Việt Nam được chuẩn bị để ứng phó với bệnh đậu mùa khỉ
Sáng nay 30/7, bác sĩ Eric Dziuban- Giám đốc Quốc gia Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ (CDC) tại Việt Nam đã cung cấp các thông tin về bệnh đậu mùa khỉ và những nỗ lực của Mỹ giúp Việt Nam kiểm soát bệnh.
"Chúng tôi thường xuyên làm việc đưa ra tư vấn hỗ trợ để làm thế nào Việt Nam chuẩn bị tốt nhất để ứng phó với bệnh đậu mùa khỉ" – bác sĩ Dziuban cho biết.
Về tổng quan, bệnh đậu mùa khỉ đang lây lan rất nhanh, chỉ mất một tuần để tăng từ hơn 16.000 ca lên hơn 21.000 ca trên toàn cầu tính đến sáng 30/7. Tuy nhiên, bệnh không dễ lây như Covid-19, virus ít nguy cơ gây đại dịch hơn vì bệnh không lây nhanh, rộng rãi như Covid-19. Hầu hết các ca bệnh tự khỏi và không cần điều trị đặc biệt.
Song bác sĩ Dziuban lưu ý, đợt bùng phát này có những đặc điểm khác trước. Bệnh được ghi nhận ở nhiều quốc gia ngoài Châu Phi. Đây là một lý do bệnh được coi là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu.
Nhóm dân cư có nguy cơ cao nhất với bệnh là nam quan hệ đồng giới và nữ chuyển giới. Hầu hết ca bệnh là người lớn. 95% ca bệnh là thuộc cộng đồng nam quan hệ đồng giới.
Tuy nhiên, bác sĩ Dziuban nhấn mạnh: Bệnh không chỉ trong nhóm nam quan hệ đồng giới mà bất kỳ ai cũng có thể nhiễm bệnh. Vì vậy cần truyền thông rõ ràng để tránh kỳ thị nhằm vào họ.
Một khác biệt nữa là các biểu hiện lâm sàng của bệnh: Phát ban thường không xuất hiện trên toàn cơ thể như các đợt dịch khác, mà xuất hiện ở một vài bộ phận rồi lan ra, chủ yếu ban ở vùng sinh dục. Vì thế các bác sĩ đôi khi nhầm lẫn bệnh với bệnh lây qua đường tình dục khác, và cần đào tạo cho các bác sĩ để họ tránh nhầm lẫn.
"Việt Nam hoàn toàn có thể chuẩn bị để xác định sớm và ngăn ngừa sự lây lan của ca bệnh" - bác sĩ Dziuban khẳng định. "Dịch Covid-19 đã được ngăn ngừa sớm ở Việt Nam. CDC đã làm việc chặt chẽ với Bộ Y tế 2 tháng qua về căn bệnh. Từ 1/6, tôi đã 1/6/2022 đã giới thiệu cho các các bộ y tế Việt Nam về căn bệnh và làm thế nào chuẩn bị ứng phó với bệnh. Các thành viên CDC cũng làm việc chặt chẽ với Bộ Y tế để đưa ra các hướng dẫn, khuyến cáo về giám sát, xét nghiệm, chẩm đoán lâm sàng, dự đoán bệnh".
Ông cho rằng, nếu có ca nhiễm thì không ngạc nhiên vì Việt Nam đã mở cửa và đi lại quốc tế. "Nhưng Việt Nam có lợi thế hơn vì đã có 2 tháng để chuẩn bị kể từ khi thế giới có ca bệnh, và đã chuẩn bị để đáp ứng tốt nhất. Chúng tôi đang làm việc chặt chẽ với Bộ Y tế để làm thế nào có sinh phẩm xét nghiệm sớm nhất và với WHO để nguồn cung sinh phẩm rộng rãi hơn".
Một số nước đã tiếp cận được vaccine đậu mùa khỉ, đó là những nước đã có ca bệnh. Một số nước khác đang tìm cách tiếp cận hoặc đẩy mạnh sản xuất . Mỹ cũng như một nước khác đang làm việc với các công ty để sớm có vaccine.
Tự phòng ngừa bệnh bằng cách giữ vệ sinh
Thế hệ được tiêm vaccine đậu mùa là thế hệ sinh trước những năm 1970. Bây giờ là những thế hệ mới và đó là một trong những nguyên nhân xuất hiện bệnh đậu mùa khỉ - bác sĩ Dziuban cho biết.
Bác sĩ cung cấp thêm các thông tin về cách lây truyền của đậu mùa khỉ: Bệnh lây từ người sang người qua tiếp xúc với nhau, chạm vào nốt tổn thương của người bệnh, qua dịch tiết hô hấp (trong khoảng cách tiếp xúc gần, người bệnh hắt hơi, có giọt bắn), chạm vào vật dụng của người bệnh (ga giường, băng gạc), lây từ mẹ sang con, lây từ động vật sang người (khỉ không phải động vật duy nhất truyền bệnh sang người, một số động vật khác ở Châu Phi có thể lây nhiễm, chưa ghi nhận từ người sang động vật).
Chỉ khi nào lớp vẩy bong ra và hình thành lớp da mới thì bệnh mới không còn khả năng lây truyền cho người khác.
Về điều trị: Để ngăn ngừa thì tránh tiếp xúc da kề da với người phát ban trông giống đậu mùa khỉ; rửa tay sau khi chạm vào người khác hoặc chạm đồ vật ở nơi công cộng; giáo dục cộng đồng; các phòng khám, cơ sở y tế kiểm soát tốt nhiễm khuẩn; phát triển vaccine nhưng hiện giờ đang thiếu hụt nguồn cung vaccine.
Hiện giờ chưa có cách điều trị đặc hiệu cho bệnh, Một số quốc gia chấp thuận sử dụng phác đồ điều trị đậu mùa để điều trị cho đậu mùa khỉ, chẳng hạn như Mỹ. Những hướng dẫn điều trị được thay đổi theo thời gian, tình hình, địa điểm.
Hầu hết ca bệnh nhẹ, triệu chứng tự khỏi, nhưng nếu bị nặng hoặc nguy cơ cao tiến triển nặng thì cần cân nhắc điều trị cho họ, trong đó có người bị suy giảm miễn dịch, trẻ em, phụ nữ có thai, người gặp biến chứng.
Tính đến sáng nay 30/7 trên toàn cầu có 21.148 ca bệnh đậu mùa khỉ, trong đó 5 ca tử vong đều ở Châu Phi là những nước trước đây đã lưu hành bệnh này. Châu Âu dẫn đầu số lượng ca bệnh, 11.865 ca; Châu Mỹ 3.772 ca; Đông Nam Á 3 ca.
Ca bệnh tăng nhanh, trên toàn cầu số ca từ 16.000 ca lên 21.000 ca chỉ trong 1 tuần.
Trong số 78 quốc gia ghi nhận ca bệnh, 71 nước lần đầu tiên ghi nhận ca bệnh, 7 nước đã từng có ca.
Bệnh đậu mùa khỉ có những đặc điểm chưa từng thấy ở các ca đã bùng phát trước đó. Gần giống đậu mùa đã thanh toán từ lâu, nhưng nguy cơ tử vong thấp hơn rất nhiều.
Bệnh kéo dài 2 -4 tuần. Những triệu chứng đầu tiên là xuất hiện phát ban trong vòng 2 – 5 ngày.