Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu và phương hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022.
Trong 6 tháng đầu năm, các lĩnh vực quản lý Nhà nước của bộ đều đạt và vượt các chỉ tiêu đề ra: Doanh thu công nghiệp công nghệ thông tin ước đạt 72,5 tỷ USD tăng trưởng 17,8% so với cùng kỳ.
Kim ngạch xuất khẩu phần cứng - điện tử ước đạt 57 tỷ USD (tăng 16,4% so với cùng kỳ), trong đó xuất khẩu máy tính ước đạt 29,1 tỷ USD (tăng 21,8%) và xuất khẩu điện thoại ước đạt 27,9 tỷ USD (tăng 11,2% so với cùng kỳ).
Đáng chú ý trong cơ cấu doanh thu công nghiệp công nghệ thông tin 6 tháng qua, tỷ lệ giá trị Make in Vietnam đạt hơn 26,7% với giá trị ước đạt khoảng 19,4 tỷ USD.
Cùng với đó, thị trường bưu chính ghi nhận mức tăng trưởng trên 30% về doanh thu dịch vụ bưu chính, sản lượng bưu gửi so với cùng kỳ (ước đạt 27.000 tỷ đồng doanh thu, tương ứng 870 triệu bưu gửi); tổng doanh thu lĩnh vực viễn thông 156.556 tỷ đồng (tăng trưởng 0,6% cùng kỳ); 35/35 nền tảng số quốc gia đã được đưa vào sử dụng…
Cũng theo đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông, đến nay số doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đến nay ước đạt 67.300, tăng 3.422 doanh nghiệp so với tháng 12/2021, đạt tỷ lệ xấp xỉ khoảng 0,69 doanh nghiệp/1.000 dân (bằng 98% kế hoạch năm là 0,7 doanh nghiệp/1.000 dân, năm 2022 Việt Nam đặt mục tiêu sẽ đạt 70.000 doanh nghiệp công nghệ số).
Trước đó, theo Chiến lược phát triển công nghiệp công nghệ số Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến 2030, mục tiêu đến năm 2025 sẽ phát triển 80 ngàn doanh nghiệp công nghệ số.
Tuy nhiên, việc phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam tại các địa phương không được đồng đều. Số lượng doanh nghiệp công nghệ số tập trung chủ yếu vào 4 địa phương với tỷ lệ doanh nghiệp công nghệ số/1.000 rất cao như: Thành phố Hồ Chí Minh (3,19), Hà Nội (2,29), Đà Nẵng (2,24) và Bắc Ninh (1,02). Tổng số doanh nghiệp công nghệ số của 4 tỉnh thành này chiếm hơn 72% tổng số doanh nghiệp công nghệ số của cả nước.
Trong khi đó, có nhiều tỉnh/thành tỷ lệ này còn ở mức rất thấp, với tỷ lệ doanh nghiệp công nghệ số/1.000 dân chỉ ở mức 0,07 so với tỷ lệ trung bình chung (0,677) nên chưa đáp ứng được nhu cầu chuyển đổi số, phát triển kinh tế xã hội tại địa phương.
Nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2022, Bộ sẽ tiếp tục giải quyết nhiều vấn đề phát sinh, tồn đọng.
Tại hội nghị, Bộ Trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, 6 tháng đầu năm mà ngành Thông tin và Truyền thông có tới 3 chiến lược quốc gia được Thủ tướng Chính phủ ban hành. Đây là các chiến lược lĩnh vực. Chiến lược mà cho riêng từng lĩnh vực thì sẽ rõ ràng hơn và dễ làm hơn. Đó là các chiến lược về bưu chính, về chính phủ số và về kinh tế số.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng nhấn mạnh năm 2022 Bộ Thông tin và Truyền thông chính thức được bổ sung chức năng nhiệm vụ mới về chuyển đổi số, công nghiệp công nghệ số, kinh tế số, nên bộ máy phải tổ chức lại cho phù hợp. Nhiều cán bộ về hưu, phải chuẩn bị người thay thế phù hợp. Nhiều vị trí có yêu cầu mới, cao hơn cũng phải có người mới phù hợp. Nhiều cán bộ đi biệt phái về phải phân công cho phù hợp. Nhiều cán bộ tập sự cấp phó phải đánh giá, bố trí.
"Ngồi ở cơ quan quản lý Nhà nước là dẫn dắt quốc gia, là quyết định sự phát triển của đất nước, thì phải đặt ra mục tiêu cao cho mình, cũng tức là mục tiêu cao cho đất nước, phải tìm cách tiếp cận mới cho việc khó dễ đi mà làm, không được dùng mãi câu cửa miệng là làm nhà nước thì khó lắm. Nếu nói vậy là đã đóng lại mọi cánh cửa rồi. Phải mở cánh cửa ra, mọi cái đều có thể làm được, mọi giấc mơ đều có thể hiện thực," Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết.