Từng là nạn nhân của nạn mua bán người, suốt 30 năm trời phải sống lưu lạc nơi đất khách quê người nay được trở về ngỡ rằng sẽ được bình an, hạnh phúc nhưng không, chị Lê Thị T (50 tuổi) Hải Dương vẫn từng ngày hứng chịu nỗi đau cả thể xác lẫn tinh thần. Cuộc đời chị giờ chỉ còn tổng kết lại với từ "ba không": Không nhà không cửa, không người thân ruột thịt, thậm chí đến quyền của một công dân chị cũng không có.
Bao năm đã qua đi, nhưng khoảnh khắc bị lừa, rồi bị chuốc thuốc mê bán sang Trung Quốc vẫn khiến chị sợ hãi, đau đớn. Chị T kể lại: "Trước đây gia đình tôi không mấy hạnh phúc. Bố mẹ tôi ly dị, mẹ kế tôi bạo hành nên từ nhỏ tôi đã phải đi làm thuê làm mướn. Năm 18 tuổi (năm 1990) nhận được thông tin mẹ đẻ lưu lạc sống tại Thái Nguyên tôi bắt tàu đi từ Ga Gia Lâm (Hà Nội) lên Thái Nguyên. Lúc đó có người tiếp cận trò chuyện làm quen. Sau đó họ mời tôi ăn trưa và tôi ngất đi, lúc tỉnh lại thì biết đã bị bán sang Trung Quốc".
Nhớ lại khoảng thời gian ấy, nước mắt chị lại tuôn rơi: "Tôi được bán cho một lão điên ở vùng núi tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc). Dù đã sinh cho hắn 2 mụn con nhưng lúc nào cũng bị hắn đánh đập. Đầu tôi phải khâu đến 73 mũi, đến giờ vẫn còn đau nhức mỗi khi trái gió trở trời". Vì sống với người chồng điên khùng, thường xuyên bị bạo hành nên nhiều lần chị T đã tìm cách trốn chạy, nhưng đều không thành. Nhiều lần bọn buôn người và cả gia đình chồng còn dọa nếu còn trốn sẽ cắt gân chân, gân tay.
17 năm sau ngày bị bắt chị đã trốn thoát nhưng ngay sau đó lại bị bọn buôn người bắt lại và bán đi làm vợ cho một gia đình ở tỉnh bên. Đau khổ kéo dài, đã có những lúc chị nghĩ tới cái chết nhưng không cam tâm nên phải cố sống, cố tìm kiếm thông tin với hy vọng một ngày nọ sẽ được trở về quê hương đoàn tụ với gia đình.
"Mãi sau này, năm 2017 tôi dành tiền mua được chiếc điện thoại smartphone. Lúc đó lên mạng mới thấy mấy người Việt Nam ở Trung Quốc rồi tâm sự về chuyện riêng của mình. May mắn được 1 chị giúp đỡ vượt biên mất 2 ngày 2 đêm thì mới trốn thoát về Việt Nam".
Về tới quê hương, vui mừng chưa được lâu thì chị T đã phải đối mặt với muôn vàn khó khăn. "Bố mẹ, anh em ruột của tôi mất hết. Nhà cửa cũng không còn. thậm chí cả chút giấy tờ tùy thân của tôi cũng không còn nữa. Lúc tôi mất tích cả nhà nghĩ tôi đã chết nên chẳng ai giữ lại giấy tờ tùy thân gì. Bởi vậy tôi sống cũng như không, không còn quyền công dân, không được nhận bất cứ sự hỗ trợ nào từ các chính sách Nhà nước", chị T nghẹn ngào.
Mặc dù chị T đã ý kiến với chính quyền địa phương để làm lại giấy tờ tùy thân, nhưng cán bộ UBND xã cho biết không thể giải quyết được với lý do không có căn cứ pháp lý (không có giấy tờ xác định thân nhân) để làm lại hộ tịch cho chị. 5 năm qua chị T đã tìm tới nhiều nơi để cầu cứu, nhờ hỗ trợ nhưng đến nay vấn đề vẫn không được giải quyết. "Chính quyền nói tôi cứ sống như vậy thôi", chị T chia sẻ những giọt nước mắt tuôn rơi.
Hiện nay, vì không có giấy tờ tùy thân nên chị T không thể xin được công việc ổn định, phải làm công việc tự do không có bảo hiểm, lúc ốm đau không dám đi chữa trị. Ai thuê gì làm đó. Bản thân chị T cũng phải đi ở nhờ anh em. Chị cũng không nhận được bất cứ sự hỗ trợ nào từ phía chính quyền địa phương vì không được công nhận là công dân.
Không chỉ chị T, chị Hoàng Thị O (37 tuổi), Hải Dương cũng là nạn nhân của nạn mua bán người. Năm 15 tuổi, lúc đi làm công nhân ở Hải Dương cũng bị lừa rồi bán sang Trung Quốc.
Chị O có vấn đề về thần kinh nên khi sang Trung quốc được bán sang làm vợ cho một người đàn ông sinh năm 1966. Sau khi sinh được 2 con, chồng chết, chị O lại bị nhà chồng bạo hành, đánh đập. May mắn lúc đó chị cũng được người quen hỗ trợ và đưa theo 2 con trốn về Việt Nam.
Chị O trở về Việt Nam mang theo cả 2 con nhưng đến giờ 2 con của chị vẫn chưa thể nhập học vì không có giấy khai sinh, không nhận được bất cứ hỗ trợ nào.
Mong muốn lớn nhất của chị O và chị T chính là được hỗ trợ để làm giấy tờ. Được xác nhận, có quyền công dân.
Bà Nguyễn Thị Kim Dung - Trưởng Ban tuyên giáo Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cho biết, không chỉ chị T và chị O, hàng trăm nạn nhân bị buôn bán người khác cũng đang phải đối mặt với những khó khăn về đủ các vấn đề trong đó có vấn đề tiếp cận pháp lý khi trở về.
Bà Dung kể lại câu chuyện buồn mới đây khi đi khảo sát ở miền Tây. "Tôi từng chứng kiến ở miền Tây có những đứa trẻ là con của nạn nhân bị buôn bán người trở về thậm chí còn không có tên, không có cả giấy tờ tùy thân. Các em đã sống như vậy cả chục năm. Có em còn phải lấy tên của chị họ để đi học và đi thi", bà Dung nói.
Theo báo cáo về tình trạng mua bán người toàn cầu của Cơ quan phòng, chống ma túy và tội phạm của Liên hợp quốc (UNODC), số lượng nạn nhân mua bán người mỗi năm tăng từ dưới 20 nghìn người năm 2003 đến khoảng 49 nghìn người năm 2018, trong đó số lượng nạn nhân nữ chiếm khoảng 65% (trong đó 19% trẻ em gái), số lượng nạn nhân nam chiếm đến 35% (trong đó 15% trẻ em nam) với nhiều hình thức bị mua bán bao gồm: 50% bị bóc lột tình dục, 38% lao động cưỡng bức và một số trở thành nạn nhân của các hoạt động phi pháp khác.
Tại Việt Nam, theo số liệu của Bộ Công an, trong 6 tháng đầu năm 2022, cả nước đã phát hiện, điều tra 33 vụ, 75 đối tượng phạm tội mua bán người; trong đó, kết thúc điều tra, chuyển hồ sơ sang Viện kiểm sát đề nghị truy tố 17 vụ, đang điều tra 15 vụ.
Đồng cảm trước câu chuyện của chị O, bà Dung cho rằng thực tế nhiều nạn nhân khi chạy trốn vẫn còn quan hệ hôn nhân với chồng cũ bên Trung Quốc, chưa được ly dị. Bản thân họ khi đã chạy trốn thì cũng không thể quay lại Trung Quốc xin thôi quốc tịch cho họ và con của họ được. Trong khi đó, Pháp luật Việt Nam thì quy định, công dân Việt Nam chỉ có 1 quốc tịch. Chưa kể trẻ em muốn khai sinh cần có quốc tịch.
Bà Dung cho rằng những bất cập trong công tác tư pháp khiến cho việc hỗ trợ nạn nhân bị buôn bán người trở về gặp nhiều khó khăn. "Chúng tôi hy vọng các bộ ngành cùng chung tay, cùng có tiếng nói để xây dựng thể chế, sửa đổi chính sách nhằm hỗ trợ tốt hơn cho các nạn nhân", bà Dung nói.
Mới đây, tại Hội thảo Vận động chính sách hỗ trợ phụ nữ di cư hồi hương và xá minh, xác định nạn nhân mua bán người do Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Bộ Công an tổ chức, các đơn vị có liên quan cũng cung cấp những số liệu đáng báo động về tình trạng mua bán người ở Việt Nam.
Số liệu từ Cục Phòng chống tệ nạn xã hội (Bộ LĐTBXH) cho thấy trong năm 2021 cả nước tiếp nhận xác minh được 151 người, xác định 110 người là nạn nhân bị mua bán người. 100% nạn nhân có nhu cầu được hỗ trợ theo quy định. Cùng với đó, trong năm 2021 Đường dây nóng tư vấn và hỗ trợ nạn nhân mua bán người tiếp nhận 35 ca chuyển tuyến giải cứu và hỗ trợ nạn nhân mua bán người.
Trong 6 tháng năm 2022 Báo cáo của các Sở LĐTBXH các tỉnh thành phố đã tiếp nhận xác minh 51 người, xác định 42 người là nạn nhân bị mua bán người. Hỗ trợ 72 nạn nhân bao gồm cả những nạn nhân trở về từ những năm trước.
Trong số 72 nạn nhân được hỗ trợ, có 71 nạn nhân quốc tịch Việt Nam, 1 nạn nhân quốc tịch Trung Quốc, 26 nạn nhân dân tộc Kinh, 46 nạn nhân dân tộc thiểu số: Mông; Thái; Dao; Khơ Mú; Tày... 64 nạn nhân là nữ và 8 nạn nhân là nam giới.
Bà Nguyễn Thị Minh Hương - Phó chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cho biết: Mua bán người luôn là vấn đề nóng, không chỉ với mỗi quốc gia mà đã trở thành vấn nạn toàn cầu.
"Trong thời gian qua, tội phạm mua bán người lợi dụng triệt để mạng xã hội để kết bạn, làm quen, dụ dỗ, lừa gạt, tuyển mộ lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc với hứa hẹn mức lương cao, công việc nhàn hạ. Ngay sau đó tổ chức cho nạn nhân vượt biên trái phép và bán vào các cơ sở đánh bạc trực tuyến, cơ sở kinh doanh dịch vụ massage, karaoke trá hình do người nước ngoài điều hành, nhiều nạn nhân bị ép bán dâm hoặc bị cưỡng bức lao động, nếu muốn về nước thì phải chuộc một khoản tiền rất lớn. Đáng chú ý, không chỉ có trẻ em mà cả người lớn cũng bị lừa bán từ các mối quan hệ trên mạng xã hội", bà Hương nói.
Đại tá Đoàn Thế Vinh - Trưởng phòng, phòng chống đấu tranh chống tội phạm mua bán người (Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an) cho biết tình hình mua bán người vẫn diễn biến phức tạp, có xu hướng gia tăng.
"Trung Quốc hiện nay già hóa dân số, thiếu phụ nữ. Trong khi đó, đây là quốc gia có đường biên giới dài vì thế tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho tội phạm mua bán người hoạt động".
Ông Vinh cho biết, hiện nay các đối tượng phạm tội rất tinh vi, nhiều đối tượng lên mạng, dùng ảnh giả lừa đảo. Thậm chí có kẻ tội phạm mua bán người còn giả vờ là công an biên phòng để di chuyển nạn nhân, phục vụ cho việc mua bán người.
Chia sẻ với câu chuyện buồn của các nạn nhân, ông Vinh cho rằng: "Các bộ ngành, sở phải linh động trong việc xử lý vụ việc. Phải xác định đây là chính sách nhân đạo vì thế cần phải nhập tịch cho các nạn nhân và con của họ. Ngành tư pháp cần phải là đơn vị chủ trì vào cuộc để hỗ trợ nạn nhân".
Bản thân ông Vinh cùng nhiều đại biểu tham gia Hội thảo cũng cho rằng cần nghiên cứu sửa đổi lại các chính sách liên quan tới phòng chống, xử lý buôn bán người. Bên cạnh đó tăng cường hơn nữa các giải pháp hỗ trợ nạn nhân bị buôn bán khi trở về.