80% nạn nhân bị buôn bán người được bán sang các nước giáp biên với Việt Nam

Thùy Anh Thứ hai, ngày 18/07/2022 19:42 PM (GMT+7)
Những nạn nhân của nạn mua bán người sẽ được tiếp nhận, hỗ trợ kịp thời. Việc hỗ trợ được tất cả các đơn vị trực thuộc 4 Bộ thực hiện, đảm bảo quyền, nhạy cảm giới, giảm thiểu sang chấn tâm lý cho nạn nhân.
Bình luận 0

Tội phạm mua bán người rất tinh vi, phức tạp

Đây là nội dung và thông tin được đưa ra tại lễ Ký kết Quy chế phối hợp trong công tác tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán người vào chiều nay (18/7). Lễ ký kết gồm 4 Bộ: Bộ LĐTBXH, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao.

Thượng tướng Trần Quốc Tỏ - Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, trong những năm gần đây, tội phạm mua bán người trên thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng diễn biến khá phức tạp. Tội phạm này xâm hại tới những quyền lợi cơ bản nhất của con người, gây trở ngại tới nhiều mặt của cuộc sống, gây tâm lý hoang mang, lo sợ, gây bất bình trong dư luận, đòi hỏi cần phải được giải quyết.

nạn nhân bị mua bán người

Thượng tướng Trần Quốc Tỏ - Thứ trưởng Bộ Công an cho biết 80% nạn nhân bị mua bán người đều được bán sang các tỉnh nước ngoài giáp ranh với Việt Nam. Ảnh: N.G

Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, tội phạm mua bán người có ở khắp mọi nơi, từ thành thị cho tới nông thôn hay vùng sâu vùng xa, vùng hẻo lánh. Phương thức phạm tội thường tinh vi, có cả trực tiếp dẫn gián tiếp, đôi khi qua trung gian hoặc thông qua không gian mạng... Tội phạm có cấu kết chặt chẽ, giữa người mua, người bán, hay những kẻ môi giới, dẫn dắt, hình thành các đường dây tội phạm liên tỉnh, xuyên quốc gia, quốc tế.

Các hình thức phổ biến là núp dưới vỏ bọc cho nhận con nuôi; đẻ thuê; kết hôn với người nước ngoài; xuất khẩu lao động; di cư bất hợp pháp; vượt biên trái phép đi lao động tự do; ra nước ngoài thăm thân, du lịch... Gần đây nhất là vụ việc lừa đảo đưa lao động đi làm việc tại Campuchia. 

80% nạn nhân của buôn bán người bị bán sang các quốc gia có chung đường biên giới đất liền với Việt Nam, số còn lại sang một số nước khác bằng đường bộ, đường không và đường biển, nên công tác phòng ngừa phát hiện điều tra, xử lý của lực lượng chức năng gặp nhiều trở ngại.

Trước thực trạng trên, Chính phủ đã ban hành chương trình phòng chống mua bán người giai đoạn 2021 -2025 định hướng tới năm 2030. Trọng tâm của chương trình là ngăn ngừa và tiếp nhận hỗ trợ nạn nhân.

Ông Đào Ngọc Dung - Bộ trưởng Bộ LĐTBXH cũng đồng tình với đánh giá trên. Ông Dung cho rằng nạn nhân của những kẻ mua bán người thường là những người dễ bị tổn thương. Họ có thể là người di cư, phụ nữ có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, trẻ em bị bỏ rơi hoặc xuất thân trong các gia đình nghèo khổ, bất hòa..  phần lớn trong số này bị bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động và một số bị ép buộc tham gia các nhóm vũ trang.

Trước thực trạng trên, 4 Bộ đã tổ chức ký kết Quy chế phối hợp liên bộ trong việc bảo vệ và chăm sóc nạn nhân. Quy chế phối hợp có 3 chương, 15 điều. Việc thực hiện quy chế phối hợp sẽ góp phần làm tốt hơn công tác hỗ trợ, chăm sóc, bảo vệ nạn nhân theo nguyên tắc "lấy nạn nhân là trung tâm".

Quy định rõ trách nhiệm tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán người

Quy chế phối hợp liên ngành quy định cụ thể về công tác tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán người.

Bộ Ngoại giao chỉ đạo các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Công an kiểm tra, xác minh thông tin, tài liệu liên quan đến nạn nhân bị mua bán, thực hiện trao trả nạn nhân.

hỗ trợ nạn nhân bị mua bán người

Lễ ký kết giữa các bộ trong việc xác nhận thông tin, tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân. Ảnh: N.G

Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ thuộc Bộ và công an các cấp xác minh và cung cấp thông tin, tài liệu, giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam theo yêu cầu của Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.

Bộ Quốc phòng chỉ đạo Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển tiếp nhận thông tin, tài liệu về nạn nhân bị mua bán. Tiếp nhận nạn nhân đến trình báo hoặc được giải cứu để thực hiện việc tiếp nhận, hỗ trợ và chuyển tuyến nạn nhân bị mua bán.

Bộ LĐTBXH chỉ đạo Sở LĐTBXH và đơn vị trực thuộc tiếp nhận thông tin nạn nhân đến trình báo. Thực hiện hỗ trợ nhu cầu thiết yếu, chuyển tuyến họ về nơi cư trú hoặc cơ sở trợ giúp xã hội/ cơ sở hỗ trợ nạn nhân theo nguyện vọng của nạn nhân bị mua bán.

Bộ Công an, Bộ Quốc phòng chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ thuộc Bộ và cơ quan chuyên môn cấp tỉnh khi thực hiện việc tiếp nhận nạn nhân bị mua bán, thông báo cho Sở LĐTBXH tỉnh, thành phố nơi tiếp nhận nạn nhân để thực hiện việc phối hợp tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán. Trường hợp nhiều nạn nhân được phía nước ngoài trao trả cùng một lúc, tổ chức đoàn liên ngành thực hiện việc tiếp nhận nạn nhân.

Ngoài ra, quy chế phối hợp cũng quy định các điều kiện bảo vệ an toàn cho nạn nhân bị mua bán người và người thân thích của họ; quy định về việc hỗ trợ nhu cầu thiết yếu và chi phí đi lại cho nạn nhân trong quá trình tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán; kiểm tra, thực hiện các biện pháp tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán; quy định trách nhiệm thống kê, báo cáo về tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán.

Quy chế phối hợp nêu rõ các hoạt động sử dụng nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước và các nguồn tài trợ, viện trợ và các nguồn huy động hợp pháp khác.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem