Ứng dụng "Em Vui" giúp phòng ngừa tảo hôn, buôn bán người ở trẻ em thiểu số
Ứng dụng "Em Vui" giúp phòng ngừa tảo hôn, buôn bán người ở trẻ em thiểu số
Thùy Anh
Thứ ba, ngày 28/09/2021 13:04 PM (GMT+7)
Gần 70% trẻ em người dân tộc thiểu số không được trang bị kiến thức tảo hôn, chỉ có 3% nhận diện được nguy cơ về buôn bán người. Trước thực trạng này, nhiều đơn vị đã cho ra mắt ứng dụng trực tuyến "Em vui" phòng ngừa tảo hôn và buôn bán người.
Sáng nay (28/9) Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội (ISDS) phối hợp với Plan International tại Việt Nam tổ chức hội thảo trực tuyến ra mắt nền tảng kỹ thuật số "Em Vui".
Lan tỏa kiến thức kỹ năng phòng tránh tảo hôn, mua bán người
Bà Khuất Thu Hồng - Giám đốc Dự án EMPoWR, Viện Trưởng Viện Nghiên cứu Xã hội ISDS cho biết "Em vui" là không gian kỹ thuật số nhằm trang bị cho trẻ em gái, trẻ em trai và nam nữ thanh niên dân tộc thiểu số kiến thức và kỹ năng để các em có thể chủ động và tự tin phòng tránh tảo hôn và nạn mua bán người.
"Em Vui" được xây dựng như một diễn đàn thân thiện và tin cậy để các bạn thanh thiếu niên tham gia học tập, giao lưu và chia sẻ, lan tỏa kiến thức. Đây cũng là một diễn đàn đối thoại giữa các em thanh thiếu niên dân tộc thiểu số với các nhà hoạch định và quản lý thực hiện chính sách từ các cơ quan của Chính phủ.
Hoạt động nằm trong khuôn khổ Dự án “Tăng cường nhận thức của trẻ em, thanh thiếu niên dân tộc thiểu số về mua bán người và tảo hôn thông qua công nghệ số” (EMPoWR). Dự án được triển khai tại 11 huyện, 52 xã của 4 tỉnh Hà Giang, Lai Châu, Quảng Bình và Quảng Trị trong 3 năm từ 2020 đến 2023. Mục tiêu chính của Dự án là hỗ trợ các em nam nữ thanh thiếu niên dân tộc thiểu số (từ 10 đến 24 tuổi) sẽ sử dụng không gian kỹ thuật số để tìm hiểu kiến thức về mạng xã hội và các kỹ năng an toàn trực tuyến, cũng như các kiến thức về tảo hôn, mua bán người để tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ.
Em Nữ - người H’Mông ở Lai Châu, cho biết: “Em đã cài và sử dụng 'Em Vui' được gần một tháng. Em thấy chương trình có rất nhiều bài học bổ ích lồng ghép trong các phim hoạt hình nhiều tập, với nhiều hình ảnh cuộc sống gần gũi và những câu chuyện thú vị về các bạn thanh thiếu niên dân tộc thiểu số. Học kiến thức kiểu này em thấy tiếp thu rất nhanh mà lại vui”.
Trong thời gian chạy thử và hoàn thiện, từ ngày 15/7 đến hết ngày 15/9, nền tảng đã có hơn 30 video và tài liệu về các kiến thức liên quan đến an toàn trên mạng, sức khỏe sinh sản, phòng chống tảo hôn và mua bán người. 170 người đăng ký thành viên. Gần 6.000 lượt người truy cập và hơn 6.000 lượt tương tác, bình luận, tham gia bài học, tải tài liệu...
Bà Lê Quỳnh Lan, Quản lý Tác động Chương trình Plan International Việt Nam, đối tác của dự án cho biết, mục tiêu 5 năm tới dự án là hỗ trợ 2 triệu em gái học tập, dẫn dắt, quyết định và tỏa sáng. Đây là một trong số các dự án tăng cường nhận thức của trẻ em, thanh thiếu niên dân tộc thiểu số về mua bán người và tảo hôn thông qua công nghệ số với sản phẩm chính là nền tảng Trực tuyến nhằm hướng tới hiện thực hóa cam kết của Plan trong lĩnh vực thúc đẩy Bình đẳng giới và Bảo vệ trẻ em, đặc biệt là trẻ em sinh sống tại các vùng dân tộc thiểu số.
Chỉ 10% trẻ em dân tộc biết sử dụng internet an toàn
Một khảo sát trên 1.725 trẻ em dân tộc của Dự án EMPoWR vào cuối năm 2020 tại 17 xã thuộc 6 huyện ở 4 tỉnh Hà Giang, Lai Châu, Quảng Bình và Quảng Trị cho thấy tình trạng tảo hôn có xu hướng giảm. Tuy nhiên, chỉ có 28% trẻ em được trang bị kiến thức về tảo hôn. Chỉ có 52% các em được khảo sát hiểu biết đúng về độ tuổi kết hôn tối thiểu. Các em thường hiểu sai về độ tuổi được kết hôn của nam giới, đồng thời, các em nữ cũng cảm thấy áp lực phải lấy chồng (để không bị “ế”) lớn hơn. Có 72% biết được ít nhất 2 hậu quả của việc tảo hôn, phổ biến nhất là ảnh hưởng đến nghề nghiệp tương lai, việc học hành và sức khỏe bản thân. Chỉ có 60% sẵn sàng phản đối hôn nhân ép buộc. Tỉ lệ này cao hơn ở trẻ em gái và trẻ em được đi học.
Tương tự, chỉ có 3% trẻ em nhận diện được nguy cơ bị mua bán người. Chỉ có 11% biết về các cách phòng tránh rủi ro, tỷ lệ này thấp nhất ở nhóm 10 tuổi (2%). Có 37% trẻ em biết ít nhất 2 số điện thoại trợ giúp, là 111 (Tổng đài bảo vệ trẻ em) và 113 (công an).
Điều đáng chú ý có 91% trẻ em, thanh niên dân tộc thiểu số đang sử dụng internet, chủ yếu bằng điện thoại thông minh, và thường sử dụng từ 1-3 tiếng/ngày. Tuy nhiên, chỉ có 10% tự khai là có hiểu biết về an toàn trực tuyến. Facebook và YouTube là 2 kênh được dùng nhiều nhất, hoạt động chính là chat, lướt mạng, và xem phim/video. 42% trả lời đã từng hẹn gặp bạn quen trên mạng, trong đó 1/3 hẹn gặp mặt chỉ sau 1 lần nói chuyện. Hiện không có chương trình tập huấn bài bản tại địa phương cho các em về an toàn trực tuyến.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.