Dân Việt

Quy hoạch đô thị sông Hồng: Chuyên gia nói thẳng về những điểm nghẽn

Thái Nguyễn 31/07/2022 07:13 GMT+7
Dù có tiềm năng phát triển lớn nhưng Đồng bằng sông Hồng hiện vẫn chưa khai thác hết tiềm năng, thế mạnh do một số hạn chế về cơ sở hạ tầng, giao thông vận tải. Do đó, việc quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng sẽ tạo điều kiện để thực hiện hóa liên kết, phát triển kinh tế vùng.

Tháo gỡ nhiều điểm nghẽn vùng Đồng bằng sông Hồng

Hiện nay, vùng Đồng bằng sông Hồng có 11 tỉnh, thành phố gồm: Hà Nội, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hải Dương, Hải Phòng, Hưng Yên, Thái Bình, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình; trong đó có 2 thành phố trực thuộc Trung ương là Hà Nội và Hải Phòng. Vùng có diện tích nhỏ nhất (21.253 km2, chiếm 6,4%) nhưng lại là vùng đông dân nhất cả nước (22,92 triệu người, chiếm 23,5% dân số cả nước).

Thúc đẩy phát triển liên kết vùng Đồng bằng sông Hồng (Video: Thái Nguyễn)

Đồng bằng Sông Hồng là cầu nối giao thương, cửa chính ra biển của các tỉnh phía Bắc. Vùng có hệ thống giao thông kết nối hội tụ đầy đủ tất cả loại hình giao thông đồng bộ tương đối hiện đại. Tuy nhiên, vùng Đồng bằng sông Hồng vẫn còn nhiều "điểm nghẽn", trong đó có sự phát triển chưa đồng đều, chưa bền vững trên các lĩnh vực và giữa các địa phương trong vùng...

Một số chuyên gia cho rằng sự kết nối giao thông giữa các hành lang kinh tế còn hạn chế; quy hoạch không gian biển vùng Đồng bằng sông Hồng còn chồng chéo, mâu thuẫn; hạ tầng logistics thiếu đồng bộ. Đặc biệt là liên kết vùng nhìn chung vẫn còn nhiều hạn chế.

Ngoài ra, còn hạn chế về các công trình, dự án liên kết vùng mới tập trung ở các dự án hạ tầng do Trung ương đầu tư. Các hoạt động liên kết, hợp tác giữa các địa phương trong phát triển kinh tế, xã hội, bảo vệ môi trường và kết nối hạ tầng còn chưa được triển khai rộng khắp dù đã có nhiều thỏa thuận hợp tác được ký kết. Do vậy, liên kết vùng chưa phát huy hết vai trò và thế mạnh của từng địa phương.

Tính liên kết vùng Đồng bằng sông Hồng với các vùng khác có nhiều điểm hạn chế (Ảnh: Thái Nguyễn)

Tính liên kết vùng Đồng bằng sông Hồng với các vùng khác có nhiều điểm hạn chế (Ảnh: Thái Nguyễn)

Chưa có cơ chế chính thức về liên kết vùng riêng tạo điều kiện cho thúc đẩy liên kết tại vùng Đồng bằng sông Hồng. Các địa phương mới tăng cường trao đổi, thảo luận chính sách, cung cấp thông tin cho nhau và đã có những kiến nghị chung gửi lên cấp Trung ương. Tính liên kết giữa các địa phương trong các hoạt động phát triển trên thực tế còn mờ nhạt...

Thúc đẩy phát triển mạng lưới nông thôn và đô thị vùng Đồng bằng sông Hồng

Theo Kiến trúc sư Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, mục tiêu đặt ra đến 2030, vùng đồng bằng sông Hồng là vùng kinh tế-đô thị hóa phát triển năng động có tính cạnh tranh cao của cả nước; một trong những vùng động lực quan trọng có sức lan tỏa trong phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an ninh-quốc phòng của khu vực phía bắc và cả nước; cơ cấu kinh tế khu vực đô thị phát triển theo hướng hiện đại với các ngành kinh tế xanh, kinh tế trí thức, kinh tế số chiếm tỉ trọng lớn.

Sơ đồ liên kết vùng Đồng bằng sông Hồng và vùng Thủ đô Hà Nội (Ảnh: sưu tầm)

Sơ đồ liên kết vùng Đồng bằng sông Hồng và vùng Thủ đô Hà Nội (Ảnh: sưu tầm)

"Quá trình đô thị hóa, công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị trong vùng đồng bằng sông Hồng thời gian qua vẫn còn nhiều hạn chế. Quá trình đô thị hóa và phát triển đô thị chưa gắn kết chặt chẽ và đồng bộ với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng nông thôn mới. Mối liên kết vùng còn yếu. Tỷ lệ đô thị hóa đạt được thấp hơn mục tiêu đề ra, còn khoảng cách khá xa so với tỉ lệ bình quân của khu vực và thế giới", KTS Trần Ngọc Chính nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, KTS Trần Ngọc Chính cho rằng để làm tốt công tác phát triển mạng lưới đô thị và nông thôn Vùng, chúng ta cần thúc đẩy quá trình đô thị hóa nhanh và bền vững theo hướng tăng trưởng xanh. Lấy phát triển kinh tế đô thị làm động lực phát triển kinh tế-xã hội cả nước, các vùng và địa phương. Tái cấu trúc và tổ chức không gian, xây dựng hệ thống đô thị thống nhất hiệu quả, toàn diện, năng động, có sức cạnh tranh cao; tăng cường liên kết vùng và kết nối đô thị-nông thôn. Nâng cao chất lượng đô thị, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ và hiện đại, cải thiện điều kiện sống cho dân cư đô thị. Quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên, tăng cường bảo vệ môi trường và nâng cao khả năng chống chịu của các đô thị, ứng phó với biến đổi khí hậu và phòng, chống thiên tai...

KTS Trần Ngọc Chính cho rằng cần phát triển mạng lưới nông thôn và đô thị vùng Đồng bằng sông Hồng

KTS Trần Ngọc Chính cho rằng cần phát triển mạng lưới nông thôn và đô thị vùng Đồng bằng sông Hồng

Để tiếp tục phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng theo tinh thần Nghị quyết XIII của Đảng và Nghị quyết 06 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý phát triển bền vững đô thị Việt Nam giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trên tinh thần kế thừa kết quả việc thực hiện Nghị quyết số 54-NQ/TW, ngày 14/9/2005 của Bộ Chính trị khóa IX về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Hồng đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020; Kết luận số 13-KL/TW, ngày 28/10/2011 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 54-NQ/TW...thì việc nghiên cứu định hướng, nhiệm vụ giải pháp phát triển mạng lưới đô thị và nông thôn vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là hết sưc quan trọng...Đồng thời góp phần tích cực vào việc lập quy hoạch vùng đồng bằng sông Hồng theo Luật Quy hoạch.