Xóm cà phê đường tàu nổi tiếng "trên mạng xã hội" từ các vị khách du lịch quốc tế
Phố cà phê đường tàu được biết đến vài năm trở lại đây và nhanh chóng thu hút giới trẻ và khách du lịch quốc tế, đặc biệt sau khi xuất hiện trên tạp chí du lịch danh tiếng National Geographic Traveler, với chia sẻ khá thú vị của một vị khách nước ngoài, xóm cà phê đường tàu lập tức trở lên nổi tiếng và được nhiều du khách quốc tế đến Việt Nam đều ghé qua trải nghiệm và check-in.
Hình con phố nhỏ với những ngôi nhà cũ nằm san sát, ở giữa là đường ray tàu kéo dài từ ga Long Biên đến hết phố Lê Duẩn vừa mang nét đẹp của khu phố cổ Hà Nội vừa vẫn hiện hữu đời sống sinh hoạt của người dân Hà Nội đã biến nơi đây trở thành điểm du lịch của những vị khách quốc tế vừa muốn trải nghiệm một chút mạo hiểm khi đoàn tàu chạy qua, vừa được khám phá văn hóa, đời sống địa phương.
Tháng 10/2019, xóm cà phê đường tàu đã ngừng hoạt động, các hộ kinh doanh không được phép bán cà phê. Và đến nay, sau thời gian con phố cà phê đường tàu đã hoạt động trở lại, đã dần "hồi sinh".
Diện mạo mới trên phố cà phê đường tàu sau ngày hồi sinh trở lại. Clip: Thanh Tùng.
Theo ghi nhận của PV Dân Việt, nhiều cửa hàng kinh doanh cà phê trên phố đường tàu, đoạn qua Trần Phú, Phùng Hưng đã khoác lên mình một màu áo mới. Sau ngày mở cửa, nhiều du khách quốc tế cũng đã tìm tới đây thưởng thức cà phê và chụp ảnh tại con phố độc đáo của Thủ đô Hà Nội.
Tuy nhiên ngay sau khi các quán cà phê được mở lại, một vài ý kiến cho rằng như vậy vẫn quá nguy hiểm, không đảm bảo an toàn cho du khách. Chia sẻ về với Dân Việt, ông Hoàng Mạnh Tuấn – Chánh Văn phòng HĐND – UBND quận Hoàn Kiếm cho biết: "Việc đảm bảo an toàn trên phố cà phê đường tàu là điều vô cùng quan trọng. Do đó, cơ quan chức năng đã yêu cầu các cơ sở kinh doanh chỉ được phép mở bán bên trong nhà để đảm bảo an toàn cho du khách.
Tuy nhiên, việc vận động cũng gặp nhiều khó khăn do trong những thời điểm đông khách, một số du khách vẫn tự ý tràn ra hành lang đường sắt để chụp ảnh. Đây là điều vô cùng nguy hiểm với chính bản thân du khách. Thế nhưng cấm hẳn các hộ dân ở đó không được kinh doanh thì cũng khó, bởi sau hai năm dịch Covid diễn ra căng thẳng, đời sống kinh tế của các hộ dân ở đó nói riêng và người dân nói chung gặp rất nhiều khó khăn.
Nhiều hộ gia đình cũng cần thực hiện hoạt động kinh doanh để đảm bảo duy trì cuộc sống, vì vậy đây cũng là bài toán khó cho cơ quan quản lý địa phương vừa phải cân nhắc để đảm bảo an toàn cho du khách, vừa tạo điều kiện cho người dân đảm bảo điều kiện sinh hoạt cuộc sống".
Bàn về giải pháp để vừa có thể hồi sinh cà phê đường tàu nhưng vẫn đảm bảo an toàn cho du khách, ông Hoàng Mạnh Tuấn cho hay, Bộ GTVT có thể bàn giao lại tuyến đường sắt nội đô cho UBND thành phố. Việc quy hoạch, phát triển và quản lý tuyến đường sắt từ Ga Hàng Cỏ đến Ga Long Biên sẽ tạo ra một điểm đến thu hút du khách trong nước và quốc tế. Đồng thời, vẫn có thể duy trì các tuyến tàu chạy qua địa điểm này với tốc độ chậm để du khách có thể cảm nhận được không khí và chứng kiến đoàn tàu chạy qua.
Bên cạnh đó, những hộ kinh doanh xung quanh phố cà phê đường tàu cần có những cam kết trong việc đảm bảo an toàn hành lang đường sắt. Các cơ quan chức năng cũng cần có những quy định rõ ràng, cụ thể để người dân và du khách nắm bắt, tuân thủ theo quy định đề ra.
Trong trường hợp những hộ kinh doanh cố tình lần chiếm hàng lang đường sắt gây mất an toàn, ông Hoàng Mạnh Tuấn cho biết: "Với những trường hợp này, các cơ quan chức năng sẽ có biện pháp nhắc nhở, xử phạt theo đúng quy định. Cùng với đó, chúng tôi cũng kết hợp với các lực lượng an ninh đường sắt để giải quyết khi có những tình huống phát sinh xảy ra.
Đồng thời cần có thêm những điều chỉnh, nhắc nhở với chính bản thân du khách để không xảy ra tình trạng một số du khách cố tình lấn vào khu vực nguy hiểm. Bởi lẽ, điều này sẽ gây nguy hiểm cho chính bản thân du khách và tạo ra những hệ lụy khó lường", ông Hoàng Mạnh Tuấn nói.
Là đơn vị trực tiếp quản lý phố cà phê đường tàu, ông Đinh Bá Hưng – Phó Chủ tịch UBND phường Hàng Bông, cho Dân Việt biết: "Hiện nay, qua kiểm tra, giám sát, địa bàn phố cà phê đường tàu có khoảng 14 hộ kinh doanh. Các hộ hiện nay chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực buôn bán cà phê, đồ ăn... Trong đó, có 4 hộ đã có giấy phép kinh doanh, số còn lại là các hộ chưa có giấy phép kinh doanh".
Cũng theo chia sẻ của ông Đinh Bá Hưng, đối với các cơ sở kinh doanh trên địa bàn, phường đã đề ra yêu cầu các hộ cũng doanh phải có giấy phép kinh doanh, chứng nhận đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Đồng thời, các hộ kinh doanh trên khu vực đường sắt phải cam kết đảm bảo an toàn, không lấn chiếm hành lang trong quá trình kinh doanh tại phố cà phê đường tàu. Với những hộ không đủ điều kiện kinh doanh phường đã ra thông báo đóng cửa kinh doanh với những hộ trên.
Đại diện phường Hàng Bông chia sẻ thông tin về các hộ kinh doanh trên phố cà phê đường tàu. Clip: Thanh Tùng.
Về phía chính quyền địa phương, phường Hàng Bông cũng đã có những biện pháp như tuyên truyền bằng loa phát thanh, vận động người dân, du khách và lập các chốt kiểm soát trên phố cà phê đường tàu. Tuy nhiên, do nhân sự vẫn còn mỏng nên đây cũng chỉ là giải pháp tạm thời. Vì vậy, bản thân chính những người dân cần có sự tự giác và nhắc nhở những du khách trong quá trình di chuyển tại phố cà phê đường tàu.
Theo ông Đinh Bá Hưng, dù đã có sự tuyên truyền quản lý từ chính quyền sở tại, nhưng vào thời điểm đông khách, tình trạng lấn chiếm, tràn ra hành lang đường sắt vẫn có thể xảy ra. Do đó, việc vừa đảm bảo an toàn, vừa duy trì đời sống kinh doanh cho các hộ dân là vấn đề được chính quyền phường hết sức quan tâm. UBND phường Hàng Bông vẫn tổ chức các đoàn thanh tra xuống xóm cà phê đường tàu để kiểm tra, giám sát các hộ kinh doanh thực hiện nghiêm quy định, cũng như nhắc nhở du khách nên tuân thủ, không mải check-in mà ra giữa đường ray tàu, khi tàu chuẩn bị chạy qua.
Ghi nhận thực tế, theo ông Đinh Bá Hưng, trước đây khi con phố nhỏ đường tàu chưa được các hộ kinh doanh cà phê thì đó là con phố chưa được đẹp, thậm chí có phần xuống cấp, nhếch nhác. Thế nhưng kể từ khi nhận thấy nhu cầu của du khách muốn ngồi cà phê trải nghiệm, các hộ gia đình ở đây đã đầu tư, cải tạo cho con phố đường tàu này đẹp hơn, trồng nhiều cây xanh khiến cho nơi này trở thành xóm cà phê đường tàu như ngày hôm nay.
Để hoạt động phát triển phố cà phê đường tàu thành điểm du lịch bền vững, an toàn, ông Đinh Bá Hưng nêu giải pháp: "Cần có sự tính toán, thống nhất rõ ràng từ các Bộ, Ban ngành liên quan, từ đó, tạo ra những cơ chế chung mang tính cụ thể. Đây cũng là hành lang pháp lý trong quá trình xử lý những vi phạm.
Nếu quản lý tốt hoạt động kinh doanh, phát triển du lịch trên phố cà phê đường tàu được hiệu quả sẽ tạo ra nhiều nguồn lợi. Cụ thể, hoạt động kinh doanh sẽ giúp người dân có thêm thu nhập, góp phần gia tăng ngân sách. Đồng thời cũng tạo ra một điểm đến thu hút du khách. Góp phần tạo nên một diện mạo mới trong mắt bạn bè và du khách quốc tế".
Ông Vũ Văn Tuyên – Giám đốc doanh nghiệp du lịch Travelogy cho rằng: "Sở dĩ, cà phê đường tàu đã và đang thu hút rất đông du khách, đặc biệt là khách quốc tế. Dù không phải là điểm du lịch chính thức của thành phố nhưng du khách lại muốn ghé thăm nơi đây bởi nét xưa cũ của một con phố lạ.
Thực tế, so với thế giới, ngành đường sắt của Việt Nam còn rất thô sơ và truyền thống. Do đó, nhiều vị khách quốc tế muốn tận mắt chiêm ngưỡng đường tàu của một thời lịch sử. Bởi với họ, một tuyến đường sắt cũ và cổ xưa như vậy là điều hiếm thấy ở những quốc gia du khách đang sinh sống".
Cũng theo ông Vũ Văn Tuyên, việc gia tăng lượng khách trên tuyến phố cà phê đường tàu cũng tiềm ẩn một số nguy cơ nhất định. Cụ thể, việc kinh doanh, buôn bán hay hoạt động đi bộ, chụp ảnh trên đường ray tàu hỏa có thể dẫn đến những tai nạn nguy hiểm cho người dân và du khách. Do đó bài toán đặt ra lúc này là phải vừa đảm bảo an toàn hành lang đường sắt, đáp ứng được nhu cầu trải nghiệm cho du khách và cũng là đảm bảo đời sống kinh tế cho các hộ kinh doanh tại đây.
Từ thực tiễn đó, chúng ta có thể áp dụng cách làm du lịch đường sắt của nước bạn Thái Lan. Thực tế, họ đã có những cách làm, vận hành hiệu quả để thu hút du khách quốc tế, đảm bảo an toàn cho khách khi khám phá các tuyến đường sắt và trải nghiệm ẩm thực tại đó.
Để việc quản lý, sử dụng tuyến phố cà phê đường tàu trở nên hiệu quả, an toàn và tạo ra một địa điểm du lịch cho thành phố, ông Vũ Văn Tuyên nêu đề xuất: "Chúng ta có thể tăng cường công tác quản lý tại các tuyến đường ray có tàu chạy qua. Để làm được điều này, thành phố có thể kết hợp với các đơn vị ngành đường sắt để bổ trí nhân lực phân công, hướng dẫn và đảm bảo toàn cho du khách.
Đồng thời, cần có những thống nhất cụ thể về thời gian di chuyển của mỗi chuyến tàu chạy qua. Bên cạnh đó, có thể khuyến khích các chuyển tàu chạy chậm lại trên những tuyến phố đặc biệt để du khách có thể chiêm ngưỡng tàu chạy và đảm bảo an toàn cho du khách.
Hiện nay, Việt Nam cũng đang có những đề án chiến lược trong phát triển du lịch đường sắt thông qua đề án phục hồi tuyến đường sắt đầu tiên từ thời Pháp thuộc tại Đà Lạt và Ninh Thuận. Việc sửa chữa, nâng cấp các tuyến đường ray, nhà ga cổ là một phương án cần thiết trong tiến trình xây dựng điểm đến và thu hút khách du lịch. Bởi lẽ hiện nay, du khách quốc tế đang có xu hướng khám phá các điểm điểm du lịch tàu hỏa. Đây là trải nghiệm mới lạ nên nhiều du khách rất hào hứng, quan tâm.
Việc áp dụng mô hình, điểm du lịch đường tàu vào khai thác du lịch sẽ tạo ra những dấu ấn riêng, góp thêm những điểm đến, trải nghiệm mới. Từ đó, giúp cho công tác truyền thông, quảng bá và thu hút du khách đạt hiệu quả hơn. Thông qua hình thức du lịch mới này, du khách sẽ không bị nhàm chán và lựa chọn Việt Nam là điểm đến trong mỗi chuyến hành trình du lịch của mình".