Lo ngại nhu cầu tiêu thụ dầu yếu hơn trong bối cảnh lạm phát toàn cầu tăng cao, đà phục hồi sản xuất tại các nền kinh tế chậm hơn dự báo khiến giá dầu hôm nay tiếp đà đi xuống, dầu Brent tuột mốc 100 USD/thùng.
Ghi nhận vào đầu giờ sáng ngày 2/8/2022, theo giờ Việt Nam, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI đứng ở mức 93,74 USD/thùng, giảm 0,59%.
Trong khi đó, giá dầu Brent đứng ở mức 99,4 USD/thùng, giảm 0,79%.
Giá dầu ngày 2/8 tiếp tục giảm mạnh chủ yếu do lo ngại nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu yếu hơn khi mà quá trình phục hồi kinh tế, sản xuất tại hầu hết các nền kinh tế đều đang chậm hơn dự báo.
Áp lực lạm phát tăng cao đang khiến các nhà máy ở Mỹ, châu Âu vật lộn với việc đẩy mạnh sản xuất khi giá cả hàng hoá leo thang khiến tiêu dùng của người dân bị thắt chặt.
Còn tại Trung Quốc, quan điểm phòng chống dịch nghiêm ngặt nhằm kiềm chế đà lây lan của dịch Covid-19 cũng khiến quá trình phục hồi kinh tế của nước này đã không được như kỳ vọng.
Giá dầu hôm nay có xu hướng giảm mạnh còn do thị trường dầu thô tin rằng Ả Rập Xê-út sẽ có động thái đáp lễ chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Joe Biden bằng cách tăng dần sản lượng.
Dự báo của Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam, dầu thô nhiều khả năng sẽ tiếp tục giảm điều chỉnh trước các số liệu sản xuất suy yếu.
Giá dầu chịu sức ép trong phiên sáng nay, khi lo ngại về suy thoái kinh tế tiếp tục gia tăng với số liệu kinh tế tiêu cực của Trung Quốc.
Cuối tuần trước, chỉ số quản lý thu mua PMI sản xuất của Trung Quốc trong tháng 7 đã rơi xuống mức 49, cho thấy sự sụt giảm trong hoạt động kinh tế của nước này. Chỉ số PMI phi sản xuất mặc dù vẫn ở mức 53,8, tuy nhiên vẫn thấp hơn mức kỳ vọng. Dịch Covid-19 đã khiến cho triển vọng tăng trưởng trong nửa cuối năm nay trở nên xấu đi đáng kể.
Trong khi đó, ngành bất động sản của Trung Quốc, một trong những “đầu tầu” được kỳ vọng sẽ kéo nền kinh tế đi lên, đang gặp rất nhiều khó khăn do làn sóng tẩy chay nợ vay thế chấp. Sáng hôm qua, chỉ số PMI của Caixin chỉ đạt 50,4, thấp hơn kỳ vọng 51,5 của thị trường cũng khẳng định sự suy yếu của ngành sản xuất. Điều này đang liên tục gây sức ép cho giá dầu, và khiến cho lực bán duy trì sau khi thị trường mở cửa.
Tuy vậy, giá nhiều khả năng giá dầu cũng sẽ không giảm quá sâu, sau khi Saudi Arabia tiếp tục khẳng định sự cần thiết trong việc hợp tác với Nga để duy trì khối OPEC+, một động thái cho thấy Saudi Araiba sẽ không quá mặn mà với đề nghị gia tăng sản lượng dầu từ Mỹ, bất chấp chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Joe Biden trong tháng trước.
Theo số liệu mới nhất, trong tháng 6, sản lượng dầu của OPEC+ vẫn đang thấp hơn gần 3 triệu thùng/ngày so với kế hoạch đề ra, với tỷ lệ tuân thủ đã tăng lên đến mức 320%, và chỉ có UAE là nước duy nhất đạt mục tiêu. Thị trường đang chờ đợi cuộc họp ngày 03/08 sắp tới, cuộc họp đầu tiên kể từ tháng 04/2020 OPEC không có kế hoạch cắt giảm sản lượng cụ thể.
Tại thị trường trong nước, Bộ Công Thương có quyết định điều hành giá xăng dầu kể từ 15 giờ hôm 1/8.
Theo đó, từ 15h00 chiều ngày 1/8, giá xăng E5 RON 92 giảm 444 đồng/lít so với giá hiện hành, giá xăng RON 95-III giảm 462 đồng/lít; giá các loại dầu giảm từ 713 – 950 đồng/lít/kg.
Giá xăng E5 RON 92 giảm 444 đồng/lít và giá bán mới không cao hơn 24.629 đồng/lít. Giá xăng RON 95-III không cao hơn 25.608 đồng/lít (giảm 462 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành).
Giá dầu diezen 0.05S giảm 950 đồng/lít trở về mức 23.908 đồng/lít. Giá dầu hỏa giảm 713 đồng/lít và giá bán mới là 24.533 đồng/lít. Mặt hàng dầu mazut 180CST 3.5S giữ nguyên giá 16.548 đồng/kg.
Liên Bộ Công Thương - Tài chính yêu cầu thực hiện trích lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu (BOG) đối với mặt hàng xăng E5 RON 92 ở mức 800 đồng/lít (kỳ trước là 950 đồng/lít); xăng RON 95 ở mức 850 đồng/lít (kỳ trước là 950 đồng/lít), dầu diesel ở mức 450 đồng/lít (kỳ trước là 550 đồng/lít), dầu hỏa ở mức 650 đồng/lít (kỳ trước là 700 đồng/lít) và dầu mazut ở mức 787 đồng/kg (kỳ trước là 950 đồng/kg). Đồng thời, không chi Quỹ BOG đối với các loại xăng dầu.
Như vậy, ở kỳ điều hành ngày 1/8, liên Bộ tiếp tục trích Quỹ BOG với mặt hàng xăng ở mức cao. Điều này khiến giá xăng không thể tiếp tục giảm mạnh như 2 kỳ vừa qua.
Tính chung cả 4 lần giảm giá liên tiếp, cơ quan điều hành đã trích tới hơn 2.750 đồng/lít với mặt hàng xăng; 2.150 đồng/lít với dầu hỏa và 1.550 với dầu diesel.
Nếu kỳ điều chỉnh này, liên Bộ Công Thương - Tài chính không trích lập Quỹ BOG, giá xăng đã có thể giảm tới 1.250-1.320 đồng/lít và dầu diesel cũng có thể giảm tới 1.400 đồng/lít.
Theo lý giải của nhà quản lý, thời gian qua, để bình ổn giá xăng dầu trong nước, Quỹ BOG xăng dầu đã được sử dụng khá nhiều nên số dư tại một số doanh nghiệp vẫn còn âm. Tuy nhiên, hiện nay dư địa Quỹ BOG xăng dầu của một số doanh nghiệp đã dương trở lại, trong đó, đến ngày 1/8, Quỹ BOG của Petrolimex - nhà bán lẻ xăng dầu lớn nhất cả nước dương 305 tỷ đồng.
Theo số liệu, bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới giữa kỳ điều hành ngày 1/8 giảm 1,2-3,8% so với kỳ trước. Cụ thể xăng RON 92 (dùng để pha chế xăng E5 RON 92) còn 110,6 USD/thùng, giảm 1,2%; xăng RON 95 còn 114,4 USD/thùng, giảm 1,5%; dầu diesel còn 130,5 USD/thùng, giảm 3,8%...
Tính đến nay, giá xăng dầu đã trải qua 20 lần điều chỉnh giá, trong đó có 13 lần tăng và 7 lần giảm. Hiện, giá xăng E5 RON 92 và RON 95 trong nước đã xuống quanh mức 24.500-25.600 đồng/lít, tương đương mức giá vào tháng 2.
Điều này khiến cho người dân và doanh nghiệp vui mừng bởi chi phí cho xăng dầu giảm, đồng nghĩa với gánh nặng lên vai đã nhẹ bớt, có thể kích cầu tiêu dùng trong thời gian tới. Theo đánh giá của chuyên gia, giá xăng dầu giảm mạnh không chỉ giúp người dân được hưởng lợi trực tiếp từ giá xăng mà còn có thể hưởng lợi gián tiếp từ việc giảm giá các loại hàng hóa, dịch vụ.
Chính phủ, các Bộ ngành có thể tiếp tục đề xuất mạnh việc giảm thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt để giá xăng giảm xuống nữa, giúp giá cả thị trường, chi phí giảm, doanh nghiệp tăng sức cạnh tranh.
Giá dầu thế giới còn rất khó dự báo, có thể giảm trong kỳ điều hành này, nhưng sẽ quay trở lại tăng vào thời gian tới. Do vậy, các Bộ, ngành cần tiếp tục tính toán, cân nhắc và đề xuất các giải pháp để giảm thuế trên xăng dầu, từ đó giảm giá xăng dầu, góp phần tác động mạnh hơn tới giảm giá nhiều mặt hàng tiêu dùng...
Liên quan đến điều hành giá xăng dầu, theo Bộ Công Thương, giá xăng có thể giảm về 24.000 đồng/lít vào quý IV/2022.
Đại diện Vụ Thị trường trong nước của Bộ này dự báo những tháng tới, bình quân giá xăng thành phẩm thế giới vẫn biến động bất thường, dao động trong khoảng 145 - 155 USD/thùng, tức tăng 73 - 100% so với cùng kỳ 2021. Trong trường hợp nhà điều hành không trích lập vào Quỹ BOG, giá xăng bán lẻ trong nước sẽ có giá bán dưới 31.700 đồng, còn dầu sẽ dưới 27.100 đồng.
Từ quý IV/2022, giá xăng dầu thế giới được dự báo "hạ nhiệt" về khu vực 110 - 115 USD/thùng. Từ đó, giá bán lẻ xăng dầu trong nước cũng sẽ giảm mạnh, về mức 24.000 đồng/lít với xăng và 20.000 đồng/lít với dầu.
Tương đương với ngưỡng giá dự báo này, giá bình quân thành phẩm xăng dầu thế giới năm 2022 ở mức 130 - 140 USD/thùng, tăng 66 - 90% so với 2021. Tuy vậy, nhờ các công cụ điều hành từ giảm thuế môi trường, Quỹ BOG... bình quân giá bán lẻ trong nước chỉ tăng khoảng 35 - 39% với xăng, 51% với dầu so với 2021.