ trưởng Bộ chuyển đổi sinh thái Ý Roberto Cingolani cho biết mục tiêu cắt giảm của nước này sẽ chỉ ở khoảng 7% chứ không phải 15%.
Tin tức về sự sụt giảm nguồn cung mới nhất đã khiến giá khí đốt tăng cao, làm tăng thêm chi phí tích trữ, đồng thời giảm bớt động lực sử dụng.
Hôm 26/7, hợp đồng khí đốt tháng giao ngay (front month) của Hà Lan đã tăng hơn 10% và cao hơn khoảng 430% so với một năm trước.
Kế hoạch của EU là một thử thách đối với sự đoàn kết của các nước. Ba Lan đã chấp thuận thỏa thuận này, tuy nhiên Bộ trưởng Khí hậu Anna Moskwa lo ngại động thái mới có thể ảnh hưởng đến nhiều ngành công nghiệp của Warsaw.
Những nước khác tích cực hơn, bao gồm Malta và Bồ Đào Nha. Bộ trưởng Năng lượng Malta Miriam Dalli nói: "Chúng tôi đã truyền đi một thông điệp mạnh mẽ về sự đoàn kết".
Một số người bày tỏ lo ngại rằng khoản dự trữ sẽ không đủ để tránh tình trạng thiếu hụt trong mùa đông. Bộ trưởng Môi trường Ireland Eamon Ryan lưu ý: "15% có lẽ sẽ không đủ, đặc biệt với những gì Nga vừa công bố".