Ngày 12/7, Ban Chỉ đạo Tổng kết Nghị quyết 54-NQ/TW ngày 14/9/2005 của Bộ Chính trị khóa IX về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 (Ban Chỉ đạo 54), đã phối hợp với Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức Hội thảo "Phát triển văn hóa, xã hội, khoa học công nghệ và bảo vệ môi trường vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045". Chủ trì hội thảo có ông Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết; ông Nguyễn Duy Hưng, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết; ông Lê Quân, Giám đốc Đại học quốc gia Hà Nội.
Ông Trần Tuấn Anh, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo 54, chủ trì hội thảo - Ảnh: Thành Trung
Phát biểu tại hội thảo, ông Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo 54, cho biết sau gần 17 năm thực hiện Nghị quyết 54 và 11 năm thực hiện Kết luận 13 của Bộ Chính trị, vùng ĐBSCH đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, nhất là trên các lĩnh vực văn hóa, xã hội, khoa học công nghệ và môi trường.
Tuy nhiên, ông Trần Tuấn Anh cho rằng phát triển vùng ĐBSH còn nhiều tồn tại, hạn chế; nhiều vấn đề mới phát sinh và được đặt ra đối với phát triển vùng trong bối cảnh, tình hình mới của đất nước. Văn hóa chưa quan tâm đầy đủ, đúng mức, chưa thực sự trở thành nguồn lực nội sinh cho phát triển bền vững.
"Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo chưa thực sự trở thành động lực cho phát triển, chưa tạo đột phá để nâng cao năng suất lao động. Y tế, giáo dục còn nhiều bất cập, chưa theo kịp với trình độ các nước phát triển trong khu vực và thế giới. Ô nhiễm môi trường đang là vấn đề lớn đối với vùng nói riêng và cả nước nói chung. Một số mục tiêu của Nghị quyết 54 đề ra chưa đạt được" - ông Trần Tuấn Anh nhận định.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Kinh tế Trung ương đang phối hợp chặt chẽ với 20 Ban Cán sự đảng, Đảng ủy trực thuộc Trung ương và thường trực tỉnh ủy, thành ủy của 11 địa phương trong vùng tổ chức triển khai nhiệm vụ tổng kết Nghị quyết 54. Mục tiêu là sau khi Tổng kết thực hiện Nghị quyết số 54 sẽ đề xuất được Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết mới cho vùng với các quan điểm và nhiệm vụ, giải pháp phát triển phù hợp để phát triển kinh tế - xã hội vùng trong thời gian tới.
Tại hội thảo, GS-TS Lê Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, chia sẻ 3 giải pháp đột phá được xác định là: Hình thành quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSH; ban hành đồng bộ các cơ chế, chính sách liên kết vùng; tăng cường vai trò chỉ đạo, điều hành của Chính phủ đối với vùng.
PGS-TS Bùi Quang Tuấn, Viện Kinh tế Việt Nam, đề nghị các địa phương trong vùng phải có sư liên kết chặt chẽ, đặc biệt cần phân công, phân lớp rõ ràng, cụ thể và rà soát các bước cụ thể, tránh rơi vào tình trạng "đánh trống bỏ dùi".
Còn GS-TS Phạm Hồng Tung, Viện trưởng Việt Nam học và Khoa học Phát triển, Đại học Quốc gia Hà Nội, cho biết vùng châu thổ sông Hồng là gốc của người Việt Cổ, có nền văn hóa lớn lâu đời nhưng vùng đất này cũng mang tập tính "bảo thủ" tương đối. Do vậy, các địa phương phải đặt hàng các nhà khoa học, các cơ quan nghiên cứu có tính khả thi và chịu trách nhiệm. Đặc biệt phải giải bài toán nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao, phải dành nguồn lực lớn cho công tác này.
Đáng chú ý, theo GS-TS Phạm Hồng Tung, để vùng ĐBSH cất cánh thì các địa phương trong vùng phải tạo ra ngành công nghiệp văn hóa, phải vốn hóa nền văn hóa và xây dựng thị trường văn hóa có đủ sức cạnh tranh, có giá trị gia tăng cao.
"Chúng ta có nguy cơ rơi vào tình cảnh "thuộc địa" văn hóa nếu như văn hóa không được gìn giữ, bồi đắp và không ngừng nâng cao giá trị giá tăng"- GS Phạm Hồng Tung thẳng thắn góp ý.
Theo GS Phạm Hồng Tung, Viện Việt Nam học và Khoa học Phát triển đang xây dựng mô hình gia tăng hiệu quả, tăng giá trị gia tăng vốn hóa nền văn hóa, ngành công nghiệp văn hóa để có thể áp dụng vào các ngành, các địa phương.
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông đề nghị thực hiện chính sách ưu tiên hỗ trợ hoạt động bảo vệ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Gắn kết các hoạt động phát triển văn hóa, thể thao và du lịch với các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện để các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân đầu tư xây dựng và phát triển cơ sở văn hóa, thể thao và du lịch.
Ông Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết phát biểu chỉ đạo tại hội thảo
Kết luận hội thảo, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh vùng ĐBSH phải đi đầu trong phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, kinh tế số, xã hội số. Thúc đẩy mạnh mẽ các trung tâm đổi mới sáng tạo. Tập trung xây dựng các trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
Đồng tình với GS Phạm Hồng Tung, ông Trần Tuấn Anh cho rằng để tạo bước đột phá trong phát triển của vùng ĐBSH cần quan tâm đầy đủ, toàn diện đến văn hóa để văn hóa trở thành nguồn lực nội sinh cho phát triển bền vững; đẩy mạnh phát triển để khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trở thành động lực tăng trưởng, nhất là nâng cao năng suất lao động; tiếp tục đầu tư cho y tế, giáo dục để khai thác tót hơn tài nguyên con người để theo kịp với trình độ các nước phát triển; tăng cường công tác quản lý khai thác và bảo về tài nguyên theo hướng bền vững.
Đồng thời, phải gỡ các điểm nghẽn, nút thắt để phát triển văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, tài nguyên - môi trường và nguồn nhân lực.
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết để hoàn thiện Đề án tổng kết Nghị quyết 54 Ban Chỉ đạo giao Thường trực Tổ Biên tập chắt lọc kết quả hội thảo để lựa chọn, tổng hợp đảm bảo phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ tổng kết và tham mưu cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư các chủ trương, định hướng nhằm phát triển vùng ĐBSH thời gian tới.
Đề xuất áp chỉ tiêu về phát triển khoc học, công nghệ và đổi mới sáng tạo
Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà cho biết mục tiêu đến năm 2025, ĐBSH có lao động có bằng cấp/chứng chỉ đạt 40-44% lực lượng lao động; tỷ lệ lao động có các kỹ năng công nghệ thông tin đạt 60%. Đến năm 2030, lao động có bằng cấp/chứng chỉ đạt 45-50%; Tỷ lệ lao động có các kỹ năng công nghệ thông tin đạt 90%.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào Tạo Nguyễn Hữu Độ cho biết sẽ tập trung đầu tư xây dựng một số cơ sở đào tạo chất lượng cao (Đại học Quốc Gia Hà Nội, Trường ĐH Bách Khoa Hà nội…) ngang tầm với các nước trong khu vực và thế giới.
Còn theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Hoàng Giang, vùng ĐBSH có tiềm lực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KH,CN-ĐMST) đứng đầu cả nước. Toàn vùng có có 291/552 tổ chức nghiên cứu và phát triển (chiếm trên 50% cả nước); có trên 150 trường đại học, học viện; có 14/17 phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia; có hơn 500 tổ chức KH,CN công lập và ngoài công lập, 5/22 sàn giao dịch công nghệ thiết bị; có trên 300 doanh nghiệp KH,CN.
Tuy nhiên, kết quả hoạt động KH,CN-ĐMST trong thời gian qua chưa xứng với tiềm năng, lợi thế của vùng, thị trường KH,CN trong vùng phát triển chậm. Do vậy, Bộ KH-CN đề xuất các ngành, địa phương phải đưa các chỉ tiêu về phát triển KH,CN-ĐMST, trong đó chỉ tiêu tỷ lệ doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo vào nội dung chiến lược, kế hoạch, quy hoạch phát triển của ngành, địa phương.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.