Chiều nay 2/8, lần đầu tiên Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan chủ trì cuộc Đối thoại giữa lãnh đạo Bộ với đoàn viên, thanh niên của Bộ và một số trường đại học của Bộ.
Tại buổi đối thoại, bạn Lê Hữu Tuấn Anh, Bí thư Đoàn Thanh niên Tổng cục Thủy sản là người đầu tiên nêu ý kiến: Là cán bộ Đoàn nên phần lớn anh em có tuổi nghề chưa nhiều, kinh nghiệm quản lý ngành còn non yếu. Bộ trưởng có giải pháp nào để đào tạo nâng cao trình độ cho cán bộ trẻ, hay thực hiện chính sách luân chuyển, biệt phái cán bộ Đoàn về các địa phương, tạo động lực phấn đấu cho ngành?
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, vấn đề này sẽ giao cho Vụ Tổ chức cán bộ nghiên cứu, triển khai. Ở các địa phương, cấp trưởng phòng, phó phòng kỹ thuật thì có thể không cần quá câu nệ quy định về luân chuyển, để cho cán bộ trẻ ngành nông nghiệp có cơ hội về cơ sở, hiểu hơn về thực trạng của nông nghiệp, nông thôn, hoặc tham gia chương trình ngắn hạn có lợi cho thanh niên của Bộ và các địa phương.
"Đây là suy nghĩ hay. Chúng ta hãy bước ra khỏi tư duy trường lớp, tư duy kinh nghiệm, mà hãy từ thực tiễn đồng rộng với nông dân, hình thành tình yêu với nông nghiệp nông thôn. Có thể thời gian luân chuyển 6 tháng, 1 năm, hay 3 tháng, 1 tuần để thanh niên hòa nhập vào cuộc sống, soi rọi lại kiến thức đã học, biết đâu sẽ phát hiện vấn đề hay trong cuộc sống, tăng thêm sự say mê với nông nghiệp, nông thôn khi trở về. Tôi nghĩ đây là vấn đề khá mới mẻ, yêu cầu Vụ Tổ chức cán bộ bàn với Đoàn Thanh niên trình Đảng uỷ Bộ để có chương trình đa dạng, phong phú..." - Bộ trưởng Bộ NNPTNT gợi ý.
Tiếp đó, bạn Nguyễn Việt Cường, Bí thư Chi đoàn Cục Quản lý nông lâm sản nêu câu hỏi: Hiện nay ngành nông nghiệp nói chung đang thiếu hụt nhân lực chất lượng, lãnh đạo Bộ có giải pháp gì để tăng cường nguồn nhân lực trẻ, phát triển nông nghiệp nông thôn?
Bộ trưởng Lê Minh Hoan trả lời: Tuổi trẻ, tuổi già có hai cấp độ, độ tuổi và khát vọng dấn thân của mỗi người, trẻ hay già đều có giới hạn. Tôi đồng tình với việc tìm nguồn nhân lực trẻ cho ngành nông nghiệp. Hiện nay, Bộ cũng đang triển khai chương trình phát hiện, ươm mầm cho đội ngũ nhân lực trẻ của Bộ, của ngành. Vụ Tổ chức cán bộ sớm nghiên cứu trình đề án Ban Cán sự Bộ cho vấn đề này.
"Nhân tài đang ngồi ở đây, vấn đề là làm sao phải phát hiện và bồi dưỡng đội ngũ tri thức trẻ để thành nhân tài. Tôi cho rằng, việc "trải thảm đỏ" nhân tài là cái bẫy thất bại. Bằng cấp có phải nhân tài không, thái độ dấn thân có phải nhân tài hay không?" - Bộ trưởng hỏi lại.
Đại diện cho Đoàn Thanh niên Học viện Nông nghiệp Việt Nam, bạn Đỗ Thị Kim Hương - Bí thư chi Đoàn chia sẻ: Chúng tôi rất vui mừng vì lần đầu tiên được nói lên tiếng nói của thanh niên đến Bộ trưởng. Nguyện vọng của thế hệ sinh viên trường chúng tôi, đó là tổ chức nhiều hoạt động cho sinh viên, tham gia các cuộc thi khởi nghiệp và đã có nhiều sáng kiến khởi nghiệp giành giải thưởng trong các cuộc thi quốc gia. Qua đây, chúng tôi bày tỏ mong muốn Bộ NNPTNT bố trí một phần kinh phí để các dự án khởi nghiệp này không chỉ dừng lại ở cuộc thi, mà được nhân rộng, chuyển giao cho nhiều thanh niên nông thôn.
Bên cạnh đó, bạn Hương cũng cho biết, Bộ NNPTNT từng có Đề án đưa giảng viên trẻ, sinh viên tình nguyện về tham gia xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế ở các vùng khó khăn, nhưng chỉ thực hiện năm 2015. Mong rằng, thời gian tới Bộ sẽ hỗ trợ cho Trường tiếp tục thực hiện đề án này tại những địa bàn khó khăn.
"Về vấn đề thiếu sinh viên, nhân lực có trình độ cho ngành nông nghiệp, cá nhân tôi nghĩ rằng quan tọng nhất là cần đẩy mạnh giáo dục, chia sẻ tình yêu đối với nông nghiệp. Mong rằng, Bộ trưởng sẽ dành thời gian về Học viện Nông nghiệp Việt Nam để chia sẻ, bồi đắp tình yêu đó đối với các sinh viên trẻ" - bạn Hương bày tỏ.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan cho rằng: Học viện Nông nghiệp Việt Nam là nơi đào tạo, tích hợp nhiều bộ môn, là nơi thuận lợi cho môi trường khởi nghiệp. Tuổi trẻ thất bại không sao cả. Nhưng cần hiểu đúng bản chất của khởi nghiệp, trong đó giáo viên sẽ là người khơi gợi, giúp sinh viên xây dựng ý tưởng khởi nghiệp, kích thích sự sáng tạo của sinh viên.
Tư lệnh ngành nông nghiệp cho biết: Đoàn Thanh niên gửi 10 ý tưởng khởi nghiệp khả thi, thương mại hóa rồi chúng ra sẽ bàn với nhau tìm nguồn lực để thực hiện. Mỗi sinh viên chỉ cần mua 1 sản phẩm khởi nghiệp, thì riêng Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã có hàng nghìn người tiêu thụ.
"Tuy nhiên, để thương mại hóa ý tưởng cũng không phải chuyện đơn giản. Hiện nhiều đơn vị của Bộ đều làm nấm và rất nhiều nơi làm nấm đông trùng hạ thảo. Trong khi để thương mại hóa thì cần câu chuyện, tạo ra sự khác biệt. Thị trường chính là nơi xác lập giá trị của sản phẩm khởi nghiệp. Các bạn hãy gửi những ý tưởng khả thi, Bộ sẵn sàng bỏ tiền mua" - Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định.
Trả lời câu hỏi của một bạn trẻ về vấn đề ở nông thôn đang có thực trạng bỏ ruộng hoang ở nhiều địa phương, ông Lê Minh Hoan giao ngay cho Bí thư Đoàn Thanh niên Bộ NNPTNT Tạ Hồng Sơn tổ chức diễn đàn, hoặc toạ đàm với chủ đề "Nếu tôi là Bộ trưởng".
"Các đồng chí làm đi, tôi sẽ ngồi dự. Các bạn hãy suy nghĩ nếu tôi là Bộ trưởng thì sẽ giải quyết vấn đề bỏ ruộng hoang ra sao. Có thể các đồng chí sẽ có cách nhìn khác, hoàn toàn mới mẻ, giải quyết được vấn đề" - Bộ trưởng Lê Minh Hoan nêu.
"Các bạn không bị áp lực ở vị trí lãnh đạo, có thể sẽ nhìn ra những giá trị hoàn toàn mới. Thực tế có nhiều sáng kiến bắt nguồn từ những ý tưởng điên rồ, tư duy khác người. Chúng ta hãy thử đổi vai cho nhau, hiểu được trách nhiệm, vị trí, chia sẻ cho nhau nhiệm vụ đối với ngành nông nghiệp. Tuổi trẻ có ý chí, muốn tham gia vào việc nước, hãy thử đặt mình vào vị trí của người lãnh đạo, để tìm ra những vấn đề, giải pháp mới" - ông Lê Minh Hoan phân tích.
Trở lại câu chuyện đất bỏ hoang, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh đây là vấn đề nhức nhối trong cuộc sống.
Hiện nay, người trẻ nông thôn bỏ làng quê đi học hành rồi làm việc ở thành phố ngày càng nhiều, dẫn tới làng quê toàn người già làm nông nghiệp.
"Nếu bây giờ đổi lại người già vào khu công nghiệp làm việc, người trẻ đi làm nông nghiệp được không? Rõ ràng rất khó, đó là quy luật. Khi người ta thấy cơ hội thu nhập cao hơn, người ta sẽ có sự lựa chọn. Chúng ta đừng nhìn vào hướng tiêu cực mà hãy tìm giải pháp giải quyết vấn đề đó. Suy nghĩ tìm ra các mô hình giúp người nông dân có thu nhập cao hơn từ 1 đơn vị diện tích - đó là nhiệm vụ, trách nhiệm của chúng ta" - Bộ trưởng Bộ NNPTNT nhấn mạnh.