Câu cá suối là cả một nghệ thuật, đòi hỏi kỹ năng điêu luyện của người đi câu. Với đặc tính ăn mồi động, người câu phải cho cần câu nằm dọc theo mặt nước và liên tục co duỗi tay theo chiều nước chảy.
Như đã hẹn, chúng tôi có dịp theo chân ông Hồ Văn Thanh ở xã Trà Thủy (huyện Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi) đi ‘săn cá suối’. Gọi là ‘săn’ cho oai, chứ người dân trên núi chỉ nói đơn giản là ‘câu cá suối’.
'Hành trang' mà ông Thanh mang theo chuyến đi câu khá đơn giản, chỉ có một chiếc cần câu, một cái giỏ đan để đựng cá và cái ống chứa mồi câu. Từ con đường nhựa, sau hơn mười phút đi bộ men theo con đường mòn trong rừng, chúng tôi đã đến địa điểm câu- đó là một dòng suối trong vắt nằm ở xã Trà Thủy.
Trên non cao, những dòng suối chảy róc rách, mát lạnh, nhiều rong rêu là môi trường sống lý tưởng của những loài cá suối. Cá suối sống từng đàn ở các khe đá và nơi nước chảy. Những con cá to nhất cũng chỉ bằng ngón tay cái, thế nhưng, cá suối có đặc tính rất khỏe để có thể bơi ngược cả dòng nước chảy mạnh.
Để câu được cá, người câu phải lội xuống suối ở những đoạn nước chảy.
Sau khi chọn được khu vực câu lý tưởng, ông Thanh bảo chúng tôi ngồi trên bờ, còn ông cởi phăng chiếc quần dài đang mặc khoát lên cổ.
Ông chỉ mặc quần đùi, mang cần câu lội xuống dòng suối đang chảy và móc mồi buông câu. Thấy chúng tôi có ngạc nhiên, ông Thanh bảo, câu cá suối thì phải lội xuống suối mới câu được chứ không như cách câu cá thông thường là ngồi trên bờ buông câu rồi đợi cá cắn câu.
Chia sẻ bí quyết về cách câu cá suối, ông Thanh cho biết, loại cá này thì câu không cần phao chỉ câu ngầm. Mồi câu có thể dùng trứng kiến, bọ nhảy hoặc bọ đá (hai loài giáp xác sống dưới nước). Điều khác với cách câu thông thường là người câu không đứng yên một chỗ mà phải liên tục di chuyển theo dòng suối chảy. Khi buông câu, mồi câu sẽ trôi trên theo dòng nước chảy.
“Do đặc tính các suối chỉ ăn mồi động nên khi câu phải cầm cần câu để nằm dọc theo mặt nước và liên tục co duỗi tay theo chiều nước chảy, làm cho mồi như còn sống, đang di động để 'dụ' cá. Những con cá suối sẽ lao theo đớp mồi và mình dùng cảm giác ở cổ tay để đoán biết cá đã cắn hay chưa để giật lên. Chính vì vậy, muốn câu được cá, người câu cần phải có kinh nghiệm”- ông Thanh nói.
Với ông Thanh và cũng như không ít người dân ở vùng cao, câu cá suối không chỉ là thú vui sau những giờ lên rẫy mệt nhọc mà còn là góp phần cải thiện bữa ăn của gia đình.
Một con cá suối dính câu.
Sau hơn một giờ đồng hồ lội suối buông cần, ông Thanh trở về bờ với giỏ cá suối kha khá mang bên mình. Giở giỏ các các vừa câu được cho chúng tôi xem, ông Thanh nói như phân bua: Cách đây chừng vài năm, cá suối rất nhiều, đi chỉ vài giờ đồng hồ là có đủ cá để vừa ăn vừa bán.
Nhưng giờ đây, cá suối trở thành ‘đặc sản’, nhiều người dân đánh bắt theo kiểu tận diệt nên cá cũng ngày càng ít dần.
Do tập quán sinh sống tự nhiên ở suối, chỉ ăn rong rêu nên thịt cá suối rất chắc, ngọt. Cá đánh bắt về có thể chế biến thành các món ăn khác nhau như kho, chiên giòn, nướng,… Tuy nhiên, theo ông Thanh ngon nhất vẫn là món cá nướng.
Cá suối ngày càng ít dần.
Cá suối sau khi rửa sạch, ông Thanh dùng thanh lồ ô để kẹp chặt và đặt trên bếp lửa than rực hồng ven suối. Trong thời gian chờ cá chín, ông Thanh giã chén muối ớt từ muối hột ông mang theo với ít ớt sim mọc hoang dã trên núi. 'Cá nướng mà ăn với muối ớt này là số 1’- ông Thanh vừa giã vừa nói với chúng tôi.
Chừng 10 phút, cá chín vàng tỏa ra mùi thơm lừng khiến chúng tôi ai cũng muốn thưởng thức ngay. Thịt cá ngọt thơm hòa lẫn vị mặn mòi, cay nồng của chén muối ớt rừng khiến chúng tôi thưởng thức vừa hít hà, vừa khen ngon đáo để.
Sẽ chẳng có gì thú vị bằng khi ngồi thả hồn bên dòng suối mát lành giữa đại ngàn và thưởng thức những con cá suối nướng giản đơn nhưng đầy dư vị.