Các mảnh vỡ từ tên lửa đẩy trạm vũ trụ mới Long March-5B của Trung Quốc lên quỹ đạo đã rơi xuống biển ở Philippines, theo Cơ quan Vũ trụ Trung Quốc.
Thông báo không đưa ra chi tiết về việc các mảnh vỡ rơi trên đất liền hay trên biển, nhưng lưu ý "khu vực rơi" ở 119 độ kinh Đông và 9,1 độ vĩ Bắc. Đây là vùng biển phía đông nam thành phố Puerto Princesa của Philippines trên đảo Palawan.
Chưa có thông tin từ các nhà chức trách Philippines về việc liệu có ai trên mặt đất bị ảnh hưởng hay không.
Trung Quốc đã phải đối mặt với những lời chỉ trích vì đã để cho các mảnh vỡ tên lửa rơi xuống Trái đất một cách mất kiểm soát hai lần trước đó.
Năm ngoái, NASA cáo buộc Bắc Kinh "không đáp ứng các tiêu chuẩn trách nhiệm liên quan đến các mảnh vỡ không gian" sau khi các bộ phận của một tên lửa Trung Quốc rơi xuống Ấn Độ Dương.
Trạm vũ trụ đầu tiên của nước này, Tiangong-1, đã đâm xuống Thái Bình Dương vào năm 2016 sau khi Bắc Kinh xác nhận mất quyền kiểm soát. Sau đó, một tên lửa nặng 18 tấn tiếp tục rơi không kiểm soát vào tháng 5 năm 2020.
Trung Quốc cũng phải đối mặt với những lời chỉ trích sau khi sử dụng tên lửa để phá hủy một trong những vệ tinh thời tiết không còn sử dụng vào năm 2007, tạo ra rất nhiều mảnh vỡ mà các chính phủ khác cho rằng có thể gây nguy hiểm cho nhiều vệ tinh xung quanh.
Vụ phóng Long March-5B ngày 24/7, tên lửa mạnh nhất của Trung Quốc, nhằm đưa tàu vũ trụ Wentian vào quỹ đạo. Hôm 25/7, nó được gắn vào mô-đun chính của Thiên Hà, nơi có ba phi hành gia sinh sống.
Hiện Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ chưa đưa ra bình luận về vụ việc này. Đầu tuần này, Trung Quốc cho biết họ sẽ theo dõi chặt chẽ đường bay của các mảnh vỡ nhưng khẳng định rất ít nguy cơ gây nguy hiểm cho con người.
Trung Quốc đã đổ hàng tỷ USD vào các chuyến bay và thám hiểm không gian.